Một công trình nghiên cứu trên quy mô lớn ở Mỹ phân tích dữ liệu y học trong suốt 40 năm qua đã chứng minh rằng không riêng độ tuổi người mẹ mà cả tuổi tác cao của người cha cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe thế hệ con.

Những trục trặc không thể tránh khỏi do tuổi tác tích tụ trong cơ thể người cha cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái – Ảnh: Getty Images
Những trục trặc không thể tránh khỏi do tuổi tác tích tụ trong cơ thể người cha cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái – Ảnh: Getty Images

Theo Maturitas, từ trước đến nay, mọi người đều tin rằng những thay đổi sinh lý xảy ra với cơ thể phụ nữ sau tuổi 35 có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình mang thai và sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên, điều này cũng đúng cơ thể nam giới: một công trình phân tích các nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực này suốt 40 năm qua đã cho thấy tuổi tác của người cha cũng có ảnh hưởng mạnh đến thế hệ con.

Điều đáng nói là hiện vẫn không có giới hạn tuổi nhất định, đồng nhất cho tất cả mọi người khi việc làm cha mẹ có thể được coi là muộn. Thông thường, các chuyên gia y tế coi việc có con sau quãng thời gian 35 đến 45 tuổi là muộn. Tuy nhiên, do sự thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều trẻ em sinh ra từ các bậc cha mẹ đã qua tuổi thanh niên. Và nếu những mối nguy hiểm liên quan đến tuổi của người mẹ được cả chính những người mang thai và các bác sĩ nhận thức đầy đủ thì ảnh hưởng của độ tuổi người cha vẫn là vấn đề tranh luận.

Theo independent.co.uk, cả đàn ông và phụ nữ ở Mỹ ngày nay đều có con ở độ tuổi muộn hơn trước đây. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, số trẻ em sinh ra từ các bậc cha mẹ trong độ tuổi thanh niên và 20 tuổi đang giảm dần, trong khi ngày càng nhiều trẻ em được sinh ra từ cha mẹ ở độ tuổi 30 và 40. Những xu hướng này có mối liên hệ chặt chẽ với hoàn cảnh kinh tế, giáo dục và chủng tộc: phụ nữ hay đàn ông càng có học thức cao thì càng có nhiều khả năng sinh con muộn. Phụ nữ da trắng, không phải gốc châu Mỹ Latinh hayTây Ban Nha (non- Hispanic White) cũng có khả năng sinh con ở độ tuổi muộn hơn so với các bà mẹ da đen.

Trong công trình nghiên cứu mới, Gloria Bachmann và các đồng nghiệp tại Đại học Rutgers (Mỹ) đã cố gắng đánh giá và tóm tắt dữ liệu có sẵn về vấn đề này. Đáng tiếc là những dữ liệu đó xác nhận rằng những người đàn ông trên 45 tuổi muốn có con khiến đối tác nữ đối mặt với nguy cơ cao hơn trong thai kỳ, bao gồm cả nhiễm độc thai sản và sinh non. Trung bình, những đứa trẻ này nhận được điểm Apgar (chỉ số Apgar là phương pháp đơn giản và có thể thực hiện lặp lại để đánh giá nhanh chóng tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh ngay sau sinh) thấp hơn, tăng cân chậm hơn và có nhiều khả năng bị các rối loạn phát triển khác nhau. Tác động tiêu cực này vẫn tồn tại trong cuộc sống sau này, các tác giả của công trình nghiên cứu khẳng định rằng trong tương lai, những đứa trẻ này có nhiều khả năng gặp phải một số bệnh, từ ung thư đến tâm thần.

Các tác giả của công trình nghiên cứu giải thích rằng tất cả những vấn đề ấy đều do một số sai lệch không thể tránh khỏi do tuổi tác tích tụ trong cơ thể người cha. Chất lượng và số lượng tinh trùng, nồng độ testosterone giảm sút… cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái.