Ưu tiên lớn nhất của khoa học và công nghệ (KH&CN) Israel hiện nay là phát triển các lĩnh vực khoa học não bộ, siêu máy tính và an ninh mạng, khoa học hải dương và các nguồn năng lượng vận chuyển thay thế.

Đó là tiết lộ của bà Lee Singer Snir - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam - khi trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển về bí quyết thành công của Israel - một cường quốc về KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Bà Lee Singer Snir - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam. Ảnh: Loan Lê
Bà Lee Singer Snir - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam. Ảnh: Loan Lê

Hỗ trợ startup không cần điều kiện

Xin bà cho biết, đâu là những yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển KH&CN ở Israel?
Chúng tôi là một trong những nước đầu tư nhiều nhất cho sự phát triển của KH&CN. Hiện Israel đứng thứ tư thế giới về các hoạt động khoa học. Có 3 yếu tố chính tạo nên sự thành công này.

Đầu tiên là việc thành lập Văn phòng trưởng Khoa học gia (Office of the Chief Scientists - OCS) thuộc Bộ Công nghiệp và Công thương vào năm 1974. Sự ra đời của OCS đã tạo điều kiện thúc đẩy trào lưu nghiên cứu KH&CN tại Israel. OCS cung cấp 50-80% số quỹ hỗ trợ cho startup mới mà không cần điều kiện cũng như không tham gia điều hành, quản lý. Vào đầu những năm 1980, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên dành cho startup đã được thành lập.

Thứ đến là làn sóng nhập cư ồ ạt vào Israel của các nhà khoa học, các kỹ sư, tiến sỹ… gốc Do Thái thuộc khối Xôviết cũ sau khi khối này tan rã vào đầu những năm 1990. Họ đã đem đến sức sống mới cho nền khoa học của đất nước và trở thành cầu nối cho nền khoa học, kỹ thuật Israel với nước ngoài. Lĩnh vực công nghệ cao của Israel đã trải qua một cuộc “tiểu cách mạng” với sự ra đời của các vườn ươm doanh nghiệp, được thành lập để cung cấp việc làm cho nhiều nhà khoa học tới từ cuộc nhập cư này.

Cuối cùng phải kể tới sự ra đời của Bộ Khoa học - Công nghệ và Vũ trụ. Đây là cơ quan đưa ra các chính sách quốc gia về KH&CN ở Israel, thúc đẩy các nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như triển khai các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển về KH&CN. Bộ này dành tới 80% số ngân sách của mình (hàng chục triệu USD mỗi năm) để hỗ trợ các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.

Đâu là những lĩnh vực mà Israel ưu tiên về KH&CN, thưa bà?

Năm 2012, chính phủ quyết định đầu tư 30 triệu USD vào một số lĩnh vực cụ thể có vai trò quan trọng với sự phát triển đất nước trong dài hạn và trung hạn. Đó là các lĩnh vực: Khoa học não bộ (nhiệm vụ chính là tìm cách chữa các bệnh liên quan tới sự rối loạn, thoái hóa não như Parkinson, Alzheimer), siêu máy tính và an ninh mạng, khoa học hải dương (người Israel muốn tìm thêm được nhiều hơn nữa các tài nguyên từ biển như năng lượng, thực phẩm, nước uống, dược liệu) và các nguồn năng lượng vận chuyển thay thế (Israel muốn thay đổi hiện trạng lệ thuộc các nước Arập về năng lượng).

Chính phủ Israel tài trợ các chương trình nghiên cứu trong những lĩnh vực này, tặng nhiều chương trình học bổng cho sinh viên ưu tú, thiết lập trung tâm tri thức để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu sử dụng những thiết bị tinh vi, hiện đại nhất. Chính phủ rất quan tâm đầu tư vào các dự án nghiên cứu hợp tác song và đa phương.

Rất nhiều vườn ươm công nghệ

Với các nhà sáng chế độc lập, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN, Israel có những chính sách gì để hỗ trợ?

Sự ra đời của Văn phòng trưởng Khoa học gia với nhiệm vụ tăng cường sức mạnh nền kinh tế trong lĩnh vực dân sinh được coi là một bước ngoặt lớn. Nhiệm vụ của văn phòng này bao gồm cả việc đầu tư và làm chính sách trong những lĩnh vực mà nó đảm nhiệm. OCS hiện có 3 chương trình riêng biệt để hỗ trợ cho cá nhân, doanh nghiệp, startup là Quỹ Nghiên cứu và Phát triển (Tmura), chương trình Vườn ươm và chương trình Nam châm (Magnet Program).

Chương trình Nam châm tạo điều kiện chuyển giao tri thức giữa đơn vị học thuật (viện nghiên cứu, trường đại học) và các công ty nghiên cứu và phát triển (R&D) mang tính thương mại. Đây là một điều đặc biệt ở Israel. Sự thành công về khoa học, kỹ thuật của Israel có được là bởi chúng tôi đã hiểu được tầm quan trọng và tạo được sự liên kết khăng khít giữa các nghiên cứu khoa học và việc đưa chúng vào ứng dụng trong cuộc sống.

Dưới sự bảo trợ của chương trình Nam châm, chương trình Nofar đã được thành lập để cung cấp sự hỗ trợ và vốn trong nghiên cứu công nghệ sinh học, công nghệ nano và tạo điều kiện cho sự phát triển thiết bị y tế.

Hiện Israel có tới 24 vườn ươm - cả công và tư, được tài trợ bởi OCS, trong đó 22 vườn ươm thuộc lĩnh vực công nghệ. Tất cả đều được thực hiện dưới dạng các chương trình tài trợ có hoàn lại cho OCS nếu dự án thành công. Mỗi dự án kéo dài khoảng 2 năm và sau đó nếu thành công, chủ dự án phải trả lại cho chính phủ từ 3-5% lợi nhuận.

Quỹ R&D hỗ trợ xây dựng các trung tâm R&D tại mỗi trường đại học để kết nối họ với các trung tâm nghiên cứu tư nhân.

Còn vấn đề hỗ trợ nghiên cứu trong trường đại học thì thế nào, thưa bà?

Để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu trong trường đại học, chúng tôi có chương trình Cơ sở hạ tầng quốc gia để đưa ra khung hành động cho hoạt động đầu tư của chính phủ. Theo đó, chính phủ đầu tư vào những dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia, dựa vào tầm nhìn chiến lược về nhu cầu kinh tế trung và dài hạn.

Hơn 80% số quỹ của Bộ Khoa học - Công nghệ và Vũ trụ được dành cho các viện nghiên cứu và viện hàn lâm để gây dựng các cơ sở khoa học và con người. Chương trình tài trợ nghiên cứu cũng đóng vai trò cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giúp rút ngắn thời gian đưa các ý tưởng công nghệ vào thực tiễn. Hằng năm, chương trình này được bộ chi khoảng 1-1,5 triệu USD. Bộ cũng chi khoảng 2 triệu USD cho các học bổng KH&CN dành cho mức độ từ sắp tốt nghiệp tới sau tiến sỹ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có thành lập trung tâm tri thức ở các viện nghiên cứu, mua sắm trang thiết bị hiện đại để các nhà nghiên cứu thuận lợi hơn khi triển khai công việc của mình.

Chỉ một hệ thống đơn vị chuyển giao công nghệ

Bà có thể cho biết về quá trình thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu ở Israel?

Các nghiên cứu của trường đại học, học viện hay trung tâm nghiên cứu tư ở Israel đều dùng chung hệ thống đơn vị chuyển giao công nghệ. Các công ty chuyển giao công nghệ quy tụ trong Tổ chức Chuyển giao công nghệ Israel. Họ đang liên kết với những trường đại học, các viện nghiên cứu danh tiếng nhất trong và ngoài nước.

Nếu có vài lời khuyên cho Việt Nam, bà sẽ nói gì?

Tôi thấy các bạn đang ngày càng quan tâm và đầu tư vào phát triển KH&CN cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là một hướng đi đúng đắn và chúng tôi sẽ hết lòng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo tôi Việt Nam nên có một chiến lược dài hơi, rõ ràng cho sự phát triển KH&CN. Các bạn nên đầu tư nhiều hơn vào giới trẻ, bởi biết đâu chúng ta sẽ tìm được một Einstein mới!