Kỹ thuật số và các ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng trở nên quan trọng, làm thay đổi cách thức hoạt động cũng như cách tiếp cận và tương tác với khách tham quan của nhiều bảo tàng trên thế giới.

Trong bối cảnh đó các bảo tàng của Việt Nam cần làm gì để thích ứng và ứng dụng hiệu quả lợi ích từ các ứng dụng công nghệ mới này?

Công nghệ số trong bảo tàng không đơn thuần chỉ là việc tạo ra các bản sao điện tử của các hiện vật để đưa lên mạng Internet, mà đó là việc tạo ra các kênh thông tin nhằm giúp sự giao tiếp hai chiều giữa khách tham quan và hiện vật được thông suốt hơn, thông điệp của việc trưng bày hiện vật đến được với công chúng hiệu quả hơn.

Công nghệ số không chỉ thông báo với khách tham quan tiềm năng rằng bảo tàng hiện đang có những sưu tập hiện vật quý hiếm, mà cần phải làm cho công chúng hiểu rõ hơn và yêu quý các sưu tập đó, sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc để đến tận nơi chiêm ngưỡng các sưu tập quý tại bảo tàng.

Trong bối cảnh ngày nay, khách tham quan thường có xu hướng tiếp cận thông tin nhanh, trực tiếp, đặc biệt khi họ được tự chọn thông tin, tương tác một cách đa chiều với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ hiện đại. Họ sẽ rất thích thú khi có thể tìm hiểu về bối cảnh thực tế (ảo) của một hiện vật văn hóa, hay đời sống của một nghệ sỹ có ảnh hưởng tới tác phẩm nghệ thuật, hoặc những hiện tượng thiên nhiên dẫn tới sự hình thành các mẫu vật tự nhiên trong bảo tàng.

Những ứng dụng mới như công nghệ 3D kết hợp với các thiết bị hiện đại khác sẽ cung cấp những hình ảnh chi tiết, chính xác về những công trình di tích phức tạp, không chỉ mang lại những trải nghiệm đặc biệt cho khách tham quan mà còn vô cùng hữu ích cho công việc của bản thân những cán bộ trong ngành bảo tàng.

Bảo tàng Nghệ thuật Khoa học - một trong những bảo tàng tiên phong trong áp dụng công nghệ mới. Ảnh: INT

Đơn cử, cơ quan quản lý các di tích quốc gia của Mỹ (National Park Service - NPS) đã áp dụng những công nghệ hiện đại để tư liệu hóa các di tích ở Mỹ, điển hình là di tích đảo Ellis thuộc New York, NPS đã dùng đến 17 thiết bị bay có camera (drone) và hơn 180 điểm có thiết bị scan 3D laser để dựng lên được không gian 3D chất lượng cao, chính xác hiện trạng của cụm di tích rộng lớn tại đảo Elly, một trong những điểm di tích quan trọng của di tích tượng Nữ thần Tự do, Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, hiện nhiều bảo tàng đã có các ứng dụng (app) miễn phí hoặc miễn phí một phần trên điện thoại thông minh. Các ứng dụng này không đơn thuần chỉ cung cấp các bài thuyết minh thụ động như trước đây mà thực sự trở thành một “hướng dẫn viên” ảo cho mỗi cá nhân khách tham quan, có khả năng đáp ứng những yêu cầu riêng của từng cá nhân. Khách tham quan có thể nghe các bài giới thiệu trưng bày, video giới thiệu các câu chuyện liên quan (theo thời gian thực, có thể dừng, tắt hoặc tiếp nối ở bất kỳ thời gian nào) hoặc phóng to chi tiết các hiện vật, lập danh sách hoặc các phần nội dung yêu thích của cá nhân để quay lại tìm hiểu kỹ hơn.

Thông qua các kênh công nghệ, khách tham quan có thể tương tác, đặt câu hỏi trực tiếp với cán bộ bảo tàng hay kết nối với những khách tham quan có cùng một mối quan tâm nào đó đối với từng nội dung trưng bày. Những ứng dụng này còn có khả năng thay thế cán bộ bảo tàng trong việc hướng dẫn tuyến tham quan bảo tàng, tìm cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, nhà vệ sinh hoặc lối ra của bảo tàng.

Một trong những bảo tàng tiên phong áp dụng công nghệ mới là Bảo tàng Nghệ thuật Khoa học thuộc khu Marina Bay Sands ở Singapore với trưng bày Thế giới tương lai (Future world exhibition). Khách tham quan chủ yếu là trẻ em, có thể tham gia vào việc xây dựng một thành phố trong tương lai với các tác phẩm nghệ thuật cá nhân về kiến trúc, cây cối, động vật tưởng tượng. Các em được trải nghiệm vào một không gian ảo với những chi tiết do chính mình sáng tạo. Đồng thời, với một số thiết bị hiện đại, khách tham quan vừa đi bộ tại bảo tàng vừa được trải nghiệm không gian ảo của rừng nhiệt đới với cây cối, muông thú ảo, bao gồm cả những động, thực vật đã tuyệt chủng.

Các bảo tàng của Việt Nam có thể làm gì?

Việc đầu tiên, quan trọng nhất các bảo tàng cần làm ngay là chuyển sang dạng kỹ thuật số tất cả những tư liệu - thông tin của các sưu tập và nội dung trưng bày. Dữ liệu số sẽ vô cùng hữu ích trong quá trình bảo quản, phục hồi hiện vật trong trường hợp không may bị hư hại, mất mát, đồng thời giúp từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) của riêng bảo tàng.

Tiếp đến là việc thu thập thông tin về nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách tham quan. Sự hiểu biết về khách tham quan sẽ giúp bảo tàng xây dựng được các trưng bày thực sự hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan. Đồng thời, từ sự hiểu biết lẫn nhau giữa bảo tàng và công chúng, bảo tàng dễ dàng phân nhóm khách tham quan với những quan điểm hiện đại hơn, không chỉ phân nhóm theo giới tính, lứa tuổi mà còn theo nhu cầu, sở thích, thói quen tìm hiểu kiến thức mới. Từ đó, bảo tàng có các hoạt động giáo dục hiệu quả, thân thiện và dễ nhớ hơn để phục vụ khách tham quan.

Tuy nhiên, công nghệ mới chỉ phát huy hiệu quả khi các bảo tàng có được các nội dung số thực sự hấp dẫn, mà những người xây dựng nội dung số tốt nhất chính là cán bộ của bảo tàng bởi họ hiểu hơn ai hết về nội dung cũng như công chúng của bảo tàng mình.

Vì vậy, các bảo tàng cần xây dựng đội ngũ và trang bị cho cán bộ những hiểu biết về công nghệ mới cùng các ứng dụng có thể triển khai. Họ cần hiểu thế nào là 3D, scan kỹ thuật số, công nghệ cảm ứng tương tác, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, công nghệ lưu trữ điện toán đám mây… Bản thân các cán bộ bảo tàng cũng phải tự thích ứng, chủ động nỗ lực tìm hiểu, bổ sung những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong tương lai sớm nhất.

Hiện nay trên thế giới có hai xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong quản lý bảo tàng. Một nhóm gồm những bảo tàng đông khách, cho rằng khách tham quan quá đông sẽ đem đến chất lượng không khí không tốt tại bảo tàng, mồ hôi, nhiệt độ và các loại vi khuẩn có thể sẽ dẫn đến việc mất kiểm soát môi trường tại bảo tàng, gây hại trực tiếp đến các hiện vật nhạy cảm.

Vì vậy các bảo tàng này sử dụng công nghệ như một cách để hạn chế bớt sự tương tác trực tiếp của khách tham quan đối với hiện vật trưng bày, thậm chí giảm bớt lượng khách đến tham quan bảo tàng một cách trực tiếp. Còn lại phần lớn các bảo tàng khác đều coi việc ứng dụng công nghệ mới như một nỗ lực thu hút để có nhiều hơn khách tham quan đến trải nghiệm, thư giãn và giải trí một cách thường xuyên.