Nghiên cứu mới cho rằng Proxima Centauri b có thể là hành tinh đầy bụi với điều kiện môi trường khắc nghiệt trong 300-400 triệu năm đầu khi mới hình thành.

Proxima Centauri b có thể là hành tinh đầy bụi với môi trường khắc nghiệt. Ảnh minh họa:NASA Goddard Space Flight Center.

Proxima Centauri b có thể là hành tinh đầy bụi với điều kiện môi trường khắc nghiệt, Sun hôm 17/1 đưa tin. Kết luận này được nhóm nghiên cứu do Edward Guinan, làm việc tại trường Đại học Villanova, phụ trách công bố tại cuộc họp của Hội Thiên văn Mỹ tổ chức ở Grapevine, Texas.

Các nhà khoa học phát hiện Proxima Centauri b vào năm 2016 và gọi nó là "bản sao Trái Đất". Proxima Centauri b nằm trong vùng có thể sống được của sao lùn đỏ loại M Proxima Centauri. Nó nhận lượng ánh sáng vừa đủ để duy trì nước trên bề mặt ở dạng lỏng.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho rằng những ngôi sao lùn đỏ trẻ thường bắn tia lửa Mặt Trời nguy hiểm vào các hành tinh nằm gần nó, khiến nước trên bề mặt bay hơi. Do đó, các nhà khoa học nhận định Proxima Centauri b nhiều khả năng là hành tinh đầy bụi giống Tatooine, hành tinh giả tưởng quay quanh hai Mặt Trời trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao" (Star Wars).

"Proxima Centauri b có thể đã trải qua môi trường 'địa ngục' trong 300-400 triệu năm đầu khi mới hình thành", Edward Guinan nói.