Vượt qua những khó khăn nan giải trong lĩnh vực phụ gia, nơi tưởng chừng dành riêng cho các công ty nước ngoài, Bestmix – một công ty “sinh sau đến muộn” với lưng vốn là những know-how “nội địa”, đã tìm được chỗ đứng vững chắc cho mình.

Ông Đặng Văn Thạch, đồng sáng lập Bestmix
Ông Đặng Văn Thạch, đồng sáng lập Bestmix

Thật khó hình dung được vị trí này của Bestmix nếu không đến ngày công ty lọt vào danh sách những công ty tham gia cung cấp giải pháp cho công trình Metro TPHCM, hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM với gồm 8 tuyến đường sắt đô thị, 1 tuyến xe điện và 2 tuyến đường ray đơn. Việc xây dựng Metro đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh không hề dễ dàng, nó đòi hỏi các giải pháp thi công tránh tối đa sụt lún vì thành phố này nằm trọn vẹn trong một khu vực đất trũng và đất đầm lầy, gần sông khiến kết cấu đất rất yếu. Do đó, đối với phụ gia xây dựng như vữa rót, yêu cầu đặt ra là phải không được co ngót, đạt độ ổn định cao hơn so với nhiều công trình xây dựng khác.

Tuy chỉ chiếm tỉ lệ vài phần trăm trong tổng chi phí của các công trình xây dựng nhưng những loại vữa rót không co ngót, duy trì độ giãn nở được sử dụng cho Metro hay các loại phụ gia ngành xây dựng nói chung lại góp phần quan trọng vào chất lượng, tiến độ và thẩm mỹ của công trình, thậm chí có thể làm thay đổi tính chất công nghệ của bê tông tươi hay tính chất sử dụng của bê tông đã đóng rắn theo ý muốn. Với những yêu cầu đó, tưởng như chỉ có sản phẩm ngoại mới đáp ứng nhưng Bestmix lại dám đưa ra sản phẩm nội cho công trình đòi hỏi những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe này.

Tìm chỗ đứng cho công nghệ nội?

Điều gì giúp sản phẩm Việt có thể tự tin đứng cạnh các tên tuổi lâu đời trong lĩnh vực phụ gia xây dựng như SIKA (Thụy Sĩ) hay BASF (Đức)...? Trước khi trả lời câu hỏi này, bà Ngô Thị Kim Loan, đồng sáng lập Bestmix, nhớ lại tình hình khó khăn trong những ngày đầu gây dựng công ty. Trong bối cảnh tốc độ xây dựng ngày một gia tăng, mức độ đô thị hóa các nước ngày càng mạnh nhưng đây không phải mảnh đất “màu mỡ” cho các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam. Những tên tuổi thống lĩnh thị trường phụ gia xây dựng đều là các ông lớn nước ngoài. “Đầu năm 1999, khi mới thành lập, Bestmix chỉ mới sản xuất sản phẩm rất đơn giản, dễ làm là bột trát tường thì bắt đầu có nhiều khách hàng hỏi phụ gia bê tông hóa dẻo và siêu dẻo vì phụ gia của ngoại đắt quá”, bà Kim Loan kể.

Tuy nhiên, đây là một câu hỏi khó vì “không có lợi thế thị trường mạnh như các ông lớn nước ngoài nên không có cách nào khác là phải tìm cách nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để đưa ra sản phẩm rẻ hơn” nhưng doanh nghiệp sản xuất trong ngành xây dựng hầu hết “sinh sau đẻ muộn”, khó mà đào bới được trong lĩnh vực “thế giới người ta đã nghiên cứu nát ra rồi”. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp lại vẫn quay về... xuất phát điểm là đi nhập sản phẩm từ nước ngoài. Tâm lý “ăn sẵn” và “ăn chắc” này rất dễ hiểu, vì đầu tư vào nghiên cứu cần dài hơi, “tốn kém” nhưng dễ thất bại mà chưa chắc sản phẩm đã tốt bằng của nước ngoài, còn nhập khẩu về bán lại thì an toàn, dễ kiếm lời. “Hồi đó chẳng ai ngó ngàng để ý gì tới sản phẩm của các công ty nội”, bà nói.

Điều đó không làm Bestmix nản lòng bởi xét về lâu dài, không tìm được cho mình một sản phẩm riêng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì công ty sẽ chìm nghỉm trong cuộc chạy đua tìm khách hàng. Trong thời gian đó, bà Kim Loan đã tìm hiểu và biết, trước nhu cầu phụ gia và áp lực từ sản phẩm nhập ngoại, từ những năm 1990, đã có nhiều nghiên cứu cơ bản của các trường đại học, viện nghiên cứu về xây dựng làm nền tảng giúp các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản phẩm phụ gia nhưng khoảng cách từ nghiên cứu đến các doanh nghiệp vẫn còn rất xa xôi. “Liệu mình có làm được không? Tôi và ông xã đọc tài liệu kỹ thuật, bàn nhau nhiều rồi quyết định là có thể áp dụng các công bố trước đây của quốc tế về vấn đề này và các nghiên cứu về điều kiện đặc thù của môi trường, vật liệu ở trong nước để làm”, bà Kim Loan kể.


Bestmix là một trong những công ty nội địa hiếm hoi nghiên cứu đầy đủ các dòng sản phẩm phụ gia hóa học sử dụng cho một công trình xây dựng từ móng đến mái nhà, đặc biệt trong đó có dòng sản phẩm vữa không co ngót BestGrout CE 675 đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vượt qua được một số sản phẩm của các ông lớn ngành xây dựng và được sử dụng cho tuyến metro đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh.

Với lợi thế am hiểu kỹ thuật ngành hóa học vì đều xuất thân từ Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bà cùng chồng, ông Đặng Văn Thạch, đồng sáng lập Bestmix quyết định “đem chuyện này nói với các thầy cô ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh nhờ các thầy cô xắn tay vào giúp đỡ”. Hai hướng đi ban đầu mà Bestmix muốn tập trung nghiên cứu ứng dụng mà lúc đó chưa có doanh nghiệp nội địa nào chiếm được thị trường là phụ gia kéo dài thời gian ninh kết và tăng cường độ cho bê tông, giúp linh hoạt dễ dàng tăng hoặc giảm thời gian thi công, rất cần trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở Việt Nam và vận chuyển đường dài.

Giải bài toán đặc thù của Việt Nam để gia nhập thị trường ngách

Xắn tay vào nghiên cứu, ông Đặng Văn Thạch đặt ra mục tiêu phải sản xuất được một dòng phụ gia đảm bảo hai mục đích: vừa kéo dài thời gian ninh kết để các trạm bê tông đủ thời gian vận chuyển đường dài dưới bề mặt đường chịu nắng nóng lên tới 40-50oC, nhưng mặt khác khi cần thì vẫn có thể phối trộn để tăng cường độ bê tông, cho phép tháo dỡ cốp pha sớm (giúp giảm thời gian kéo dài tới 28 ngày sau khi đổ bê tông)... Sản phẩm phụ gia ngoại mà Bestmix lấy ra so sánh để đặt mục tiêu phải đạt được chất lượng tương đương là Sikament R4 của tập đoàn SIKA (Thụy Sĩ) nhưng giá thành phải rẻ hơn nhiều. Bestmix nghiên cứu công thức, các nhà nghiên cứu ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng cùng đánh giá, thử nghiệm đi thử nghiệm lại hàng trăm lần cũng đem lại kết quả mà theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Văn Chánh (Bộ môn Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), một thành viên hội đồng cố vấn kỹ thuật của Bestmix, sản phẩm này “có chất lượng rất ổn định và không thua kém bất kỳ sản phẩm ngoại nhập nào, nếu không muốn nói là đôi chỗ có phần nhỉnh hơn về chất lượng và phù hợp với khí hậu nhiệt đới hơn”. Sản phẩm này giúp kéo dài thời gian ninh kết, giảm nước trộn cho bê tông, tăng cường độ khi bê tông đóng rắn, cho phép tháo dỡ cốp pha sớm - chỉ cần 7 ngày sau khi đổ bê tông, rút ngắn thời gian thi công cho các công trình một cách đáng kể, giúp tiết kiệm chi phí quản lý nên được đặt tên là Super R7.

Sản phẩm Super R7 do công ty Bestmix nghiên cứu sáng chế.
Sản phẩm Super R7 do công ty Bestmix nghiên cứu sáng chế.

Khi có mặt trên thị trường, chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng ngoại, Super R7 đủ sức thuyết phục được các công ty xây dựng lớn. Nhưng một vấn đề như PGS. Nguyễn Văn Chánh nêu là chỉ có các công ty lớn mới đòi hỏi các trạm trộn bê tông cỡ công suất lớn có đủ khả năng tính toán cách phối trộn phụ gia để phục vụ cả hai mục đích khi nào cần kéo dài thời gian ninh kết, khi nào cần tăng cường độ bê tông trong khi đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam là nhiều công trình dân dụng nhỏ lẻ không cần xe trộn cỡ lớn nên những người thợ xây dựng thường tự phối trộn phụ gia. Họ lại không hề biết tính toán tỉ lệ phối trộn mà sẽ giữ nguyên cấp phối theo Super R7 dành cho các công ty lớn thì sẽ vấp phải tình trạng “dư cường độ theo thiết kế” nên Bestmix lại phải tiếp tục nghiên cứu “tùy biến”, một mặt phát triển dòng sản phẩm đa dạng dành riêng cho các trạm trộn bê tông tươi, một mặt đưa ra dòng sản phẩm cố định mà người thợ xây nhà dân cần. Super R7 dành cho nhà dân giúp người thợ xây có thể linh hoạt thao tác và thời gian phối trộn chứ không nhất thiết phải đảm bảo thời gian nghiêm ngặt như phụ gia ngoại mà vẫn đảm bảo chất lượng bê tông. Chính vì thế, Super R7 nhanh chóng trở thành cái tên thân thuộc gần gũi với thợ xây đến mức “nhiều người quen gọi Super R7 thay hẳn cho tên phụ gia tháo cốt pha sớm như cách ta gọi xe máy là Honda vậy”, bà Kim Loan tự hào kể. Chỉ sau một năm ra thị trường, Super R7 dành cho nhà dân đã nhanh chóng chiếm 50% thị phần mà trước đó chỉ toàn Sikament R4.

Từ thành công của dòng sản phẩm ban đầu, Bestmix mạnh dạn triển khai nghiên cứu nhiều phụ gia tương tự khác, như các loại vữa rót không co ngót, duy trì độ giãn nở của vữa, sơn epoxy tự phẳng... Do đó, Bestmix là một trong những công ty nội địa hiếm hoi nghiên cứu đầy đủ các dòng sản phẩm phụ gia hóa học sử dụng cho một công trình xây dựng từ móng đến mái nhà, đặc biệt trong đó có dòng sản phẩm vữa không co ngót BestGrout CE 675 đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vượt qua được một số sản phẩm của các ông lớn ngành xây dựng và được sử dụng cho tuyến metro đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, là một công trình khó, đòi hỏi chất lượng phụ gia có độ ổn định cao, không co ngót. Nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo, nên hiện nay Bestmix rất tự tin trong việc cạnh tranh trực tiếp với hãng nước ngoài, đã cung cấp sản phẩm cho nhiều công trình, dự án lớn như dự án Hangar A75 sân bay Tân Sơn Nhất; nhà máy ROBERT BOSCH Long Thành; nhà máy Dược STADA; khu liên hợp lắp ráp ô tô THACO Trường Hải,…

“Nuôi” nhân lực

Nhìn lại chặng đường 20 năm nghiên cứu mày mò, ông Đặng Văn Thạch thừa nhận không thể từ chỗ “vô danh” đến ngày “đàng hoàng” đứng cạnh các thương hiệu lớn trong ngành phụ gia xây dựng nếu thiếu đi các nhà nghiên cứu ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Mối quan hệ giữa Bestmix và khoa Hóa Đại học Bách khoa Đà Nẵng khăng khít thân thiết tới mức, một số nhà nghiên cứu của trường là thành viên hội đồng tư vấn của Bestmix như PGS Nguyễn Văn Dũng, ThS Nguyễn Dân trong suốt 20 năm qua. Tình cảm bền chặt như “người trong một nhà” này giúp Bestmix khắc phục được vấn đề cố hữu trong nhiều năm nay là thiếu cán bộ nghiên cứu, người “trực tiếp xắn tay đi vào phòng thí nghiệm” không ai khác chính là ông Đặng Văn Thạch đồng sáng lập. “Đến hay, khó khăn nhất của Bestmix là nguồn nhân lực nghiên cứu. Công ty rất khó tìm được những chuyên gia hoặc cán bộ có khả năng nghiên cứu thực tế. Các trường đại học lại chưa có chuyên ngành đào tạo riêng về phụ gia hóa chất xây dựng, và đào tạo còn xa với thực tế nên khi vào Bestmix chúng tôi phải đào tạo lại”, bà Kim Loan cho biết.

Vì thế, không chỉ viện tới sự hỗ trợ của Đại học Bách khoa Đà Nẵng ở “chiều đi” – hưởng lợi từ các nghiên cứu của trường, mà Bestmix còn bắt đầu đầu tư lâu dài, nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Từ năm 2015, “Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm Công nghệ-Hóa học ứng dụng” thuộc Công ty Cổ Phần Bestmix và Khoa Hóa thuộc trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã ra đời nhằm liên kết đào tạo sinh viên.

Mặt khác, để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Bestmix đã mở Quỹ Học bổng Bestmix. Chương trình sẽ ưu tiên các nhóm sinh viên khởi nghiệp tập trung vào nghiên cứu phát triển các sản phẩm, vật liệu mới, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại hoặc được nghiên cứu cải tiến, nội địa hóa sản phẩm phù hợp với thị trường xây dựng Việt Nam. Các dự án sẽ được Bestmix tài trợ vốn tối đa là 1 tỷ đồng bằng hình thức góp vốn vào công ty hoặc dự án khởi nghiệp. Ngoài ra, các dự án còn được hỗ trợ tham gia các khóa/lớp kỹ năng mềm, cho mượn văn phòng làm việc giao dịch trong vòng 6 tháng tại 3 khu vực: TP Hồ Chí Minh, TP Bình Dương và TP Đà Nẵng.

Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực CEO của Bestmix cũng được tổ chức nhằm trang bị kiến thức về quản lý, chuyên môn, xã hội, … để các bạn trẻ đủ khả năng điều hành doanh nghiệp hoặc chuẩn bị cho khởi nghiệp. Tất cả các bạn trẻ chuẩn bị khởi nghiệp hoặc các CEO đang điều hành công ty vừa và nhỏ có thời gian hoạt động dưới 5 năm đều có thể tham gia chương trình.