Theo tạp chí Nature Communications, hầu hết các loại thuốc kháng sinh được phát triển trong thế kỷ 20 đều là nhờ các loài vi khuẩn sống trong đất. Các nhà nghiên cứu tin rằng các loài vi khuẩn cộng sinh với côn trùng có khả năng trở thành một nguồn kháng sinh mới quan trọng không kém.

Loài kiến thuộc chi Cyphomyrmex - Ảnh: Alex Wild

Loài kiến thuộc chi Cyphomyrmex - Ảnh: Alex Wild

Giáo sư Cameron Currie ở Đại học Wisconsin, Mỹ, cho rằng các loài vi khuẩn sống ở côn trùng thường tiết ra các chất bảo vệ vật chủ khỏi bị nhiễm trùng.

Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm của giáo sư Cameron Carrie đã kiểm tra hơn 1.400 côn trùng được thu thập ở các khu vực tự nhiên khác nhau ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, bao gồm ruồi, kiến, ong, bướm, bọ cánh cứng và nhiều loài khác. Các nhà khoa học đã phát hiện ra vi khuẩn Streptomyces trong cơ thể ½ số côn trùng đó. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã thu được hơn 10 nghìn chủng vi khuẩn từ côn trùng và 7 nghìn chủng khác lấy từ đất hoặc thực vật cũng được kiểm tra trong quá trình nghiên cứu.

Sau đó, họ tiến hành nhiều xét nghiệm để kiểm tra khả năng của những vi khuẩn này trong việc ức chế sự phát triển của 24 loài vi khuẩn và nấm gây bệnh, bao gồm cả khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin.

Hóa ra, vi khuẩn từ côn trùng đôi khi vượt trội vi khuẩn trong đất về khả năng chống lại vi sinh vật gây bệnh. Vài chục chủng vi khuẩn có triển vọng nhất đã thử nghiệm trên chuột thí nghiệm.

Giáo sư Cameron Carrie tin rằng trong tương lai nghiên cứu vi khuẩn cộng sinh trong cơ thể côn trùng sẽ mang lại nhiều loại kháng sinh hứa hẹn hơn.