Các trường đại học ở Đông Âu và Nam Mỹ đã đứng đầu bảng xếp hạng Leiden về đa dạng giới trong nghiên cứu. Tuy nhiên xu hướng này có thể do các công việc khoa học ở các khu vực này trả lương tương đối thấp, đẩy nam giới sang các công việc trả lương cao hơn.

Đây là lần đầu tiên bảng xếp hạng đại học Leiden hàng năm - đánh giá hiệu suất khoa học của các trường đại học trên cơ sở đo lường thư mục (bibliometrics, việc áp dụng các phương pháp thống kê để nghiên cứu dữ liệu thư mục) - bao gồm một thước đo về sự cân bằng giới, tính toán tỷ lệ phụ nữ trong tổng số các tác giả báo cáo của một trường đại học.

Bảng xếp hạng Leiden cung cấp thông tin về nghiên cứu được thực hiện tại các trường đại học, thể hiện qua các ấn phẩm và dữ liệu. Cơ sở này cũng đảm bảo tính độc lập của Bảng xếp hạng Leiden, vì không có sự phụ thuộc vào dữ liệu do chính các trường đại học đệ trình. Bảng xếp hạng Leiden trình bày nhiều chỉ số nhằm khám phá hiệu suất của các trường đại học từ các góc độ khác nhau, trong đó mới đây là chỉ số về cân bằng giới.

Đại học Buenos Aires là một trong những trường đại học hàng đầu trong bảng xếp hạng mới được công bố về đa dạng giới tính ở các cơ quan nghiên cứu.

Kết quả tổng thể cho thấy phụ nữ chiếm khoảng 30% tác giả của các bài báo học thuật trên toàn thế giới, nhất quán với những phát hiện trước đó. Trong Bảng xếp hạng Leiden (cho nghiên cứu được công bố trong khoảng 2014 đến 2017), các trường đại học châu Âu có tỷ lệ nữ tác giả cao hơn một chút so với các trường đại học Bắc Mỹ. Nhiều trường đại học ở châu Á được xếp hạng thấp nhất, theo Ludo Waltman tại Đại học Leiden ở Hà Lan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển chỉ số giới tính. Đơn vị được xếp hạng cao nhất là Đại học Y khoa Lublin ở Ba Lan, với 56% tác giả nữ.

Sự thống trị của các viện Nam Mỹ và Đông Âu trong top 10 về tỉ lệ tác giả nữ cũng lặp lại các nghiên cứu trước đây. Xu hướng này có thể do các công việc khoa học ở các khu vực này trả lương tương đối thấp, đẩy nam giới sang các công việc trả lương cao hơn trong khu vực, theo Cassidy Sugimoto, một nhà khoa học thông tin tại Đại học Bloomington, Indiana. Sugimoto là nhà nghiên cứu về sự mất cân bằng giới tính trong xuất bản nghiên cứu.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra sự chênh lệch giới tính trong khoa học, nhưng việc kết hợp số liệu này vào một bảng xếp hạng toàn cầu chính là "một bước tiến rất lớn", Sugimoto nói. Các trường đại học tính đến các chỉ số để đặt mục tiêu, vì vậy những số liệu này có thể có tác động ngay lập tức đến cách các quản trị viên điều hành các tổ chức của họ, cô nói.

Kiểm tra tên

Để tạo ra thước đo về giới, nhóm của Waltman đã phân tích số nghiên cứu công bố của 963 trường đại học trên toàn thế giới từ năm 2006 đến 2017. Họ đã sử dụng một thuật toán để gán giới tính cho tên tác giả và sử dụng số này để xác định xem một đại học có bao nhiêu tác giả nam và tác giả nữ. Waltman cảnh báo rằng nghiên cứu của nhóm có hạn chế với các trường đại học châu Á, bởi vì thuật toán này ít chính xác hơn trong việc xác định giới tính từ tên châu Á so với các trường hợp khác.

Nhiều cơ quan nghiên cứu tốt nhất trong Bảng xếp hạng Leiden về mặt tác động khoa học có điểm số khác nhau về chỉ số giới tính. Đối với các bài báo được xuất bản trong khoảng 2014 - 2017, Viện Karolinska ở Stockholm xếp thứ 71, với 43% tác giả nữ; Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, đứng thứ 286, với 34%; và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich (ETH Zurich) là 807, với 19%.

Nhìn chung, các trường đại học kỹ thuật xếp hạng thấp hơn so với các trường có các ngành khoa học xã hội hoặc y sinh. Điều này không có gì ngạc nhiên, Sugimoto nói, bởi vì phụ nữ thường chỉ chiếm khoảng 20% các nhà nghiên cứu trong khoa khoa học vật lý và kỹ thuật - ít hơn trong khoa học xã hội và sinh học.

Waltman cho biết xếp hạng của ông cũng cho thấy số lượng tác giả nữ tại các trường đại học đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ 2006 - 2014, nhưng chỉ khoảng 3%.

Vấn đề phổ biến

Nhưng ngay cả sau khi tính đến trọng tâm nghiên cứu của các cơ quan, một số trường đại học có tỉ lệ các tác giả nữ đặc biệt thấp, Sugimoto nói - cho thấy các tổ chức nghiên cứu đó có thể có vấn đề phổ biến.

Phụ nữ có thể yếu thế một phần vì so với nam giới, họ mới tham gia các lĩnh vực khoa học, Donna Ginther, một nhà kinh tế tại Đại học Kansas ở Lawrence, người nghiên cứu thiên kiến trong tài trợ khoa học.

Caroline Wagner, một nhà phân tích chính sách công tại Đại học bang Ohio ở Columbus, hy vọng rằng chỉ số giới tính sẽ là chỉ số đầu tiên trong bộ số liệu có thể giúp các trường đại học đo lường hiệu suất của họ trong đa dạng giới.

Nhưng bà cảnh báo rằng ngay cả khi các quản trị viên đại học thể hiện sự quan tâm đến việc hỗ trợ sự nghiệp của phụ nữ, các nhà khoa học nữ phải đối mặt với những trở ngại tiềm ẩn khó giải quyết. Ví dụ, trong hầu hết mọi lĩnh vực, các bài báo do phụ nữ viết ra được trích dẫn ít hơn so với nam giới - và không phải vì chất lượng nghiên cứu của họ. Tính đến kiểu thiên vị dưới dạng trích dẫn này có thể hữu ích, Wagner nói.

Nguồn: