Nhà minh họa thực vật đầu tiên và duy nhất mang đến sức sống cho những mẫu vật thiên nhiên, khiến những đặc điểm sinh học của chúng tỏa sáng.


Alice Tangerini trong phòng làm việc. Ảnh: AARP Bulletin.

Alice Tangerini là hoạ sĩ minh hoạ thực vật đầu tiên và duy nhất tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, nơi bà đã đặt dấu ấn của mình trong ngành khoa học thực vật suốt 46 năm. Trong sự nghiệp của mình, Tangerini đã tạo ra hàng trăm hình minh họa từ hơn 1.000 loài thực vật khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Tác phẩm nghệ thuật của bà đã xuất hiện trong các cuốn sách, tạp chí khoa học có bình duyệt và các cuộc triển lãm trong bảo tàng. Nhà thực vật học nổi tiếng Warren H. Wagner gọi Tangerini là người “không thể thay thế” trong lĩnh vực minh họa thực vật. Hơn nữa, bà đã thổi hồn vào cho khoa học thực vật, đem lại cho nó một cuộc sống mới.

Các hình minh họa thực vật của Tangerini bắt đầu theo cùng một cách: đầu tiên là một bản vẽ đơn giản giúp bà khám phá các bộ phận của cây: lá, hạt, thân, có thể một hoặc hai bông hoa. Tiếp theo, bà sử dụng kính hiển vi để nghiên cứu các sợi lông tí hon và đường gân của mẫu vật, sau đó tái hiện chúng bằng các nét vẽ cực mảnh được tạo ra bằng bút với độ nhạy áp lực rất cao vốn hay được sử dụng bởi các kiến trúc sư hoặc kỹ sư. Tangerini đã kết hợp các công cụ và cả tầm nhìn của người nghệ sĩ và nhà khoa học để hoàn thành công việc mà, theo như bà mô tả, chính là “nghệ thuật phụng sự khoa học.”

Mặc dù hiện nay, một số trường đại học đã có chương trình đào tạo cho ngành minh họa khoa học- chẳng hạn như chương trình Minh họa Sinh học và tiền Y khoa của Đại học Iowa và chương trình Minh họa Y khoa của Đại học Chicago. Nhưng khi Tangineri bước chân vào lĩnh vực này cuối những năm 1960, không hề có khóa học nào tương tự. Con đường đến với minh họa khoa học của bà dựa vào một chút may mắn (và rất nhiều kỹ năng), và nó là quá trình truyền nghề giữa một sư phụ và đệ tử hơn là quá trình đào tạo bài bản trong trường đại học một cách chính thức.

Họa sĩ bất đắc dĩ

“Vẽ luôn là một niềm yêu thích của tôi, thậm chí từ thời thơ ấu,” Tangerini nhớ lại. “Tôi lớn lên trong một khu phố nơi ngay cả những người hàng xóm cũng biết tôi là một cô gái thích vẽ. Thế rồi một mùa hè khi cô đang theo học tại trường cao đẳng ở Kensington Maryland, Tangerini quyết tình tìm việc làm thêm và được một người hàng xóm gợi ý tìm đến Lyman Smith, một nhà thực vật học tại viện thực vật (Herbarium) của Smithsonian, người tình cờ sống trong cùng khu phố với cô và đang tìm một người vẽ tranh minh họa.

Khi Tangerini gặp Smith lần đầu tiên, cô đưa cho ông xem một tập các bản vẽ ngựa và chó từ thời trung học. Điều gần nhất với cây mà Tangerini đã từng vẽ cho đến thời điểm đó là cỏ dưới móng chân của con ngựa. “Ông nhướn mày và nói ‘Tôi sẽ để cô thử’” Bà nhớ lại “Và đó chính xác là cách mọi thứ bắt đầu.”

Minh họa cây Cornus kousa của Alice Tangerini, còn có tên gọi khác là sơn thù du Nhật Bản, một loài cây rụng lá nhỏ cao tối đa là 12 m, hoa trắng và quả giống như quả mâm xôi. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian

Tuần sau Tangerini gặp Lyman tại bảo tàng để thử việc. Lyman đặt một mẫu thực vật khô, một cây chổi lông, một chiếc bút chì, một chai mực và một cây bút máy. Rồi ông rời đi, và vài giờ sau, ông quay trở lại để xem Tangerini đã làm gì. “Tôi đã vẽ một cái cây chết trông như một cái cây đã chết. Chính xác nó trông giống hệt cái cây đó (mà Lyman đã đưa)”. Lyman nhắc nhở lần sau bà nên mở lá ra (để vẽ) và đó chính là bài học đầu tiên của bà.

Bà tiếp tục làm việc cho Lyman vào những ngày cuối tuần và trong mùa hè, và chính sự huấn luyện đó đã giúp bà trở thành một nhà minh họa thực vật thực thụ.

Nhiều thập kỷ sau cái ngày bắt đầu làm việc tại Smithsonian vào năm 1972, Tangerini vẫn tiếp tục vẽ nhiều mẫu thực vật khô từ khắp nơi trên thế giới, có những mẫu đã hơn 200 năm tuổi. Nhưng bà đã biết làm thế nào để thổi vào chúng một sự sống mới. Các nét vẽ của bà, chăm chú và cẩn trọng, uyển chuyển từ dày đến mỏng, tạo ra một hiệu ứng như hoạt hình. Và dẫu rằng quy ước trong minh họa thực vật là dựa theo một nguồn sáng tưởng tượng từ phía trên bên trái của bản vẽ, nhưng phong cách dùng nét đậm để đánh bóng mẫu vật của bà khiến chúng như tỏa ra ánh sáng của riêng mình trong bức tranh.

Tangerini không tự coi mình là một nghệ sĩ, mặc dù bà tốt nghiệp ngành mỹ thuật từ Đại học Virginia Commonwealth. “Minh họa khoa học thường được định hướng bởi khán giả. Bạn đang vẽ cho những người trong lĩnh vực khoa học, ”cô giải thích. “Tôi nghĩ mỹ thuật là thứ mà bạn vẽ cho bản thân. Bạn tự quyết định mình đang làm gì, mình đang thể hiện điều gì với đối tượng khán giả do bạn quyết định”.

Sự phân chia rõ ràng giữa thẩm mỹ (tranh thực vật) và hướng dẫn (hình minh họa thực vật) đã xuất hiện từ lâu. Minh họa thực vật nhằm mục đích hướng dẫn đã xuất hiện từ thời cổ đại và trung cổ, trong những cuốn sách về thảo dược được sử dụng bởi thầy thuốc và người bào chế thuốc. Chúng chứa thông tin về tính chất dược liệu của cây và mô tả cách thức chuẩn bị cho cây thuốc. Kèm theo văn bản là hình minh họa thực vật đủ chi tiết để người đọc xác định được loại thực vật đó trong tự nhiên, bao gồm thể hiện chính xác tỷ lệ, đặc trưng của cây, màu sắc của tán lá và hoa hoặc quả. Áp lực phải thể hiện chính xác những điều này trên vai người vẽ minh họa càng lớn, nếu độc giả của họ là những thầy thuốc và những nhà dược học: dùng sai cây thuốc, hoặc bào chế sai cách đều có thể dẫn đến tử vong.

Tangerini theo sát truyền thống cổ xưa này, nhưng với một ngoại lệ: màu sắc không phải là một điều nổi bật trong các tác phẩm của cô. Hầu hết các mô hình của Tangerini là mẫu vật khô, chúng không còn giữ được nhiều màu sắc khi đến tay họa sĩ. “Màu sắc thậm chí không cần thiết ... nó không phải là một đặc điểm phân loại, nó không giúp tách biệt các loài với nhau”, cô giải thích. Sự diễn giải màu sắc còn mang tính chủ quan của người vẽ. Do đó, các đặc điểm của thực vật có thể được các nhà thực vật học công nhận ở bất kỳ nơi nào trên thế giới phải là những đặc điểm có ý nghĩa về mặt phân loại: hình thái thực vật, cấu trúc và các bộ phận bên trong của cây.

Một sự khác biệt nữa là vào thời của các nhà minh họa thời trung cổ và cổ đại, ngành phân loại sinh học vẫn chưa tồn tại như một hệ thống chuẩn hóa để nhận diện các loài. Phải đến thế kỷ 18 và 19, khi nhà tự nhiên học và nhà di truyền học Ernst Haeckel mới bắt đầu phổ biến lĩnh vực minh họa khoa học thông qua hàng trăm tác phẩm của các loài thực vật và động vật có kích thước siêu nhỏ, thì sự chính xác về mặt thực vật mà Tangerini tìm kiếm mới trở thành một phần không thể thiếu của việc vẽ minh họa.

Sự sáng tạo trong khuôn khổ

Các nhà sử học khoa học như Ann Shteir, Barbara Gates và Sally Kohlstedt đã chỉ ra rằng minh họa thực vật trong giai đoạn này cung cấp cho phụ nữ một con đường khác để vào với thế giới khoa học. Họ có thể là những người minh họa độc lập, hoặc những người minh họa vô danh làm cho những người thân là nam giới của họ. Hàng trăm nữ họa sĩ minh họa đóng một vai trò trung tâm trong việc minh họa trực quan cho ngôn ngữ của ngành phân loại học manh nha của những nhà thực vật nam. Mặc dù tên tuổi của rất nhiều người giờ đã chìm vào quên lãng, công việc của họ đã thiết lập nên nền tảng cho minh hoạ thực vật hiện đại.

Tuy nhiên, việc lấy tính chính xác khoa học làm mục tiêu không có nghĩa là tất cả các hình minh họa đều giống nhau, hoặc các họa sĩ không hề đặt trí tưởng tượng và sự sáng tạo vào công việc của họ. Tangerini vẫn là một nghệ sĩ đúng nghĩa, và bà sở hữu quyền kiểm soát phương thức cũng như cách áp dụng chúng trong việc minh họa. Bà coi từng bức tranh là một thử thách, bởi vì mỗi lần bà đặt bút là mỗi lần bà phải xác định sẽ đặt các đường thằng, bóng, điểm hoặc màu sắc ở đâu để thể hiện những gì mà nhà khoa học đã đưa cho bà.

Khi Tangerini bắt đầu công việc minh họa của mình, số lượng các nhà minh họa khoa học quá nhỏ để có một ngành công nghiệp cung cấp các dụng cụ mà họ cần. (Thực chất ngành này vẫn khá nhỏ, do hạn chế về mặt tài chính, nhiều viện bảo tàng và vườn thực vật thường chỉ có thể thuê một hoặc hai người minh họa.) Do đó, bà phải sử dụng các công cụ của kiến trúc sư, kỹ sư phát triển sản phẩm và người viết thư pháp.

Tương tự như vậy, các họa sĩ minh họa ngày nay đã áp dụng các công cụ từ lĩnh vực thiết kế đồ họa, lựa chọn bút cảm ứng và máy tính bảng chuyên cho đồ họa thay vì bút và giấy thông thường, và sử dụng phần mềm sáng tạo như Adobe Photoshop. “Ngay cả khi bạn có thể vẽ và tô màu, bạn vẫn cần phải có khả năng sử dụng tất cả các phần mềm này,” Autumn von Plinsky, một nhà minh hoạ trước đây từng làm cho Vườn Bách thảo New York cho biết. “Một trong những điều giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp và năng lực thực hiện dự án của bạn chính là tìm hiểu các công cụ này về cả khía cạnh thiết kế và minh hoạ.”

Tuy nhiên, Tangerini vẫn thích dùng bút, bút chì và giấy. Sau nhiều năm, bà nhận ra rằng tay bà chỉ quen với làm việc theo cách đó. Nhưng còn một lý do khác khiến bà thích những công cụ truyền thống này: chúng giúp bảo tồn lịch sử lâu dài nghề thủ công của bà. Nhưng công cụ truyền thống này có sự linh hoạt giúp bà đạt được phong cách mà bà đã luôn muốn đi theo từ thuở ban đầu: tranh in khắc gỗ. Tôi vẫn nhìn vào những mộc bản cổ để ngắm nhìn các đường nét uốn lượn trên đó. - chúng thật quá đẹp. Bà mua lại rất nhiều công công cụ vẽ từ các nhà minh họa khác mà bây giờ không còn tìm thấy trên thị trường nữa. “Tôi mua lại những công cụ này vì đối với tôi, chúng là lịch sử. Một phần của lịch sử hội họa đang dần dần biến mất.”
Ngoài nhiệm vụ minh họa của mình, Tangerini hiện đang quản lý bộ sưu tập nghệ thuật thực vật trong Bảo tàng quốc gia về lịch sử tự nhiên và Catalogue về minh họa thực vật của Smithsonian. Nhưng những gì bà yêu thích nhất về công việc của mình vẫn là quá trình tái tạo một mẫu vật khô trên giấy. “Việc tìm ra làm thế nào để tái tạo lại mẫu thực vật khô này khiến chúng đẹp đầy nghệ thuật trên trang sách mà tôi tự dàn trang... quả thật vô cùng thỏa mãn.” Bà nói. Đôi khi trong quá trình này, bà tìm thấy những chi tiết rất nhỏ mà kể cả các nhà thực vật học cũng không phát hiện ra. “Tôi nhìn dưới kinh hiển vi để vẽ lại chúng, tôi thực sự phải nhìn rất kĩ, bởi vì tôi phải tái hiện lại một mẫu vật khô và cố gắng làm cho nó trông như đang sống”


Chính nhờ công việc “thổi hồn này” – nhìn ra những chi tiết chưa được khám phá của một loài thực vật và xác định cách thức tốt nhất để diễn tả chúng trên giấy – mà Tangerini tìm thấy chất thơ trong khoa học. Bà nói: “đây là cách tôi thể hiện bản thân mình”.