Những nốt sần trên bộ xương của một phụ nữ chứa "tế bào ma" với ADN còn nguyên vẹn sau gần 1.000 năm của vi khuẩn gây chết người.

bo-xuong-800-tuoi-chua-te-bao-ma-cua-vi-khun-chet-nguoi

Bộ xương của người phụ nữ 30 tuổi được khai quật tại khu nghĩa trang ở Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Gebhard Bieg.

Các nhà khảo cổ khai quật được bộ xương của một thai phụ 30 tuổi tại khu nghĩa trang ở Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Trên xương sườn ở phía dưới ngực người phụ nữ xuất hiện các nốt sần kỳ lạ, theo International Business Times.

Phương pháp phân tích carbon cho thấy các nốt sần có niên đạicách đây khoảng 790 đến 860 năm. Sau khi loại trừ bệnh lao là nguyên nhân gây ra chúng, Caitlin Pepperell, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ, cắt mỏng nốt sần để nghiên cứu.

Kết quả cho thấy, nốt sần chứa "tế bào ma" của vi khuẩn đã giết chết người phụ nữ. Những tế bào ma này, hay vi hóa thạch, là vi khuẩn Staphylococcus saprophyticus (thường gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu) và Gardnerella vaginalis (làm nhiễm trùng bào thai).

bo-xuong-800-tuoi-chua-te-bao-ma-cua-vi-khun-chet-nguoi-1

Mặt cắt ngang của một trong những nốt sần trên xương sườn người phụ nữ. Ảnh: Pathologie Nordhessen.

Ngoài ra, Pepperell tìm thấy ADN của nam giới được bảo quản trong nốt sần. Điều này chỉ ra người phụ nữ mang thai một bé trai tại thời điểm bị nhiễm trùng. ADN của bé trai và ADN của loại vi khuẩn giết người này hầu như vẫn còn nguyên vẹn sau gần 1.000 năm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí eLife hôm 10/1.

Pepperell cho biết, thông thường chỉ có khoảng 1% số lượng ADN vi khuẩn cổ đại còn tồn tại sau 800 năm, nhưng trong nốt sần trên xương người phụ nữ, con số này lên tới 31-58%.

"Cách ADN được bảo quản có gì đó rất thú vị. Chất lượng dữ liệu di truyền vẫn còn rất tốt", Pepperell nói.