Không chỉ các nhà sáng chế “chân đất”, rất nhiều nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học cũng “sợ” viết mô tả - khâu bắt buộc khi đăng ký bảo hộ sáng chế.

Điều quan trọng hơn là họ chưa nhìn rõ cái lợi để có động lực hoàn thành thủ tục và đợi cấp bằng trong thời gian dài.

Mỗi năm 20 bằng sáng chế

Theo thạc sỹ (ThS) Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ - trong 33 năm kể từ 1982 đến 2015, Việt Nam chỉ có 661 bằng sáng chế. Trong khi đó Singapore cấp 1.651 bằng chỉ trong 3 năm (2012-2015); Thái Lan 4.899 cấp bằng trong 6 năm (2005-2011); Malaysia cấp 381 bằng trong năm 2014. Trung bình mỗi năm các nước này cấp 381-816 bằng sáng chế trong khi Việt Nam chỉ 20.

Một nghịch lý khác là các viện nghiên cứu, trường đại học chỉ là tác giả của 15% số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích (GPHI) - theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2015. Số đơn đăng ký ở các viện, trường cũng rất khiêm tốn. Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội từ năm 2006 tới nay chỉ có 70 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và 50 đơn đăng ký bảo hộ GPHI. Ở ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2014 và 2015, số đơn xin cấp bằng sáng chế lần lượt là 5 và 9, mục tiêu những năm tới là 8-10 đơn/năm.

Các thẩm định viên của phòng Sáng chế 2 (Cục Sở hữu trí tuệ) luôn phải tiếp nhận và xử lý một số lượng đơn rất lớn. Ảnh: Phượng Hằng

PGS Nguyễn Văn Quy - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng các nhà khoa học “lười” đăng ký do những khó khăn khi viết bản mô tả sáng chế. Sản phẩm có thể rất tốt nhưng cách mô tả không đủ rõ ràng, mạch lạc sẽ dễ khiến kiểm định viên bỏ qua.

PGS-TS Phạm Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - nói: “Do quen với ngôn ngữ nghiên cứu nên nhà khoa học gặp khó khăn khi phải dùng ngôn ngữ pháp lý để viết mô tả sáng chế. Cứ phải sửa đi sửa lại, họ dễ nản”.

Giới “nhiều chữ” còn “vò đầu bứt tóc” như vậy, với các nhà sáng chế không chuyên, thử thách còn lớn hơn nhiều. Ngoài chuyện viết lách, theo ThS Hải, nhiều nhà sáng chế không chuyên không thấy lợi ích của việc đăng ký bảo hộ bởi khả năng thương mại hóa khá “mù mịt”.

ThS Hải cũng cho biết: “Chi phí đăng ký là một rào cản cho các nhà sáng chế không chuyên. Phí nộp Nhà nước không nhiều, nhưng khoản đóng cho đại diện đăng ký SHTT và duy trì bảo hộ hằng năm không nhỏ. Đối tượng này lại hoàn toàn không được hỗ trợ về tài chính và nhiều khi cả về thủ tục nộp đơn”.

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho Quy trình tự động rửa quả lọc thận nhân tạo và bộ dây dẫn máu để tái sử dụng trong chạy thận nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ảnh: P.Hằng

Thời gian đợi cũng là vấn đề: Chờ 6 tháng để biết đơn có được chấp nhận không và thêm 18 tháng mới được cấp bằng. PGS Quy cho rằng, thời gian này đủ dài để “nhà khoa học quên mất mình đã nộp đơn”. Còn theo TS Dũng: “Các đề tài nghiên cứu yêu cầu 2 năm phải có kết quả. Các nhà khoa học thà đăng bài báo để đảm bảo tiến độ, chứ đợi bằng sáng chế thì không chắc đến lúc nghiệm thu đã có. Tiêu chí đánh giá thường tập trung vào số bài báo và cộng điểm nếu được xét chức danh, được hỗ trợ từ các quỹ. Điều đó đã tạo ra một môi trường không thuận lợi cho sáng chế”.

Để “vịt trời” không bay mất

Về tác hại của việc không đăng ký bảo hộ, TS Dũng nói: “Hãy tưởng tượng bạn có sáng chế nhưng không có bằng bảo hộ, khi đưa ra thương mại hóa, sáng chế của bạn giống con vịt trời. Bên mua, bên bán đồng thuận, nhưng khi trả tiền thì vịt trời bay đi (có người ăn cắp sáng chế và đưa ra sản phẩm). Thế là cả hai đều mất”.

Để khuyến khích đăng ký sáng chế, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu bằng chính sách quy đổi giờ nghiên cứu sang giờ lên lớp; khen thưởng, hỗ trợ những người làm thủ tục xin cấp bằng bảo hộ. PGS Quy cho biết: “ĐH Bách khoa có đội ngũ hỗ trợ thầy cô viết bản mô tả, tìm tài liệu đối chứng, thường xuyên tổ chức seminar, mời các chuyên gia SHTT về nói chuyện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn có được một đội ngũ chuyên gia SHTT vừa hiểu luật, vừa có kiến thức khoa học để hỗ trợ họ”.

TS Đào Xuân Việt - Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ - nghiên cứu phối màu đèn led trong một dự án của viện. Các sản phẩm của nghiên cứu đang được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh: Loan Lê

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đang áp dụng một số biện pháp mà theo TS Dũng là đã giúp số sáng chế của viện năm 2016 tăng hơn gấp đôi năm trước: Khuyến khích nhà khoa học đăng ký sáng chế trong khâu tuyển chọn đề tài; có cơ chế khen thưởng cho sáng chế, GPHI; tổ chức hội thảo chuyên đề SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Nhờ đó, nhà khoa học hiểu rằng, chỉ khi được bảo hộ, tài sản trí tuệ của họ mới nâng giá trị và tạo ra tiền.

Một trong các mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN 2011-2020 là tăng số sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2016-2020 lên gấp đôi giai đoạn 2011-2015. “Nếu các nhà khoa học thay đổi từ việc công bố bài báo sang hình thành và công bố sáng chế thì lượng đơn đăng ký chắc chắn sẽ tăng” - Phó Cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm nói và cho biết, một giải pháp đang được thực hiện là đẩy mạnh đào tạo kiến thức, nghiệp vụ sở hữu công nghiệp cho các viện, trường, doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động tạo ra và thương mại hóa tài sản trí tuệ, trong đó có sáng chế.

Cục đang xây dựng mạng lưới IP-Hub với các trung tâm SHTT đặt tại các viện, trường nhằm hỗ trợ các chủ thể sáng chế ở đây thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT.