Liệu các hoạt động từ thiện có hỗ trợ thể chế dân chủ hay mục tiêu công bằng không – đó là câu hỏi mà cuốn sách mới của Rob Reich, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stanford, tìm cách trả lời.

GS Rob Reich. Nguồn: medium.com
GS Rob Reich. Nguồn: medium.com

Nói về cuốn sách Just Giving: Why Philanthropy Is Failing Democracy and How It Can Do Better của mình trên trang tin tức của Đại học Stanford, Rob Reich cho rằng dù có tác động quan trọng tới xã hội, hoạt động từ thiện ít có khả năng giải quyết tận gốc các vấn đề.

Ông lấy ví dụ tuyên bố mới đây của Michael Bloomberg về việc trao tặng 1,8 tỷ USD cho Đại học Johns Hopkins để trường này có thể tiến hành xét tuyển chỉ dựa trên việc cân nhắc năng lực của người học mà không cần quan tấm tới khả năng chi trả tài chính của họ ra sao (need – blind). Mục đích hiến tặng của Bloomberg nhằm cổ súy tất cả các trường đại học tiến tới xét tuyển theo kiểu need-blind, song theo Rob Reich, để đạt được mục tiêu này, cần thay đổi chính sách công chứ không phải là các khoản đóng góp hào hiệp của các nhà từ thiện.

Cũng tương tự, theo Rob Reich, các điểm cung cấp đồ ăn miễn phí có thể cứu đói, nhà thờ có thể cung cấp nơi trú ngụ, tổ chức phi lợi nhuận có thể dạy trẻ em học chữ, song nếu không thay đổi chính sách công, các vấn đề như đói ăn, vô gia cư và mù chữ vẫn tiếp tục tồn tại.
Phân tích của Rob Reich cho thấy, các chính sách công của Mỹ hiện còn rất xa mới đạt được mục đích hướng các hoạt động từ thiện tới việc hỗ trợ thể chế dân chủ hay theo đuổi sự công bằng, bởi “Quá thường xuyên, từ thiện không chỉ là sự cho đi”.

Chính sách công của Mỹ, giống như ở nhiều nước khác, đang trao rất nhiều ưu quyền cho các nhà từ thiện. Kết cục là, từ thiện cho phép người giàu thoải mái cho đi tiền của mình theo cách họ muốn. Họ có nguy cơ trở nên độc đoán khi cho mình quyền phán xét người đang gặp khó khăn phải thay đổi ra sao để thoát khỏi nghèo đói hoặc bất lợi.

Cuốn sách của Rob Reich chỉ ra những cuộc làm từ thiện lớn thực chất là việc người giàu dùng tài sản tài để gây ảnh hưởng tới cộng đồng. Bởi vậy, ông nhấn mạnh, trong xã hội dân chủ, ở bất kỳ nơi nào xuất hiện sự thực thi quyền lực ảnh hưởng tới cấu trúc cộng đồng, dù với những mục đích tốt đẹp, thì phản ứng tương xứng không phải là lòng biết ơn mà là sự xem xét kỹ lưỡng. Nói cách khác, ngay cả ở những nơi việc từ thiện đáng được ca tụng, thì vẫn cần lưu ý tới khuynh hướng chính trị và đạo đức của các hoạt động đó.

Một vấn đề khác của các quỹ từ thiện hiện nay, theo Rob Reich, là sự thiếu minh bạch trong giải trình - hơn 90% trong khoảng 100.000 quỹ tư nhân ở Mỹ không có website.

Các quỹ này cũng đang được hưởng những khoản khấu trừ thuế hết sức ưu ái, mà theo đó người càng giàu càng có lợi. Rob Reich nêu ví dụ: khi một người giàu chịu thuế thu nhập 40% tặng 1.000 USD cho điểm phát đồ ăn, chính phủ không đánh thuế 40% khoản đó – tương đương 400 USD. Như vậy, người giàu thực ra chỉ tặng 600 USD trong món tiền 1.000 USD. Trong khi, một người trung lưu chịu thuế thu nhập 20% cũng tặng 1.000 USD cho điểm phát thức ăn đó, họ chỉ được chính phủ miễn 200 USD thuế và thực chất tặng 800 USD. Trong năm 2017, nhờ ưu đãi, các quỹ từ thiện ở Mỹ đã “né” được khoản thuế trị giá 50 tỷ USD.

Không nghiên cứu các hoạt động từ thiện riêng lẻ - như liệu ai đó đã đóng góp đủ chưa, mục đích đã phù hợp chưa – cuốn sách của Rob Reich có tham vọng đưa ra đánh giá đối với các chuẩn mực xã hội và các điều luật đang chi phối hoạt động từ thiện ở Mỹ, để từ đó đưa ra một lý thuyết chính trị về từ thiện.