Sau khi Anh bỏ phiếu quyết định rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), câu hỏi làm thế nào để quốc gia này sẽ cộng tác với EU-27 về khoa học sau khi rời khỏi khối trong năm tới tiếp tục làm đau đầu các nhà nghiên cứu.

Những thách thức của Anh khi rời EU

Quyết định rời khỏi EU của Anh sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà khoa học, những người mà sự tự do di chuyển và quan hệ đối tác xuyên biên giới là không thể thiếu. "Tôi không thấy một dấu hiệu lạc quan nào cả", Anne Glover, chủ tịch Hội Hoàng gia Edinburgh phát biểu trong Diễn đàn mở EuroScience được tổ chức hai năm một lần tại Toulouse.

Quyết định rời khỏi EU ảnh hưởng lớn đến các nhà khoa học tại Anh.  Nguồn: Business Reporter.
Quyết định rời khỏi EU ảnh hưởng lớn đến các nhà khoa học tại Anh. Nguồn: Business Reporter.

Trong thời gian hai năm kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit, chính phủ Anh đã nỗ lực tạo ra kế hoạch rời khỏi EU có thể làm hài lòng cả quốc hội và công chúng. "Brexit là một thảm họa mà mọi người đang hướng tới", Glover nói.

Vương quốc Anh có thể phải trả giá đắt nếu rời khỏi quỹ đạo của EU. Trong trường hợp không thể thỏa thuận để giữ Anh trong chương trình nghiên cứu chính của EU là Horizon Europe, quốc gia này sẽ cần phải thiết kế lại hoàn toàn hệ thống nghiên cứu của mình, Robert-Jan Smits, nguyên giám đốc của ban nghiên cứu thuộc Ủy ban châu Âu, nhận định.

Smits cho biết, nhiều trường đại học đặc biệt là các trường đại học ở Trung Âu và Đông Âu đang thiếu nhân tài, và họ sẽ dành nhiều thời gian cho việc tuyển dụng những người giỏi đến từ Anh. Mark Ferguson, người đứng đầu tổ chức Science Foundation Ireland, dự đoán rằng khoảng 10% các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Anh sẽ rời đi vì Brexit.

Chưa có quốc gia EU nào phát triển mạnh trong nghiên cứu giống như Anh. Các quỹ của EU và khoản tài trợ của Hội đồng nghiên cứu châu Âu cho phép các nhà khoa học hàng đầu di chuyển tới Anh nhằm thành lập nhiều nhóm nghiên cứu và giúp thiết lập một loạt cơ sở hạ tầng nghiên cứu, bao gồm Chương trình nghiên cứu vi sinh Instruct và Khảo sát xã hội châu Âu (ESS).

ESS, có trụ sở điều hành tại Đại học London, thực hiện các cuộc phỏng vấn ở 30 quốc gia hai năm một lần để đo lường thái độ và niềm tin của công dân châu Âu. Chương trình Instruct, có trụ sở điều hành tại Đại học Oxford, là một nghiên cứu về các khối xây dựng của protein, virus và tế bào.

"Sau nhiều thập kỷ hội nhập châu Âu, chúng tôi đã trở nên gắn bó đến mức gần như không thể gỡ ra. Thật ngây thơ khi các chính trị gia nói rằng họ có thể thực hiện toàn cầu hóa và thay thế quan hệ đối tác châu Âu", Smits nói.

Những người muốn giữ mối quan hệ chặt chẽ với EU chỉ ra khoản lợi nhuận đáng kể trong đầu tư nghiên cứu. Từ năm 2007 đến năm 2013, Anh đổ 5,4 tỷ euro vào khuôn khổ nghiên cứu của EU và thu được 8,8 tỷ euro. Các khoản tài trợ của châu Âu cung cấp khoảng 12% thu nhập nghiên cứu của các trường đại học Anh, mặc dù đối với một số trường chúng chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều.

Các trường đại học, cũng như công ty trong ngành công nghiệp nghiên cứu công nghệ, hàng không vũ trụ và dược phẩm, đang lo lắng về việc mất quyền tiếp cận tài trợ nghiên cứu của EU.

Anh vẫn muốn tham gia các chương trình nghiên cứu của EU

Đề xuất 94,1 tỷ euro của Ủy ban châu Âu cho chương trình nghiên cứu Horizon Europe tiếp theo, bắt đầu từ năm 2021, chứa đựng phác thảo mối quan hệ tương lai khả thi về khoa học, có Anh tham gia với tư cách là một thành viên liên kết. Tuy nhiên, các nước EU-27 còn lại sẽ nhận được nhiều nguồn tài trợ nghiên cứu hơn nhờ Brexit.

Chính phủ Anh, trong bối cảnh hỗn loạn chính trị, cam kết sẽ thiết lập một thỏa thuận mới với EU về khoa học. Các chiến lược mới nhất ghi trong sách trắng nói rằng Anh muốn trở thành một phần của Chương trình Horizon Europe, Chương trình nghiên cứu của Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), thí nghiệm JET (Joint European Torus) và Dự án Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạt nhân Quốc tế (ITER).

"Đôi khi, trong tất cả các ồn ào về chính trị mà bạn nghe được, rất dễ bỏ lỡ tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi luôn nỗ lực phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo", Rebecca Endean, giám đốc chiến lược của tổ chức UK Research and Innovation, cho biết.

Như một minh chứng cho cam kết nghiên cứu của mình, chính phủ Anh gần đây đã công bố việc gia tăng tài trợ quốc gia. Đây không phải là để bù đắp tổn thất kinh phí dự kiến từ EU. "Rõ ràng chúng tôi đang đầu tư vì chúng tôi quan tâm đến khoa học. Tất cả mọi người ở Anh thực sự muốn có một thỏa thuận với EU", Endean nói.