Ngày 23/6, Ấn Độ đã phóng thành công 31 vệ tinh vào quỹ đạo, bao gồm vệ tinh quan sát Trái Đất, từ sân bay vũ trụ Sriharikota, miền Nam nước này.

(Nguồn: ISRO).
(Nguồn: ISRO).

Theo thông báo của Tổ chức Nghiên cứu Không gian vũ trụ Ấn Độ, vào lúc 9 giờ 29 sáng 23/6 (giờ địa phương), tên lửa đẩy Polar Satellite Launch Vehicle (PSVL) đã rời bệ phóng từ sân bay vũ trụ Sriharikota và mang theo một vệ tinh quan sát Trái Đất Cartosat-2 cùng 30 vệ tinh khác.

Vệ tinh Cartosat-2 nặng 712kg, được coi là "đôi mắt" của Ấn Độ trên bầu trời. Vệ tinh sẽ gửi hình ảnh thu được từ các camera đa quang phổ về trung tâm thông qua hệ thống cảm biến từ xa.

Hình ảnh thu được từ vệ tinh sẽ hữu ích trong công tác quản lý và sử dụng tài nguyên khu vực ven biển và quản lý tiện ích như giám sát mạng lưới đường bộ, phân phối nước và lập bản đồ sử dụng đất, cũng như các ứng dụng vẽ bản đồ, ứng dụng đô thị và nông thôn và các ứng dụng hệ thống thông tin địa lý.

Các vệ tinh khác bao gồm 29 vệ tinh nano của 14 quốc gia như: Áo, Bỉ, Chile, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Latvia, Litva, Slovakia, Anh và Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 2, Ấn Độ cũng đã lập kỳ tích trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ khi phóng 104 vệ tinh vào không gian chỉ với 1 tên lửa đẩy, phá kỷ lục phóng 37 vệ tinh vào năm 2014 do Nga nắm giữ.