Năm 2015, các nhà nghiên cứu phát hiện, ánh sáng phát tỏa từ một ngôi sao giống mặt trời, ở cách chúng ta 1.500 năm ánh sáng đang dao động một cách vô cùng dị thường.

Ngôi sao bí ẩn nói trên được đặt biệt hiệu là KIC 8462852 hay "Ngôi sao của Tabby". Nó tọa lạc cách Trái đất khoảng 1.500 ánh sáng.

Tháng 11/2015, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) công bố một phát hiện vô cùng dị thường về KIC 8462852: Ánh sáng của nó đang dao động theo cách họ không thể lí giải nổi trong suốt 4 năm vừa qua.

Một cách lí giải khả thi là, một "siêu cấu trúc" khổng lồ đang được xây dựng quanh ngôi sao để thu thập năng lượng dồi dào của nó.

Siêu cấu trúc còn được gọi là "quả cầu Dyson" này được cho là sẽ hé lộ sự tồn tại của một nền văn minh tiên tiến ngoài hành tinh.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Louisiana (Mỹ) sau đó cho biết, ngôi sao đã bị mờ tối đi 20% trong một thế kỷ qua. Điều này càng củng cố một quan điểm khó tin nói trên.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây vào tháng 4/2016 đã bác bỏ tuyên bố về sự mờ tối đi 20% của KIC 8462852. Theo nhóm nghiên cứu, dữ liệu không chính xác và do đó không đáng tin cậy.

Các nhà thiên văn học vẫn đang cố gắng lí giải các dao động ánh sáng dị thường của Ngôi sao của Tabby.

Một số nhận định, đó có thể là các mảnh của một sao chổi đang phân rã quanh ngôi sao hoặc các mảnh của một hành tinh hay mặt trăng nhỏ, bị vỡ vụn.

Số khác lại cho rằng, ngôi sao có thể sở hữu hình dạng thuôn chữ nhật hoặc không phải hình cầu. Các hành tinh di chuyển qua phía trước một ngôi sao biến dạng như vậy có thể tạo ra các dấu hiệu ánh sáng kỳ lạ.

Hiện chỉ có một điều chắc chắn là, các nhà khoa học vẫn không rõ điều gì đang xảy ra quanh KIC 8462852.