Người ta có thể nhìn mà không thấy, có thể thấy mà không nhìn; nhìn bằng mắt của mình, lại có thể nhìn bằng mắt người khác; nhìn bằng con mắt của ống nhòm, của kính hiển vi, không nhất thiết nhìn bằng con mắt của mình. Vậy xung quanh ta là sự thực hay ảo giác.

Con mắt của loài người hiện nay về cơ cấu sinh học có lẽ không có gì khác mấy vạn năm trước, khi còn nằm ở ranh giới giữa vượn và người, nhưng cái nhìn, sự nhìn đã thay đổi hoàn toàn theo các bước tiến xã hội. Trong khi con mắt của muôn loài động vật vật thế, vẫn tinh nhanh hơn mắt người nhiều lần, nhưng nó không dẫn tới nghệ thuật, design, công nghệ liên quan đến thị giác, mà vẫn chỉ là sự nhìn tinh trước đối tượng kiếm ăn.


Người xưa nhìn lên bầu trời thấy thần phật, người thời nay nhìn lên bầu trời thấy sự bao la của vũ trụ, sự vận hành của các vì sao, đó chính là bước tiến xã hội của con mắt. Con người từ khi ra biển khơi, phát triển thiên văn học đã sáng chế ra nhiều loại kính để mắt nhìn xa hơn, tầm nhìn rộng hơn, và cứ thế dẫn đến kết quả của các phương tiện nghe nhìn tích hợp hiện tại, mà điển hình là cái iPhone thông thường, ai cũng có thể có – một phương tiện, mà ngay cả phi công vũ trụ thập niên 60 của thế kỷ 20 có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Đó là bước tiến vượt bậc về phương tiện liên lạc và thông tin, không chỉ là thị giác, nằm gọn trong lòng bàn tay một bạn trẻ 16 tuổi.

Giữa con mắt thực và con mắt công nghệ vừa có phần giống nhau, vừa có phần khác nhau. Công nghệ đã phát triển mạnh tới mức ảnh hưởng hoàn toàn đến thị giác của con người, mà thực tế cái nhìn của mắt thường không thể hiệu quả như thế. Những người sống trong thành phố về căn bản là nhìn bằng con mắt công nghệ – một thứ thị giác ảo, hay là ảo thị. Bạn vừa nhìn thấy sự thực rõ hơn, vừa xa cách với sự thực hơn, đến mức không biết sự thực là gì nữa. Một thế giới ảo bao trùm lên con người thành phố, nhất là đối với các nhà thiết kế và nghệ sĩ thị giác, bởi vì họ không chỉ nhìn, mà còn nhìn bằng các vốn thị giác có trong tiềm thức do công nghệ cung cấp, họ nhìn theo cách của con mắt công nghệ…

Đây chính là ý tưởng khởi đầu của loạt bài viết này, khi chúng tôi cảm thấy tầm quan trọng của vấn đề thị giác trong thời đại công nghệ và kỹ thuật số. Mắt của chúng ta hiện nay không còn là con mắt của người nông dân sáng chiều ra đồng nhìn thấy núi non đồng ruộng, cỏ cây, hoa màu, tối về nhìn mâm cơm gia đình qua ánh đèn dầu, và đêm nhìn lên bầu trời thấy trăng sao thật thiêng liêng xa vời, mà một ngày nào đó linh hồn anh ta sẽ lên trên đó. Chúng ta cảm nhận được sự khác biệt giữa con mắt cổ truyền của người nông dân với con mắt được hỗ trợ bởi thành tựu của khoa học từ công nghiệp đến công nghệ. Trước thế kỷ 19, người ta chưa hề trông thấy vi trùng và tế bào ra làm sao, người ta càng không thể biết dải ngân hà hoá ra là một hệ vũ trụ có hình xoắn ốc với nhiều dải tinh vân quay theo. Sự tưởng tượng đã được hiện thực hoá, và sự thực sửa chữa rất nhiều cái tưởng tượng sai, hoặc gần đúng.

Trở về với cái iPhone. Khi trước, chụp ảnh cần có máy ảnh, ghi âm cần có máy ghi âm, quay phim lại là một loại máy ghi hình khác, truy cập internet phải tìm máy tính nối mạng… Bây giờ thì tất cả trong lòng bàn tay. Bạn có thể nói chuyện với một người nào đó tận bên kia địa cầu ngay lập tức và họ cũng lập tức trông thấy bạn của mình như thế nào. Ta vẫn biết đó là những hình ảnh ảo được truyền qua mạng, nhưng đường truyền cũng có thời gian, vào thời điểm ta nhận được hình ảnh đó, thì sự thực cũng khác rồi. Cái tương quan tưởng là tức thời đó, ta không nhận ra, và ngày nào cũng sống nhiều giờ với công nghệ, chúng ta có hẳn một tâm hồn bởi thế giới ảo.