Theo thống kê của Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới, từ năm 2004 đến 2016, số đơn đăng ký bảo hộ bản quyền giống cho ngành rau quả chỉ chiếm 13,7% (tương đương hơn 120 đơn về rau quả trong tổng số 893 đơn, bao gồm cả số đơn đăng ký bảo hộ của các công ty nước ngoài).

>> Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa
>> Một số giống được bảo hộ thành công về thương mại
>> Điều kiện để một giống cây trồng được bảo hộ
>> Bằng sáng chế về giống đe dọa an ninh lương thực?
>> Danh sách các trạm khảo nghiệm giống cây trồng trên cả nước
>> Monsanto - “ông kẹ” về bản quyền hạt giống

Trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, Giáo sư - viện sỹ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - chua xót thốt lên: “Chúng ta tự hào về 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng lúa xuất khẩu được 3 tỷ USD thì chi hết 2,9 tỷ”. Ngoài thuốc trừ sâu và phân bón, một phần không nhỏ của số tiền đó được chi cho nguồn giống.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6% so cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 18,6% trong tổng giá trị các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu, vượt qua gạo để trở thành nông sản chính có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai (chỉ sau càphê).

Giống lan hồ điệp được nuôi cấy mô tại phòng nuôi cấy mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau - quả). Ảnh: Kim Phượng
Giống lan hồ điệp được nuôi cấy mô tại phòng nuôi cấy mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau - quả). Ảnh: Kim Phượng

Tuy vậy, theo thống kê của Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới - Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, từ năm 2004 đến 2016, số đơn đăng ký bảo hộ bản quyền giống cho ngành rau quả chỉ chiếm 13,7% (tương đương hơn 120 đơn về rau quả trong tổng số 893 đơn, bao gồm cả số đơn đăng ký bảo hộ của các công ty nước ngoài).

Tình trạng trên cũng xảy ra với càphê. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu càphê đạt 831.000 tấn, trị giá 1,88 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa có giống càphê nào được bảo hộ. Số liệu từ Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới cho thấy, tổng số đơn đăng ký bảo hộ cho các giống không thuộc nhóm lúa, ngô, cây công nghiệp ngắn ngày, rau, hoa và cây ăn quả cho đến nay chỉ có vỏn vẹn 15 đơn, bao gồm cả đơn của chủ thể nước ngoài.


Đối với một nước nông nghiệp và coi nông sản là một thế mạnh xuất khẩu như Việt Nam, con số ít ỏi đến đáng thương đó trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền giống có vẻ kém lành mạnh. Nó cho thấy tình trạng lệ thuộc nghiêm trọng vào giống nhập khẩu của cả nền nông nghiệp. Và cho dù lượng hàng xuất khẩu lớn, doanh số thu về cao, phần lớn lợi ích sẽ lọt vào tay kẻ khác, lợi lộc thu về chẳng đáng bao nhiêu. Tình trạng này khiến nền nông nghiệp Việt Nam được Giáo sư Trần Đình Long gọi là “nền nông nghiệp gia công, cơ bắp”.

Điều đáng mừng là trong vài năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra lợi ích, giá trị của việc bảo hộ bản quyền giống, thể hiện ở tốc độ gia tăng số đơn đăng ký. Số đơn mà Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới nhận được năm 2016 cao gấp 3,5 lần so với 5 năm trước đó (52 đơn năm 2011 so với 185 đơn năm 2016), khiến đơn vị này bắt đầu “nếm trải” tình trạng tồn đọng đơn - điều vẫn luôn xảy ra với các cơ quan sở hữu trí tuệ khắp thế giới. Ngoài việc là một thách thức cần tìm giải pháp khắc phục, đối với lĩnh vực bảo hộ giống, sự tồn đọng này - ở khía cạnh nào đó - cũng có thể được coi là một tín hiệu vui.