Được trang bị máy móc hiện đại, đắt tiền nhất nhưng không ít phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm bị phàn nàn là hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân “gà quý chưa đẻ trứng vàng” một phần thuộc về nhân lực, khi cán bộ biết sử dụng thiết bị tối tân lại bận nhiều việc khác.

Đầu tư lớn cho nhiệm vụ lớn

PTN trọng điểm Công nghệ gene thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - được đánh giá là một trong những PTN trọng điểm hoạt động hiệu quả nhất - được đầu tư tổng cộng 624 thiết bị, 64 phụ tùng, với tổng giá trị khoảng 54 tỷ đồng.

Trong đó, có nhiều thiết bị tối tân và đắt tiền như máy khối phổ, máy sắc ký lỏng hiệu năng cao, máy sắc ký lỏng tinh chế, máy xác định trình tự gene tự động, các thiết bị chuẩn bị mẫu protein để phân tích khối phổ, hệ thống kính hiển vi huỳnh quang...

Từ năm 2013, đơn vị được trang bị thêm một máy xác định trình tự gene thế hệ mới, cho phép giải mã bộ gene của sinh vật một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Theo PGS-TS Chu Hoàng Hà - Giám đốc PTN trọng điểm Công nghệ gene, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, sự ra đời của PTN đã giúp đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu của viện, trong bối cảnh công nghệ sinh học được Nhà nước xác định là lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) quan trọng cần ưu tiên. Một trong các thành tựu KH&CN mang ý nghĩa xã hội to lớn có sự đóng góp quan trọng của PTN này là phương pháp định danh hài cốt liệt sỹ.

Các nghiên cứu viên đang làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gene.
Ảnh: Loan Lê

“Việc giám định gene đã trở thành bước quan trọng trong quy trình định danh hài cốt liệt sỹ và đây là đóng góp từ nghiên cứu của PTN trọng điểm Công nghệ gene. Kết quả này chính là cơ sở để Viện Công nghệ sinh học trở thành một trong ba đơn vị được Nhà nước đầu tư nâng cấp phòng giám định hài cốt liệt sỹ với kinh phí trên 200 tỷ đồng. Viện đang xây dựng trung tâm giám định hài cốt liệt sỹ để nâng công suất giám định gene, dự kiến sẽ hoàn thành trong vài năm tới” – TS Hà chia sẻ.

Ông Hà cũng cho biết, nhờ có PTN trọng điểm Công nghệ gene, viện đã hoàn thiện và làm chủ công nghệ di truyền ngược để tạo chủng giống sản xuất vắcxin phòng cúm A/H5N1. Trên cơ sở công nghệ này, các nhà khoa học sử dụng thông tin di truyền là trình tự gene của các chủng virus cúm A/H5N1 mới xuất hiện gây bệnh trên gia cầm để tổng hợp ra virus nhân tạo không còn độc tính làm chủng giống sản xuất vắcxin.

Không đủ nhân lực để khai thác tài nguyên

PTN mà TS Hà phụ trách là một trong 17 PTN trọng điểm của cả nước, ra đời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2000 phê duyệt đề án Xây dựng các PTN trọng điểm. Theo đó, loại hình PTN này được mở tại các viện nghiên cứu đầu ngành, trường đại học trọng điểm, khu công nghệ cao của Nhà nước đang thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

“Các PTN trọng điểm đã góp phần nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu, đào tạo cho các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học” - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nói trong lần báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội gần đây.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ: “Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách phục vụ các PTN trọng điểm còn hạn chế, chưa mở rộng cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập và cá nhân để họ được sử dụng cơ sở vật chất của PTN phục vụ nghiên cứu. Các PTN trọng điểm quốc gia và chuyên ngành tuy có đóng góp bước đầu vào việc tăng cường năng lực nghiên cứu, song hiệu quả chưa cao do đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu quy chế sử dụng chung”.

Các nhà khoa học đang làm việc tại “phòng sạch” của Viện ITIMS. Ảnh: Loan Lê

TS Chu Hoàng Hà cũng thừa nhận tình trạng một số PTN trọng điểm chưa khai thác hết công suất thiết bị, ảnh hưởng đến chủ trương chung của phòng. Theo GS-TSKH Trương Quang Học - nguyên Chủ nhiệm chương trình KC.08 giai đoạn 2000-2005, tình trạng thiếu đề xuất từ các tổ chức KH&CN là một nguyên nhân: “Trong hướng phát triển các PTN trọng điểm, phải có định hướng của Nhà nước xem cần chú trọng phát triển cái gì, kết hợp với đề xuất từ các nhóm nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu phát triển đến đâu thì đầu tư trang thiết bị đến đó để tránh tình trạng nơi có thiết bị thì không khai thác hết, chỗ cần máy thì không có khả năng đầu tư”.

Theo PGS-TS Nguyễn Phúc Dương - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, vấn đề nằm ở nguồn nhân lực. Do thiết bị tại các PTN trọng điểm đều tối tân nên quy trình quản lý rất ngặt nghèo, người dùng phải hiểu rõ hệ thống đó. Tuy nhiên, việc tìm hiểu các thiết bị phức tạp, đặc thù này cần rất nhiều thời gian, có khi đến nửa năm.

“Trong khi đó, các PTN trọng điểm không đủ nhân lực để cùng ngồi với các nhà khoa học đang cần làm thí nghiệm cho đề tài của họ. Cán bộ của các PTN trọng điểm còn phải làm nhiệm vụ riêng nên không phải lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bên ngoài. Vì thế, không nhiều người đến với PTN trọng điểm, tạo nghịch lý là tiền đầu tư rất lớn nhưng việc khai thác lại rất hạn chế” - TS Dương nói.

Với mong muốn tháo gỡ khó khăn đó, TS Hà cho rằng: “PTN trọng điểm thì thiết bị cũng trọng điểm và phải được giao nhiệm vụ trọng điểm. Những người phụ trách có trình độ cao nhưng lại chưa có cơ chế ưu đãi về lương, lựa chọn đề tài… Nếu muốn PTN trọng điểm đạt trình độ như phòng thí nghiệm của khu vực hoặc thế giới, phải có cơ chế thoáng hơn và ưu đãi đặc biệt hơn”.

Mục tiêu của đề án Xây dựng các PTN trọng điểm là lập PTN trọng điểm thuộc các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu, chế tạo máy và tự động hóa, hóa dầu, năng lượng và lĩnh vực khác về cơ sở hạ tầng. Các PTN trọng điểm được trang bị máy móc, thiết bị đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ các nước trong khu vực, một số đạt trình độ quốc tế, với một đội ngũ chuyên gia giỏi.

Các PTN trọng điểm được hoạt động theo phương thức mở, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm sử dụng tối đa hiệu suất của máy móc thiết bị và năng lực của đội ngũ cán bộ.