Chuyến đi do trung tâm BSA tổ chức với tên gọi chính thức là “Khởi nghiệp tài nguyên bản địa từ thực tiễn đổi mới sáng tạo của làng nghề OTOP – Thái Lan” cho thấy 3 ý chính: nhận diện tài nguyên; ứng dụng đổi mới sáng tạo và những biến hoá của mô hình OTOP – mỗi làng một sản phẩm của xứ Chùa Tháp.


Những người kỳ lạ của chuyến đi kỳ lạ

Đoàn khởi hành từ 2 đầu Sài Gòn và Hà Nội, đáp xuống sân bay cách 1 tiếng đồng hồ. Hợp đoàn trên đất khách, đa phần đã quen biết nhau từ trước và đều chung một tinh thần học hỏi nên không khí của đoàn từ lúc này cũng đã khá phấn chấn. Những cô sơn nữ lần đầu đi máy bay, những chàng nông dân chưa từng biết xuất ngoại, những lo lắng, hồi hộp và rất nhiều cảm xúc đan xen. Không sao, chúng tôi là một đoàn những người khởi nghiệp từ núi cao, từ ruộng đồng, đang đi học.

Anh Lâm, đại diện của Heart Ventures, một nhà tour độc lập chuyên tổ chức những chuyến trải nghiệm du lịch, nông nghiệp, văn hóa bản địa cũng là đơn vị điều phối của chuyến đi chào cả đoàn bằng một câu cảm thán: “Cuối cùng cũng được gặp những con người kỳ lạ của chuyến đi kỳ lạ nhất trong cuộc đời tổ chức của mình!”. Đúng là kỳ lạ vì đoàn xác định từ đầu không đến khu du lịch, khu mua sắm, càng không nữ trang đá quý, chỉ một mực tìm chọn những chợ tập trung, khu du lịch sinh thái, những làng nghề OTOP, đơn vị khuyến nông và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng hỗ trợ thương mại dịch vụ để thăm và học tập.

Đoàn đi đến Talad Thai vào đầu giờ chiều, nên toàn khu chợ rộng gần 100 hecta tương đối im ắng, thỉnh thoảng có tiếng đối thoại giữa các quầy sạp nhưng đa phần đều tập trung sơ chế và đóng gói. Nhanh nhẹn và cẩn thận là cảm nhận ngay tức thì. Ngoại trừ việc sử dụng bao nilon quá nhiều thì không có gì để phàn nàn: những trái bí to, đường kính hơn 2 bàn tay người lớn xếp hàng bức tường cao hơn 1m và dài cả trăm mét, những rổ ớt xanh đỏ trái to trung bình 1 tấc rực rỡ 1 góc chợ, hàng trăm ký khổ qua dài bằng cẳng tay người lớn to đều tăm tắp được lựa chọn và sắp xếp cẩn thận thành từng bao chục ký. Chứng tỏ khâu thu mua đã tuyển chọn rất kỹ nguồn hàng. Và có lẽ các quầy sạp đang sống trọn vẹn với nghề buôn bán của mình vì dù có cởi mở tươi cười hay nghiêm nghị khó khăn thì ánh mắt của mọi người vẫn trong veo sáng ngời, như thể họ sẽ còn rất nhiều ngày sắp tới tiếp tục ở đây mà tận tâm với nghề.

Chương trình ThaiGap – tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp quốc gia - giúp buôn bán rau nhanh và có giá hơn. Các nông trại có mã vạch QR code truy xuất nguồn gốc sẽ sớm được áp dụng chính thức đối với các nông dân muốn bán tại Talaad Thai. Thái quy hoạch nhà nông thành những vùng trồng quy mô lớn, chợ đầu mối làm việc trực tiếp với nông dân và người tiêu dùng giúp vận chuyển nhanh chóng, đạt được sự tin cậy lớn bởi nguồn hàng được kiểm soát và giá thành hợp lý. Thật sự không thể xem thường Talaad Thai, sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, Talaad không chỉ hướng tới là chợ nông sản lớn nhất Đông Nam Á và châu Á với hơn 250.000 nhà nông tham gia sản phẩm và đạt giá trị giao dịch mỗi năm 6 tỉ USD, mà còn là chợ đi đầu về tiêu chí phát triển bền vững với các cam kết xử lý nước thải toàn bộ, chương trình năng lượng hiệu quả với việc sử dụng vật liệu chiếu sáng hiện đại, tiết kiệm nguồn.

Chuyện trên đường dài

Đa phần các đơn vị được chọn để thăm đều ở miền Trung và Bắc Thái nên Ban tổ chức đã quyết định một chuyến đi “xuyên Thái”. 800 cây số đường trường hóa ra lại không quá mệt vì người Thái làm đường cẩn thận. Dọc đường luôn có nhiều trạm xăng chuẩn 5 sao với cửa hàng giới thiệu sản phẩm OTOP đa dạng và nhà vệ sinh sạch sẽ phục vụ lữ khách. Để thời gian trôi qua có ích, chúng tôi thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kể những thăng trầm và kinh nghiệm tích lũy rồi hẹn nhau chia sẻ tiếp sau mỗi điểm học tập.

Đa phần các làng nghề OTOP đều được tổ chức trong một hệ sinh thái nhỏ đa chức năng phù hợp với nhiều thị hiếu: tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm, học tập thực hành (workshop), dịch vụ trải nghiệm đa dạng giúp khách thăm quan vừa thảnh thơi quan sát, tự do tiếp thu để ghi nhận riêng cho mình đặc trưng của mỗi làng nghề. Cảm nhận chung là tất cả các khâu tổ chức, điều hành cho tới sắp xếp không gian đều rất hợp lý, đảm bảo trải nghiệm của khách là xuyên suốt và tường tận. Dĩ nhiên họ không chia sẻ tất cả bí quyết làm nghề (mức độ gia nhiệt khi nhuộm vải, khâu tuyển chọn và bảo dưỡng cây giống…) hoặc chúng tôi phải đi thêm rất lâu để họ mà điều kiện chương trình không cho phép, may quá Thái Lan không xa và chúng tôi sẽ quay trở lại với những đề bài chi tiết hơn.

Ở Pun Pun - một mô hình “trở về với tự nhiên” thu hút rất đông khách quốc tế. Ảnh: earthhomethailand.com
Ở Pun Pun - một mô hình “trở về với tự nhiên” thu hút rất đông khách quốc tế. Ảnh: earthhomethailand.com

Và cách biến văn hóa bản địa thành di sản và sản phẩm lưu niệm
Và cách biến văn hóa bản địa thành di sản và sản phẩm lưu niệm

Một điểm sáng của chuyến đi là Pun Pun Organic Farm, không phải vì Pun Pun quá kỳ lạ quá tươi mới, mà vì những gì đang có ở Pun Pun và khiến nó nổi tiếng rõ ràng ở Việt Nam không hề thiếu: kỹ thuật xây nhà từ đất bùn, kỹ thuật làm men vi sinh, kỹ thuật nuôi trồng rau củ, cộng đồng những người yêu nông nghiệp thuận tự nhiên, hệ thống nước và xử lý nguồn nước… Mỗi năm có hàng ngàn người đến Pun Pun để học xây nhà, nuôi bò trồng rau, những người này sau đó quay về quê nhà hoặc tìm tới những vùng đất mới về tiếp tục thực hành nông nghiệp bền vững thuận tự nhiên. Pun Pun được hình thành và phát triển với một triết lý rất đơn giản và rất nhiều người trong chúng ta nếu đã quá quen tiện nghi đô thị sẽ thấy khó hiểu “Mọi việc cứ để tự nhiên vì cuộc đời vốn dĩ dễ dàng, sao ta phải làm nó thành ra rắc rối?”.

Ngồi trong căn nhà sinh hoạt chung của Pun Pun được xây lên từ đất bùn, chúng tôi được chia sẻ về triết lý và cách mọi người cùng nhau thực hành lối sống này. Ngoài sân là rất nhiều bạn trẻ mới đến hoặc đã ở đó khá lâu, chúng tôi nhìn họ trải qua từng phút giây của cuộc đời toàn tâm toàn ý lao động tay chân, tạm thời từ bỏ tiện nghi để tìm lại với thiên nhiên mà cảm thấy tự tin vì rõ ràng mô hình farmstay du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp nông trại ở Việt Nam hoàn toàn không thua Pun Pun. Có chăng là chúng ta chưa đầu tư vào quảng bá tập trung, chứ chất liệu hay thì không thiếu.

Chương trình OTOP

Với sản phẩm chủ yếu thuộc các ngành Thực phẩm, Đồ uống, Thủ công mỹ nghệ, Trang trí nội thất..., Chương trình OTOP được tạo ra với sự mệnh giúp người lao động thủ công và nghệ nhân làng nghề Thái Lan tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bằng những chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả ở ngay tại địa phương, ở các thành phố lớn và đặc biệt là ở các trung tâm giao thương tấp nập bật nhất khu vực. Tôi nghĩ họ đã thực sự thành công vì hầu như sản phẩm OTOP đều được nghiên cứu cẩn thận về liều lượng gia vị, màu sắc, bao bì và đóng gói hấp dẫn thú vị để mua làm quà tặng và cũng đủ bền để chất lượng sp bảo đảm và dòng đời sản phẩm dài hơn rất nhiều lần.