Tại lễ trao giải cuộc thi Dự án Khởi nghiệp lần 4 của trung tâm BSA hôm 28.10, một vị giám khảo nói: “Tôi rất hài lòng về sự phát triển của các dự án khởi nghiệp vùng sâu, vùng xa và miền núi. Hàm lượng công nghệ chưa cao mấy, nhưng các bạn đã bắt đầu tự giải những bài toán cuộc sống xung quanh mình...”.

Xúc cảm từ những tâm huyết

Cô giáo Sùng Y Xía, Hòa Bình đứng trên sân khấu to đùng của Hội trường Thống nhất, TP.HCM kể về dự án “Xây dựng nhà truyền thống dân tộc Hmông – Hòa Bình và Khôi phục ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong” một cách vô cùng mộc mạc nhưng đầy đam mê: “Người Hmông sinh sống trên cao nguyên vẫn tự hào rằng có nghề truyền thống góp phần làm nên đó là nghề se lanh, dệt vải và vẽ hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm. Để được một tấm vải lanh vẽ sáp ong nhuộm chàm phải trải qua nhiều công đoạn: se lanh, dệt vải, vẽ hoa bằng sáp ong lên nền, nhuộm chàm. Mất hết 1 tháng và rất nhiều công khó để tạo ra tấm vải đẹp như vầy...”.

Mỗi tấm vải lanh dệt được đều có những nét hoa văn truyền thống, mang đậm đà bản sắc của người dân tộc Hmông của vùng núi Pà Cò Huyện Mai Châu - Tỉnh Hòa Bình. Hồi xưa, vải lanh sau khi dệt xong dùng để may quần áo, làm khăn đội đầu, vỏ chăn, bao đựng thóc... nhưng ngày nay nghề dệt vải lanh ít phát triển hơn bởi các loại bông vải, sợi được sản xuất có giá trị rẻ hơn, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng.

Chị cầm miếng vải, vuốt nhẹ và làm cả hội trường “đứng tim” khi giới thiệu bức ảnh hoa hậu Việt Nam với tà áo dài bằng vải lanh vẽ sáp ong đẹp lộng lẫy... “Mà các sản phẩm lanh không chỉ dừng lại ở chỗ là phục vụ gia đình mà đã có mặt ở thị trường trong nước và ngoài nước. Trong đó tôi đã từng được mời xuống các khách sạn, Bảo tàng Hội An Quảng Nam để dạy, trải nghiệm. Tôi cũng sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới như: Khăn choàng, ví, túi xách, bao gối, khăn trải bàn, tranh treo tường với nhiều màu sắc và hoa văn tinh tế. Tôi là giáo viên và nghề chính của tôi là dạy học nhưng bên cạnh đó còn có nghề phụ đó là nghề vẽ thổ cẩm, tôi đã biết vẽ hoa văn từ năm 17 tuổi. Hiện nay tôi vừa đi dạy hoc vừa tranh thủ thời gian để dạy cho các em vẽ. Ước muốn của tôi dạy cho các em vẽ để tăng thu nhập cho gia đình và giữ gìn được nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Hmông...”.

Sùng Y Xía và chị em ở nhà dệt vải vẽ chàm ở Hoà Bình. Ảnh: Kim Anh

Giám khảo hỏi: “Dạy học vẽ thu học phí mắc không?” - “Dạ em đâu có thu tiền” - “Vậy chị dạy chúng tôi đi” - “Thì thầy cô lên chơi, em biết gì là dạy hết. Em vui lắm” - “Chúng tôi muốn thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học về câu chuyện vẽ sáp ong này, chị cùng tham gia nhé?” - “Em ít biết làm khoa học lắm nhưng thầy muốn thì em sẽ tham gia”. Hội trường vỗ tay ầm ĩ.

Trước khi trao giải nhì chung cuộc cho Sùng Y Xía, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch công ty Vinamit nói: “Khát vọng của các thí sinh đã truyền được cảm hứng, cảm xúc cho ban giám khảo, cho những thí sinh cùng tham gia. Điều đó tạo nên sự hứng thú khiến ban giám khảo chọn đầu tư cho nhiều dự án tại cuộc thi năm nay. Những người đi trước như chúng tôi rất cần có những người trẻ có tâm huyết với nông sản sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng để kết nối, hợp tác. Hi vọng rằng chúng tôi tiếp tục được kết nối với các chủ dự án, để hỗ trợ những bạn luôn nỗ lực và quyết tâm để thành công, cùng trở thành những doanh nông tương lai của đất nước”.

Mở rộng không gian “bản địa”

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, nhà sáng lập công ty công nghệ Rynan, giám khảo cuộc thi nói rằng: “Tôi ngạc nhiên vì sự trưởng thành trong tư duy kinh doanh của các em. Với tôi, đây là các dự án khởi nghiệp thật sự chứ không chỉ là các câu chuyện làm ăn mưu sinh như một số trường hợp mà tôi biết khác. Đó là vì cũng một câu chuyện sản vật quê nhà, các em đã biết cách làm khác đi, làm mới hơn, và có khả năng nhân rộng lên nhiều lần”.

Giám khảo Nguyễn Phi Vân thử đội chiếc nón xơ dừa, sản phẩm mà các bạn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre ước muốn sau này sẽ sánh được với nón lá Huế. Ảnh: Kim Anh

Một trong những minh chứng của điều mà ông Mỹ hài lòng, có lẽ là chuyện của chàng trai vừa tròn 20 tuổi Nguyễn Phúc Sang, giám đốc công ty Phúc Sang Handicraft. Bạn kể: “Bắt đầu từ việc làm sao để giải quyết vấn đề tồn đọng của nguyên liệu xơ dừa ở Bến Tre, dù xuất hàng sản lượng rất nhiều nhưng mang giá trị không cao và thời gian gần đây ngành hàng này bị một số công ty nước ngoài ép giá khiến xơ dừa vứt đi gây ứ đọng kênh rạch. Có một chàng sinh viên trong dịp nghỉ lễ phụ giúp gia đình vận chuyển các kiện hàng xơ dừa ép đã khiến kiện hàng ly xơ dừa ép bị hỏng hóc, và câu chuyện chiếc nón xơ dừa đã được hình thành. Sau khi gặt hái các thành tựu tại các cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên, với sự giúp đỡ của hội khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, được thành lập vào tháng 11 năm 2017, Phuc Sang Handicraft là thương hiệu khởi nghiệp với dòng Sản phẩm Khởi nghiệp Nón Xơ Dừa tại Việt Nam. Công ty TNHH PHÚC SANG HANDICRAFT chuyên cung cấp hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa,dùng trang trí, gia dụng và lưu niệm với hương thơm nhẹ của gỗ dừa, và các thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên tạo cảm giác an toàn cho người dùng. Công ty đã qua hơn một năm vừa phát triển vừa nghiên cứu thị trường. Đến nay sản phẩm của công ty đã nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới công ty tiếp tục mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm đi xa hơn để ngày càng có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm mới của xứ đưa, mong là một ngày “nón xơ dừa” cũng có cuộc đời như nón lá dân tộc”.

Giám khảo Nguyễn Phi Vân, chủ tịch công ty Retail and Franchise Asia đội chiếc mũ xơ dừa của bạn, cười rất tươi: “Cả thế giới đang sống trong thế kỷ bản địa. Một chiếc nón xơ dừa, một món ăn truyền thống độc đáo, một sản vật địa phương, một câu chuyện cổ truyền... tất cả đều có sức lay động lòng người vì tính độc đáo, có khi là duy nhất của nó cũng như hàm lượng văn hoá bên trong. Tôi thấy rất “đã đời” vì được sống chung cùng các câu chuyện khởi nghiệp bản địa giàu cảm xúc, giàu tình yêu xứ sở của các bạn đến vậy”.