Theo Bộ NN&PTNT, Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất nước với hơn 3.000ha. Chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - trong đó có sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) - được Chính phủ ban hành năm 2012.

Tình hình sản xuất

Trong lĩnh vực trồng trọt, 30/63 tỉnh, thành đã triển khai sản xuất NNHC và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất nước (3.053,04ha), chủ yếu là dừa. Ninh Thuận có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ lớn nhất với 448,26ha nho, táo, rau; riêng nho là 284,66ha.

Nhiều mô hình hợp tác xã đã triển khai NNHC từ nhiều năm và sản phẩm đã có sự gia tăng về giá trị như mô hình sản xuất rau ở Lương Sơn - Hòa Bình, xã Thanh Xuân - Sóc Sơn - Hà Nội, sản xuất chè shan tuyết ở Bắc Hà - Lào Cai, sản xuất cam ở Hàm Yên - Tuyên Quang... Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm NNHC trong nước đã bắt đầu hình thành từ đây.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNHC có sản phẩm được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang EU, Mỹ, Trung Quốc như: Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo hữu cơ 2 vụ mỗi năm trên diện tích 220ha, trồng rau hữu cơ trên diện tích 50ha. Công ty Organik Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS) dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống shan tuyết tại Bản Liền, Lào Cai (374ha); Hà Giang (645ha)...

Đồi chè hữu cơ của Công ty LoveFarm tại Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Phạm Bình

Về chăn nuôi, hiện Việt Nam có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận. Đó là trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk tại Lâm Đồng với tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Mỹ và trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty TH TrueMilk tại tỉnh Nghệ An với tổng đàn bò sữa hữu cơ là 1.000 con, dự kiến đến năm 2018 có 3.000 con. Một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước như trang trại Bảo Châu, trang trại Anh Đào (Sóc Sơn, Hà Nội).

Về thủy sản, các dự án nuôi tôm sinh thái bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau cũng đang được tổ chức phi chính phủ SNV hỗ trợ lấy chứng nhận của IMO (tổ chức chứng nhận của Thụy Sỹ) để xuất khẩu sang thị trường EU. Đến cuối tháng 9/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ của Việt Nam là 20.030ha (trong đó 20.000ha nuôi tôm sinh thái và 30ha nuôi cá nước ngọt).

Về vật tư đầu vào, hiện cả nước có khoảng 250 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ, với công suất đăng ký khoảng 4 triệu tấn/năm. Cơ quan chức năng đã cấp phép sản xuất cho 115 đơn vị với tổng công suất khoảng 2 triệu tấn/năm.

Các chính sách khuyến khích sản xuất hữu cơ

Ngày 9/1/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tại quyết định này, tiêu chuẩn NNHC và VietGAP được gọi chung là VietGAP và được đầu tư, hỗ trợ ở các nội dung sau:

Ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện những dự án sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng VietGAP do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo: Đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP. Kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; dạy nghề cho lao động nông thôn áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm an toàn...

Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn; áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Trên cơ sở của Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, có 7 địa phương (gồm Bình Dương, Điện Biên, Long An, Quảng Ngãi, Sơn La, Tiền Giang, TPHCM) đã ban hành chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất NNHC, tất cả đều đề cập đến tiêu chuẩn NNHC.

Hiện 5 tỉnh đã hỗ trợ cho sản xuất trồng trọt hữu cơ, gồm: Quảng Ninh (hỗ trợ 500 triệu đồng cho Công ty Terranique thực hiện dự án năm 2016), Hà Giang (tỉnh, huyện hỗ trợ hơn 703 triệu đồng cho việc chứng nhận, đánh giá), Quảng Ngãi (hỗ trợ thông qua các dự án khoa học và công nghệ), Bình Phước (tỉnh hỗ trợ hộ nông dân), Đồng Tháp (huyện hỗ trợ thuê đất).