Chỉ số ảnh hưởng của một tạp chí (Journal Impact Factor - JIF) là một trong những công cụ đo lường gây tranh cãi nhiều nhất, nhưng cũng có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong khoa học. Tuy nhiên, nhiều tạp chí uy tín đang xem lại giá trị của nó.

Vì sao chỉ số Impact Factor bị “hắt hủi”?

JIF được tính bằng số lần trung bình mà các bài báo khoa học công bố trên đó trong 2 năm gần nhất được trích dẫn trong các bài báo khoa học khác.

Khởi nguồn từ chỉ số trích dẫn trong khoa học (Science Citation Index- SCI), bảng xếp hạng tạp chí dựa trên JIF được công bố lần đầu năm 1969 và đến nay, JIF vẫn được đa số nhà xuất bản ủng hộ. JIF giúp đo lường chất lượng tạp chí, nhưng thường vẫn được giới khoa học dùng để đánh giá chất lượng các bài báo và cả tác giả.

Stefano Bertuzzi - Giám đốc điều hành ASM. Ảnh: YTB

Tuy nhiên, cộng đồng khoa học đang dần xem lại giá trị của JIF. Mới đây, một bài báo trước bình duyệt (một bài báo khoa học cần gửi cho những người phản biện để xem và yêu cầu sửa chữa, bổ sung rồi mới đăng tải chính thức - PV) đăng trên tờ bioRxiv kêu gọi các tạp chí giảm tầm quan trọng của JIF để chuyển qua dùng một thước đo khác, cho phép đo lường biên độ các trích dẫn mà các bài trên tạp chí nhận được.

Nhóm tác giả bài báo này chính là chuyên viên cao cấp của một số nhà xuất bản khoa học hàng đầu, kể cả chủ quản của tờ Nature - Springer Nature.

Tương tự, trong một bài đăng đồng thời trên 8 tạp chí khoa học vào ngày 11/7, Hiệp hội Vi sinh vật học Mỹ (ASM) công bố kế hoạch loại Impact Factor khỏi các tạp chí, website, các ấn phẩm quảng cáo và tiếp thị của ASM.

“Đối với tôi, điều thiết yếu là phải chấm dứt cuộc tranh luận xoay quanh Impact Factor. Chúng tôi muốn chỉ số này trở nên tồi tệ đến mức mọi người phải xấu hổ khi nhắc đến” - Stefano Bertuzzi - Giám đốc điều hành ASM - tuyên bố.

Hiệp hội Sinh học tế bào Mỹ thậm chí đã cấm hẳn việc nhắc đến JIF trong cuộc họp thường niên.

Để nhấn mạnh hạn chế của chỉ số Impact Factor, nhóm tác giả bài báo trên bioRxiv đã lập biểu đồ phân bố số trích dẫn của các bài báo trên 11 tạp chí, trong đó có Science, Nature, eLife và ba tạp chí thư viện khoa học công (PLoS) trong giai đoạn 2013-2014. Đó cũng là các trích dẫn được dùng để tính toán chỉ số Impact Factor của năm 2015.

Phần lớn các bài báo có Impact Factor thấp hơn chỉ số của tạp chí đăng tải nó. 74,8% số bài trên Nature được trích dẫn ít hơn con số chung của tạp chí 38,1 lần. 75,5% số bài trên Science cũng không đạt đến 35 lần trích dẫn để bằng chỉ số JIF 34,7 của tạp chí. Tạp chí PLoS Genetic có 65,3% số bài không đạt mức chung 6,7 lần trích dẫn.

Chính các bài báo có số lần trích dẫn cao tạo ra sự khác biệt này. Bài báo dẫn đầu về trích dẫn trên Nature được dẫn lại 905 lần, còn “quán quân” của Science cũng được trích đến 694 lần. Bài báo dẫn đầu trên PLoS ONE được trích dẫn 114 lần so với con số JIF 3,1 của tạp chí.

Đồ thị phân bố trích dẫn có vẻ là công cụ tốt để đo mức độ ảnh hưởng của một tạp chí. Một số tờ báo khoa học - như của Hiệp hội Khoa học hoàng gia và của Nhà xuất bản Embo - công bố chỉ số phân bổ trích dẫn các bài báo của mình. Cách này cho phép hình dung trực quan hơn về vị trí của một tạp chí.

Nhóm tác giả bài báo trên bioRxiv khuyến cáo các nhà xuất bản nên giảm bớt tầm quan trọng của chỉ số JIF chung và nhấn mạnh các đồ thị phân bố trích dẫn của các bài báo. Họ cũng hướng dẫn chi tiết cách tính phân bố chỉ số trích dẫn cho tạp chí.
Tờ Nature cho biết họ sẽ sớm cập nhật trang web “để bao hàm được một dải chỉ số đo rộng hơn”. Tờ Science tuyên bố sẽ xem xét đề xuất này khi bài báo trên bioRxiv đăng tải trên một tạp chí có bình duyệt.

Impact Factor có biến mất?

Không phải ai cũng đồng tình với việc loại bỏ hẳn chỉ số JIF. Heidi Siegel - phát ngôn viên của Thomson Reuters, hãng tin đóng vai trò chính công bố JIF - tuyên bố JIF chỉ là thước đo tổng quát về kết quả đầu ra của một tạp chí và không nên sử dụng để đánh giá bất kỳ bài báo hay tác giả nào.

“Chúng tôi tin điều quan trọng nhất là phải đo lường chỉ số Impact Factor của cả tạp chí như một tổng thể và đó mới chính là nhiệm vụ của chỉ số JIF” - Siegel nói.

Ludo Waltman - một chuyên gia về danh mục xuất bản tại Đại học Leiden (Hà Lan) - cũng cho rằng biểu đồ phân bố trích dẫn có giá trị chỉ số JIF khi tham khảo trước các quyết định quan trọng như tuyển dụng hay đề bạt.

Tuy nhiên, ông không ủng hộ loại bỏ hoàn toàn chỉ số JIF vì thước đo này vẫn cần thiết, chẳng hạn để các nhà khoa học quyết định đăng bài hoặc tham khảo từ một loạt tạp chí trong danh sách quan tâm.

“Chối bỏ giá trị của JIF giống như chối bỏ giá trị của toàn bộ hệ thống xuất bản khoa học và tất cả nỗ lực mà biên tập viên và người bình duyệt đã bỏ ra để đảm bảo chất lượng của tạp chí” - Waltman nói.

Những người tẩy chay JIF cho rằng việc loại bỏ cần có thời gian và chỉ số này sẽ dần dần bị lãng quên. “Đây là vấn đề có tính văn hóa và để thay đổi thói quen cố hữu, cần áp lực từ nhiều phía” - Bertuzzi nói.