Nhiệt độ nước biển ở một vùng rộng lớn của Thái Bình Dương, cách 500 dặm về phía đông South Island của New Zealand, gần quần đảo Chatham, đã tăng vọt thêm gần 10 độ Fahrenheit (6 độ C).

Hình minh họa. Nguồn:NOAA/AP

Thông thường, nhiệt độ bề mặt khu vực của Thái Bình Dương dao động quanh 59 độ F (15 độ C), nhưng nhiệt độ hiện giờ đã là 68 độ F (20 độ C), James Renwick, nhà khoa học tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand cho biết. "Vùng biển này cho thấy rõ nhất dấu hiệu nóng lên của hành tinh chúng ta", Renwick nói.

Trong các hình ảnh vệ tinh, vùng biển này có diện tích 386.000 dặm vuông (1 triệu km vuông) trông giống như một đốm màu đỏ đầy đe dọa. Nguồn: NOAA/AP

Kể từ năm 1981, nhiệt độ nước ngoài khơi New Zealand đã tăng trung bình từ 0,18 đến 0,36 độ F (0,1 đến 0,2 độ C) mỗi thập kỷ.

Nhưng khi nhiệt độ mặt nước biển tăng đột biến, nó được coi là sóng nhiệt biển. Điều này thường xảy ra khi thời tiết làm cho đại dương hấp thụ nhiệt nhiều hơn bình thường hoặc một số điều kiện nhất định ngăn đại dương giải phóng nhiệt.

Trong trường hợp vùng biển gần New Zealand nóng lên bất thường, nhà khoa học Renwick nói rằng nguyên nhân có thể do một vùng áp suất khí quyển đã hình thành ở khu vực này, khiến cho bầu không khí ở đây trở nên nặng nề, ngột ngạt.

"Có lẽ một lớp đại dương rất mỏng đã ấm lên và không có bất kỳ cơn gió nào để làm mát nó trong vài tuần liền," Renwick nói.

New Zealand đã trải qua một đợt sóng nhiệt biển tương tự vào mùa hè hai năm trước, khi đó nhiệt độ nước tăng thêm 6 độ F (3 độ C) so với bình thường.

Biến đổi khí hậu có thể làm cho các đợt nắng nóng biển này trở nên tồi tệ hơn vì đại dương hấp thụ 93% lượng khí nhà kính tăng thêm trên Trái đất. Vì vậy, khi sự nóng lên toàn cầu trở nên mạnh mẽ hơn, sóng nhiệt trên đất liền và trong đại dương ngày càng dữ dội.

Trước đó, vào năm 2014, một đợt nắng nóng đã tràn vào vùng biển Thái Bình Dương giữa Hawaii, Alaska và California. Đợt nắng nóng đã khiến hải cẩu và các loài chim biển chết dần, hiện tượng tảo nở hoa và hiện tượng san hô tẩy trắng xảy ra. Các nhà khoa học đặt tên cho hiện tượng này là "The Blob”.

Bốn năm sau, một đợt nắng nóng tương tự xảy ra ở cùng vùng biển gây ra hiện tượng san hô tẩy trắng ở quần đảo Hawaii và sư tử biển và cá voi bị mắc cạn trên bờ biển California. Nhiệt độ đại dương nóng hơn gần 6 độ F (3 độ C) so với trung bình.

Hiện tượng "The Blob” diễn ra vào năm 2014 và 2019. Nguồn: NOAA/AP

Cả hai đợt Blob này là thảm họa cho sinh vật biển. Nhiệt độ ấm hơn khiến san hô trục xuất tảo cộng sinh trong các mô của nó và biến thành màu trắng ma quái, làm tăng nguy cơ tử vong của san hô và đe dọa các loài cá sinh sống trong rạn san hô.

Các hệ sinh thái dưới nước khác cũng bị đặt trong mối đe dọa khi nước ấm lên. Nhiệt độ nước biển cao hơn làm cho các loài động vật phù du nước lạnh – nguồn thức ăn của cá và các loài săn mồi khác - phát triển mạnh. Cá và cá mập từ bỏ môi trường sống truyền thống của chúng để tìm kiếm vùng nước mát hơn. Vào năm 2018, một loài cá mú hiếm sinh sống ở Queensland, Australia, đã được phát hiện cách 2.000 dặm ở phía bắc New Zealand.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy nhiệt độ nóng hơn từ sóng nhiệt Thái Bình Dương đã gây ra sự tuyệt chủng cục bộ của một loài tảo bẹ ở vùng biển New Zealand, sau đó bị xâm lấn bởi một loài rong biển.

Nhiệt độ nước biển tăng vọt cũng có thể thúc đẩy sự gia tăng của tảo nở hoa đầu độc nguồn hải sản. Vào năm 2015, trong đợt "Blob" đầu tiên, một đợt nở hoa khổng lồ kéo dài đến Bờ Tây của Hoa Kỳ, làm ô nhiễm động vật có vỏ địa phương. Chính phủ Oregon, California và Washington đã phải cấm thu hoạch cua Dungeness trong nhiều tháng để bảo vệ người dân khỏi hải sản bị ô nhiễm.

Nguồn: