Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu tại Bắc cực đang làm đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu.

Hình ảnh những hồ thermokarst tại Bắc cực đang hình thành - Ảnh: Science Alert

Hình ảnh những hồ thermokarst tại Bắc cực đang hình thành - Ảnh: Science Alert

Theo các nhà khoa học, việc lớp băng vĩnh cửu tại Bắc cực tan chảy, sẽ khiến tốc độ biến đổi khí hậu tăng nhanh thêm, khi tại vùng này trong hàng chục ngàn năm qua những lớp băng vĩnh cửu đã lưu giữ rất nhiều khí CO2 và những mầm bệnh cổ xưa.

NASA vừa công bố nghiên cứu mới cho thấy việc băng vĩnh cửu tại Bắc cực tan sẽ tạo ra một hiện tượng tự nhiên gọi là hồ thermokarst. Một hồ thermokarst được hình thành khi rất nhiều băng trong các tầng băng vĩnh cửu tan chảy.

"Khi các hồ thermokarst được tạo ra, chúng sẽ đẩy nhanh tốc độ tan của lớp băng vĩnh cửu", nhà sinh thái học Katey Walter Anthony (Đại học Alaska) giải thích.

"Thay vì chỉ tan vài cm như bình thường, chúng tôi thấy băng tan sâu tới 15 mét bên dưới những hồ mới hình thành ở Goldstream Valley trong vòng 60 năm qua", bà Anthony giải thích thêm.

Tầng đất đóng băng vĩnh cửu (Permafrost) chiếm khoảng 24% diện tích đất lộ thiên ở Bắc cực. Một số nơi, lớp đất đóng băng vĩnh cửu sâu tới 80 mét.

Vấn đề là Bắc cực là một hồ chứa carbon hữu cơ tự nhiên lớn nhất thế giới, tất cả những chất hữu cơ này bị nhốt trong băng vĩnh cửu và không gây ra rắc rối cho môi trường.

Nhưng khi băng vĩnh cửu tan chảy, vi khuẩn có trong đất ăn carbon hữu cơ và sản sinh ra khí CO2 cũng như khí Metan. Những loại khí nhà kính này sau đó bay vào khí quyển và làm Trái đất nóng thêm.

Những hồ Thermokarst thúc đẩy quá trình này tăng tốc khi lớp băng vĩnh cửu tan nhanh, sâu hơn, một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là tan băng đột ngột.

"Trong nhiều thập kỷ, chúng ta sẽ thấy được những lỗ hổng rất sâu, vài mét tới hàng chục mét. Và chúng ta sẽ thấy khí nhà kính cổ xưa ùa ra", bà Anthony nói.