Từ thuở là anh công nhân 19 tuổi đến nay - khi đứng đầu một công ty lớn sở hữu 50 công trình khoa học, 18 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, con người Hoàng Đức Thảo vẫn chỉ gói gọn trong mấy chữ: Đam mê và sáng tạo.

Mong trời sáng để làm việc

Khó kể hết các danh hiệu dành cho Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco): Vua đê cống, vua sáng chế, vua sáng tạo, vua giải thưởng…

Nhân viên Busadco dường như bị vị sếp này bỏ bùa, thể hiện ở ánh mắt đầy trìu mến khi nói về ông. “Chị em tôi ai cũng mê anh Thảo cả, mê trí tuệ, khả năng sáng tạo, sức làm việc phi thường, sự tâm lý và hài hước của sếp” - một nhân viên nữ nói.

Biết chuyện này, ông Thảo cười lớn: “Nói thật, mỗi ngày tôi chỉ nghỉ 2-3 tiếng. Tôi đi ngủ chỉ mong trời mau sáng để còn gọi điện trao đổi công việc. Đêm không dám gọi vì sợ ảnh hưởng tới vợ con, nhân viên. Tôi làm gì cũng khẩn trương, thậm chí khi vệ sinh cá nhân, ăn uống cũng nghĩ về công việc”.

Ông Hoàng Đức Thảo (người giơ tay) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các sản phẩm của Busadco tại cụm công nghiệp Vũ Quý, Kiến Xương, Thái Bình. Ảnh: NV

Theo ông Thảo, ở công ty, từ ông đến công nhân đều vừa chạy việc vừa sắp hàng, làm tới đâu là dọn dẹp, bán hàng tới đó. Cải tiến được tính theo ngày. “Nhiều khi người trong công ty cũng không theo nổi sản phẩm mới vì ra đời nhanh quá. Từ thực tế, tôi liên tục nảy ra các ý tưởng. Sản phẩm được thị trường quan tâm là đưa vào sản xuất ngay” - ông Thảo nói.

Những người thườnng xuyên làm việc gần Hoàng Đức Thảo đều cho biết, với mỗi công trình mới, dù bận tới đâu, ông cũng giám sát thực hiện từng giai đoạn, cứ xong việc là ra công trường, xắn tay áo lên làm cùng anh em.

“Sinh thời mẹ tôi dạy, mình sinh ra từ cây rơm gốc rạ, phải biết liệu cơm gắp mắm, vừa chạy vừa sắp hàng, ráo mồ hôi là hết tiền. Những bài học dân dã ấy tôi vẫn nói với anh em để đồng lòng nỗ lực mỗi ngày, không được sao nhãng một phút giây nào” - ông tâm sự.



Luôn nhìn ra đòi hỏi của cuộc sống

19 tuổi, tốt nghiệp trường công nhân kỹ thuật, Hoàng Đức Thảo từ Thái Bình vượt ngàn cây số đến làm tại Công ty xây dựng số 10, Kiên Giang.

“Mới đi làm, tôi đã có sáng kiến cải tiến máy cắt sắt để lưỡi cắt không bị đứt đột ngột, rồi thay đổi thiết kế móng của Nhà máy ximăng Hà Tiên. Năm ấy tôi lần đầu tiên nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang.

Những năm 1979-1980 ấy, 10 gia đình mới có 1 cái tivi, tôi lần đầu lên tivi trong chương trình “Người tốt việc tốt”. Đi dự festival Tuổi trẻ toàn quốc, tôi cũng lần đầu được ăn lẩu. Phần thưởng là được ăn lẩu và cuốn sổ mà tôi vui suốt” - ông Thảo kể.

Nhờ liên tục có sáng kiến, mỗi năm ông lên 1 bậc thợ trong khi quy định chung là 5 năm. Ông được giao tiếp quản việc xây dựng ống khói cao 115m thay thế công nhân người Đức. “Người thợ chúng tôi có những vinh dự riêng, không bao giờ quên trong đời” - ông tâm sự.

Nhờ “nói được, làm được”, năm 2003 Hoàng Đức Thảo được giao quản lý Công ty thoát nước Vũng Tàu. Thấy công nhân hằng ngày phải chui ống cống nạo vét bùn sình, ông trăn trở việc chế máy làm thay để đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho họ và tiết kiệm thời gian.

Thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước ra đời giúp lấy sạch bùn dưới cống và di chuyển từ thấp đến cao. “Tôi phải sửa đi sửa lại hàng trăm bản thiết kế mới hiện thực hóa được chiếc máy này” - ông nói.

Ông Đoàn Văn Cao - công nhân tổ 5, Busadco - hồ hởi kể: “Máy ra đời hơn 10 năm nay, giúp tôi thoát cảnh chui ống cống đường kính 80cm. Một đoạn cống 50m trước cần 2 người làm cả tuần, giờ chỉ 2 tiếng”.

Sau thành công đó, ông Thảo không ngừng lăn lộn để biến Busadco trở thành một trong hai doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) đầu tiên của Việt Nam với trên 50 công trình KH&CN, 18 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, 9 chứng nhận công nghệ phù hợp. Tất cả đều nhờ ở khả năng nhìn ra nhu cầu của đời sống và với ông, nhu cầu bức thiết hiện nay là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông trăn trở: “50 năm nữa, nước biển dâng thêm từ 30-50cm. Với hơn 3.000km bờ biển, Việt Nam thuộc 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất. Giải pháp kiến tạo bờ và chống xói lở là việc quốc gia đại sự mà tôi cứ đau đáu trong lòng”. Công trình “Cấu kiện lắp ghép chế tạo bằng bêtông cốt sợi phi kim loại” của ông đã chứng minh hiệu quả qua sự bền vững của 4km đê Tiền Hải, Thái Bình trong 2 cơn bão lớn vừa qua.

Nhìn lại những gì đã làm ở tuổi 56, ông Thảo thanh thản: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc bất cứ điều gì trong quá khứ, bởi tôi đã làm việc hết sức, cố gắng hết khả năng”.

Ông Hoàng Đức Thảo sinh năm 1960, được phong Anh hùng Lao động năm 2011.

Từ năm 2004-2012, ông Thảo giành 17 giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế bao gồm: 6 giải thưởng Vifotec, 4 giải vàng Techmart Asean + 3; 1 giải đặc biệt, 2 giải vàng, 1 giải bạc của Tổ chức Sáng tạo KH&CN SIIF tại Hàn Quốc; 2 giải vàng của Tổ chức Sáng tạo KH&CN ITEX tại Malaysia, 1 giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới dành cho công trình sáng tạo KH&CN xuất sắc nhất Việt Nam. Công trình “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển” của ông được giới thiệu trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016.