Sau mấy năm lên kế hoạch, cuối cùng, Alpha Books đã chính thức khởi động Dự án xuất bản giáo trình hiện đại của thế giới cho sinh viên Việt Nam bằng việc tuyển dụng một số nhân sự ban đầu.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, trả lời phỏng vấn của Khoa học và Phát triển chung quanh dự án này.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books. Ảnh: NVCC

Nhiều giáo trình được xuất bản trước năm 2000

Tôi được biết, để chuẩn bị cho dự án này, ông đã đi khảo sát ở một số trường đại học. Việc đó cụ thể như thế nào?

Những năm qua, chúng tôi đã đi tìm hiểu, làm việc với nhiều trường đại học; trao đổi với các giảng viên, trí thức và du học sinh đã và đang học tập tại nước ngoài.

Tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi đã làm việc với bộ môn Hóa và Hóa dầu, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Viện Cơ khí động lực và vài đơn vị khác. Chúng tôi cũng làm việc với Đại học FPT, Đại học Kinh tế Quốc dân; gặp lãnh đạo trường Đại học Bách khoa TPHCM; tham khảo cách làm giáo trình đại học của trường Đại học Duy Tân và một số trường khác.

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận ra một vài vấn đề. Thứ nhất, một số trường như Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học FPT hay Đại học Duy Tân đã xuất bản nhiều giáo trình hiện đại. Thậm chí một số nơi đã sử dụng trực tiếp giáo trình gốc quốc tế, và nhiều khoa sử dụng nội bộ bản dịch các giáo trình hiện đại dù không được xuất bản chính thức.

Song đa số các trường còn lại vẫn sử dụng các giáo trình do các giảng viên trong nước viết, thậm chí nhiều môn học, ngành học có giáo trình khá cũ, xuất bản từ trước năm 2000. Ngay như ngành Hóa dầu thì giáo trình hiện tại không có gì khác so với thời tôi còn học ở Đại học Bách khoa Hà Nội, do các giáo sư, giảng viên của trường biên dịch dựa trên sách nước ngoài, thậm chí từ những cuốn sách của Liên Xô. Giáo trình ngành dệt may, ngành vật liệu, gốm sứ cũng rất cũ kỹ…

Mặc dù không phải tất cả giáo trình cũ đều kém nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng cần những kiến thức mới, cập nhật và được trình bày theo cách thức hiện đại hơn cho giảng viên và sinh viên.

Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng đó?

Tôi cho rằng, trước hết, do bối cảnh kinh tế - xã hội trước đây có nhiều khó khăn, không cho phép giảng viên và sinh viên tiếp cận những giáo trình mới. Nền xuất bản quốc gia và các nhà xuất bản cũng khá lạc hậu, khi hầu hết không có những tiếp xúc, trao đổi, hợp tác với những tập đoàn xuất bản lớn trên thế giới. Chỉ mãi gần đây, thế hệ giảng viên trẻ, có điều kiện du học nước ngoài mới có cơ hội tiếp xúc với những giáo trình hiện đại từ các nước tiên tiến và nhận thức rõ vai trò của giáo trình hiện đại. Một số đơn vị xuất bản cũng đang trưởng thành, có khả năng tiếp xúc, trao đổi và hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế.

Bên cạnh đó, đa số các trường đại học ở Việt Nam chưa coi trọng việc đầu tư, xuất bản giáo trình hiện đại. Nhiều trường đại học cho đây là công việc của giảng viên hoặc của các bộ mônhơn là trách nhiệm của nhà trường. Hay như 5-7 năm trước, lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã cho dịch 20 giáo trình hiện đại nhưng vướng mắc về bản quyền và khâu xuất bản nên vẫn chưa thành công với ý định này.

Về phần mình, các sinh viên đã quen với việc học giáo trình trong nước, mỏng, đơn giản, dễ hiểu, phục vụ hiệu quả cho thi cử thuần túy hơn là phục vụ mong muốn học cao và hiểu sâu.

Cần hàng triệu đô-la cho Dự án

Ông có thể cho biết Dự án sẽ được tiến hành thế nào?

Về tổng thể, chúng tôi hình dung dự án sẽ gồm 3 giai đoạn:

Bước đầu, chúng tôi thử nghiệm trong năm nay với 20-30 cuốn khả thi nhất ở các lĩnh vực: toán, lý, hóa, kinh tế cơ bản, là những giáo trình có nhu cầu cao cũng như việc dịch, xuất bản có nhiều thuận lợi. Ngành kinh tế là ngành đông sinh viên theo học và Alpha Books cũng là đơn vị chuyên về sách quản trị kinh doanh nên có nhiều thuận lợi trong việc triển khai. Còn các ngành toán, lý, hóa cơ bản đang được giảng dạy ở nhiều trường, và cũng là các môn học bắt buộc với đa số sinh viên ngành kỹ thuật.

Bước 2, chúng tôi sẽ tiến hành xuất bản 100-200 giáo trình về toán, lý, hóa, và các môn kinh tế và kinh doanh.

Bước 3, đi vào các lĩnh vực chuyên sâu như y học, khoa học xã hội, luật... cùng với việc hoàn thiện và phát triển hệ thống thuyết trình (presentation) hỗ trợ giảng viên trong quá trình giảng dạy.

Nhìn chung, chúng tôi sẽ lựa chọn những giáo trình hiện đại, phù hợp về mặt giảng dạy ở Việt Nam, và khả thi về mặt xuất bản.

Dự án lớn như vậy liệu có vượt quá sức của một đơn vị tư nhân có quy mô còn khiêm tốn như Alpha Books không?

Ước tính chi phí để xuất bản 400-500 cuốn giáo trình có thể lên tới vài triệu đến chục triệu đô-la. Rõ ràng quy mô đầu tư như vậy nằm ngoài khả năng của Alpha Books, vì thế chúng tôi coi đây là một dự án, một chương trình lớn mà trong đó Alpha Books chỉ là nơi khởi động và tham gia đầu tiên.

Chúng tôi rất cần những nguồn lực từ bên ngoài về con người, sự ủng hộ, hợp tác, và nhất là các khoản đầu tư cho dự án này. Vì là giáo trình nên việc dịch thuật chắc chắn phải có sự tham gia của giới chuyên gia và giảng viên đại học trong các ngành chuyên môn. Họ là người tư vấn, đề xuất những giáo trình cần xuất bản, cũng là người dịch hoặc hiệu đính, và cuối cùng, chính họ sử dụng chúng trong giảng dạy. Không có họ, dự án sẽ không thể làm được gì, nhưng mọi việc đều cần những bước đi đầu tiên, và thực tế đâu đó đã có những bước đi này rồi.

Kết hợp sách giấy, sách điện tử và các dạng presentation hỗ trợ giảng viên

Theo hiểu biết của ông, việc xuất bản giáo trình ở nước ngoài thường do bên nào chi phối, trường đại học hay giới xuất bản?

Nhìn chung trên thế giới chỉ có vài ba nhà xuất bản tập trung xuất bản giáo trình đại học và đó đều là những tập đoàn xuất bản khổng lồ như McGraw-Hill, Cengage hay Pearson... Quy mô của họ đều từ 5-8 tỷ đô-la về mặt doanh số hằng năm. Đây là những tập đoàn xuất bản, kiểm soát, chi phối hệ thống giáo trình của hầu hết tất cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới chứ không chỉ là ở Mỹ hay Anh. Bản thân các tập đoàn này đã vươn xa đến nhiều nước Đông Nam Á. Các trường đại học lớn ở Thái Lan, Malaysia... đều sử dụng giáo trình của McGraw-Hill, Pearson hay Cengage.

Ngoài các tập đoàn xuất bản này thì nhiều trường đại học và một số nhà xuất bản nhỏ cũng xuất bản giáo trình như các nhà xuất bản của trường đại học ở Anh, hay của trường Open University ở Malaysia...

Ông có đặt mục tiêu các giáo trình do Dự án xuất bản sẽ được sử dụng chính thống trong các trường đại học?

Tôi tin rằng, nền giáo dục Việt Nam sẽ phát triển theo con đường mà nền giáo dục của các quốc gia tiên tiến đang trải qua. Với tài liệu học tập và giáo trình cũng vậy. Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển đổi từ sách giấy sang các phiên bản số hóa, từ việc giảng dạy dựa vào một giáo trình duy nhất (cũng như dựa vào một bộ sách giáo khoa phổ thông duy nhất) sang nhiều giáo trình, nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông (điều mà Chính phủ đã có chủ trương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai). Nếu như 10 - 20 năm trước, giáo trình thuần túy là những cuốn sách in giấy thì hiện nay đã có những phiên bản điện tử cùng các phần hướng dẫn, hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy. Vì vậy, chúng tôi cho rằng giáo trình nên phát triển gồm cả sách giấy và sách điện tử, cùng với bản tóm tắt và các dạng presentation hỗ trợ giảng viên.

Bước đầu, các giáo trình do Dự án xuất bản sẽ được phát hành như sách tham khảo. Còn việc chúng có được sử dụng chính thức hay không là do trao đổi, thảo luận, quyết định của các trường dựa trên chất lượng, tính hiện đại và khả năng áp dụng. Nhưng có lẽ sẽ giống như các quốc gia tiên tiến khác, mọi giáo trình đều chỉ là tham khảo.

Việc thỏa thuận bản quyền và dịch sang tiếng Việt sẽ khá mất thời gian, liệu điều đó có khiến cho giáo trình khi được xuất bản bị lạc hậu không?

Đối với giáo trình hiện đại thì sau vài năm, các tác giả và nhà xuất bản đều có các bản cập nhật hay phiên bản mới. Về cơ bản sẽ không khác nhau nhiều. Giáo trình dịch sang tiếng Việt có thể có độ trễ so với thế giới 2-3 năm song đó là điều chấp nhận được.

Trân trọng cảm ơn ông.

Chừng 10 năm trước, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từng muốn hiện đại hóa hệ thống giáo trình đại học ở Việt Nam, với mục tiêu dịch và xuất bản khoảng 500 giáo trình hiện đại của các nhà xuất bản McGraw-Hill, Cengage, Pearson… nhưng rồi ý tưởng tuyệt vời đó đã không trở thành hiện thực.

Cách đây vài năm, tôi cũng có gửi đề xuất về một dự án tương tự đến một số cơ quan, bộ, ngành nhưng không nhận được phản hồi. Trong những trao đổi của tôi với một số nhân vật bao gồm quan chức và học giả thì 50% không tán thành hoặc không coi trọng giáo trình đại học hiện đại. Nhiều người cho rằng nên bắt sinh viên đọc ngay giáo trình tiếng Anh; nhiều người khác nghĩ là nên như phương Tây, không cần giáo trình nào cả, thầy giáo cứ đưa ra các gợi ý, danh mục sách nên đọc rồi sinh viên cứ thế mà đọc theo…

Nhưng tôi nhận thấy thời gian tranh luận và thuyết phục những ai đó khá lãng phí và vô ích, không đi đến đâu, chi bằng cứ bắt tay làm.

Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books

Đa số sinh viên Việt Nam không có khả năng đọc thấu đáo bằng tiếng Anh, bởi vậy họ cần được đọc các kiến thức cơ bản và chuyên ngành bằng tiếng Việt.

Song tiếng Việt chuyên ngành từ lâu đã bị các chuyên gia bỏ quên, không mấy ai quan tâm làm từ điển chuyên ngành một cách nghiêm túc và đây là một vũng lầy mà những người làm Dự án xuất bản giáo trình hiện đại của thế giới cho sinh viên Việt Nam phải vượt qua.

Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc Công ty Văn hóa - Giáo dục Long Minh