Ngày 1/11, chính phủ Mỹ đã công bố kết luận chính thức liên quan đến hai nghiên cứu do Liên bang thực hiện cho thấy "chứng cứ rõ ràng" rằng bức xạ điện thoại di động có mối liên hệ đến ung thư tim ở những con chuột đực.

Theo Quartz, nghiên cứu được tiến hành bởi Chưng trình Độc chất học Quốc gia Mỹ (NTP), và bên cạnh kết luận nói trên, người ta còn phát hiện ra "một vài chứng cứ" cho thấy bức xạ có liên quan đến ung thư não và ung thư tuyến thượng thận ở chuột đực (NTP sử dụng các cụm từ "chứng cứ rõ ràng", "một vài chứng cứ", "chứng cứ khả nghi", và "không có chứng cứ" khi đưa ra các kết luận).

Hai nghiên cứu này, vốn được thực hiện trong gần 2 thập kỷ, bao gồm một quy trình đánh giá ngang hàng đầy khắc nghiệt diễn ra vào tháng 3 vừa qua.

Cần nhấn mạnh rằng những nghiên cứu thực hiện trên động vật không thể tái hiện một cách hoàn hảo quá trình sử dụng điện thoại di động của con người, bao gồm hành động đưa điện thoại lên tai để nghe, hay bỏ chúng vào túi quần. Và mức độ bức xạ mà loài gặm nhấm phải tiếp xúc trong các nghiên cứu này cũng cao hơn so với mức thông thường mà một người có thể tiếp xúc khi sử dụng điện thoại di động - trên thực tế, mức độ tiếp xúc thấp nhất trong các nghiên cứu đã ngang bằng với mức độ tiếp xúc tối đa được cho phép bởi các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ đối với người dùng điện thoại di động, tức ngang với mức độ tiếp xúc "hiếm khi xảy ra" trong quá trình sử dụng điện thoại di động thông thường (theo NTP). Mức bức xạ cao nhất mà chuột phải tiếp xúc cao hơn 4 lần so với mức tối đa được phép.

"Chúng tôi tin rằng mối liên hệ giữa bức xạ tần số radio và các khối u trên chuột đực là có thật" - John Bucher, nhà khoa học tại NTP cho biết.

Các khối u còn được tìm thấy trong tim của những con chuột cái, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng họ cũng không thể chắc chắn được bức xạ là thứ đã gây ra các khối u.

Một bước ngoặt mới trong cuộc tranh luận bấy lâu nay

Các kết quả mà Chính phủ Mỹ công bố đã thay đổi đáng kể cuộc tranh luận liệu sử dụng điện di động có phải là một nguy cơ gây ung thư không. Cho đến thời điểm này, chính phủ Liên bang và các hãng sản xuất điện thoại hoạt động dựa trên giả định rằng điện thoại di động về căn bản không thể gây ra ung thư, bởi chúng phát ra bức xạ không ion hoá. Bức xạ ion hoá - loại bức xạ thường thấy ở tia X, máy quét CT, các nhà máy năng lượng hạt nhân, và một vài nguồn khác - chắc chắn sẽ gây ra ung thư nếu tiếp xúc với liều lượng đủ cao. Bức xạ không ion hoá được cho là không phát ra đủ năng lượng để bẻ gãy các liên kết hoá học. Có nghĩa là nó không thể gây thiệt hại lên DNA, và do đó không thể dẫn đến những đột biến có thể gây ra ung thư. Nhưng những kết luận của NTP lại đảo ngược hoàn toàn giả định đó.

Những con chuột đã phải tiếp xúc với bức xạ 2G, công nghệ di động ở thời điểm nghiên cứu được thực hiện vào những năm 1990, hoạt động trên tần số radio 900MHz. Tại Mỹ, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã ngừng dịch vụ 2G. Các nhà mạng khác, như Verizon, sẽ sớm làm điều tương tự. Tuy nhiên, ngay cả khi đã đi đến cuối con đường ở châu Âu và Bắc Mỹ, 2G vẫn hiện diện rộng rãi tại châu Phi và Nam Mỹ.

Các điện thoại di động ở Mỹ, châu Âu và châu Á hoạt động chủ yếu trên công nghệ 3G và 4G, với công nghệ 5G đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ sớm được tung ra thị trường. Mỗi thế hệ mạng lại sử dụng một tần số khác nhau, nhiều trong số đó là các tần số cao hơn mức 900MHz của 2G. Các tần số càng cao sẽ càng ít có khả năng thâm nhập vào cơ thể người và chuột thành công.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Bước tiếp theo là xác định xem các kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa thế nào đối với con người. Các tài liệu đánh giá ngang hàng sẽ được chuyển cho Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm xác định những nguy cơ sức khoẻ đối với con người và ban hành các hướng dẫn thực thi, và Uỷ ban Truyền thông Liên bang - cơ quan phát triển các tiêu chuẩn an toàn cho điện thoại. FDA là một trong đó các cơ quan liên bang đã từng "đặt hàng" các nghiên cứu này vào đầu những năm 2000.

Ronald Melnick, nhà độc chất học của NTP, người thiết kế ra các nghiên cứu (và đã nghỉ hưu vào năm 2009) nói sau quá trình đánh giá ngang hàng vào tháng Ba rằng sẽ chưa có bất kỳ nghiên cứu nào trong tương lai có thể kết luận một cách chắc chắn rằng không có vấn đề nguy hại nào có thể xảy ra cho con người khi sử dụng điện thoại di động. "Tôi không thấy bằng chứng tiêu cực nào sẽ xuất hiện trong các nghiên cứu tương lai" - Melnick nói.

Ông tin rằng FDA nên đưa ra một hướng dẫn dựa trên các kết quả về nghiên về loài chuột. "Tôi nghĩ sẽ thật vô trách nhiệm nếu không công bố những dấu hiệu cho đại chúng", Melnick nói. "Bạn cần duy trì khoảng cách từ thiết bị đến lũ trẻ. Không đặt điện thoại gần đầu khi ngủ. Sử dụng tai nghe có dây vì chúng phát ra bức xạ ít hơn...", Melnick nói tiếp. "Đây là điều mà các cơ quan nên làm ngay".