Khi mà các nhà khoa học Mỹ dùng loài kiến đen trên sa mạc cho cảm hứng phát minh ra robot tự điều hướng mà không cần đến hệ thống định vị vệ tinh GPS, thì mới hiểu ra rằng, sức mạnh của thiên nhiên vẫn mãi là những ẩn số mà con người mới chỉ chạm vào phần vỏ bên ngoài…

Hình minh họa. Nguồn: Internet
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Ở Học viện Đá quý Hoàng gia Campuchia, tôi được cô giáo giảng về “carat” - là đơn vị để tính toán cho kim cương và đá quý. Ai có quan tâm chút xíu tới mấy thứ xa xỉ này thì đều biết tới khái niệm “carat”. Nhưng nguồn gốc của nó thì ly kỳ hơn nhiều: hàng ngàn năm trước, trên con đường tơ lụa buôn bán xuyên lục địa của những thương nhân, mỗi vùng miền có những đơn vị đo đá quý và kim cương khác nhau, cũng như bây giờ thế giới vẫn chưa thống nhất là mile hay mét, inch hay cm vậy đó.

Nhưng có những người tài ba ở vùng Trung Đông, thường là môi giới trung gian của việc mua bán, đã chọn ra một đơn vị đong đếm đá quý một cách công bình nhất: cân theo hạt của cây carob - một loại cây gần giống với cây phượng hay cây điệp ở xứ mình. Không biết vì lẽ nhiệm màu nào, bất kỳ hạt nào của cây carob cũng có cùng một cân nặng ổn định như nhau, mà sau này người ta cân được là 0,2 gram. Và khái niệm carat ra đời từ đó, về sau này trở thành đơn vị tính trọng lượng của những thứ quý giá này trên toàn thế giới...

Nhưng chuyện chưa hết, vài trăm năm sau, những nhà buôn thời Roman, tức là khoảng thế kỷ thứ 11, 12, thấy rằng có thể tính độ tinh chất của vàng nếu cân một lượng vàng với 24 hạt cây carob. Và cho tới giờ, “vàng 24 carat” cũng vẫn tuân theo quy luật nhất quán này, ít tinh chất hơn, là 18 carat và nhỏ dần...

Vẫn chưa nghe lý giải vì sao cái hạt cây carob lại kỳ diệu đến vậy, chỉ có thể là sức mạnh của đất trời, mang đến một công cụ hữu ích cho con người, và vì hữu ích, nên được dùng mãi về sau.

Chuyện hạt giống cây carob, làm nhớ tới hạt giống của quả dưa hấu mà truyền thuyết kể rằng Mai An Tiêm tìm được trên đảo hoang. Nhờ đó, mà trái dưa hấu được truyền từ vùng đất xa xôi nào đó đến đất liền Việt Nam, mãi đến giờ vẫn là thứ trái cây quan trọng trên bàn thờ những ngày Tết cổ truyền.

Hạt giống quý giá là vậy, cớ sao ông bà mình lại xếp “nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống”? Tôi không chắc, nhưng tự lý giải theo cách của mình, liên quan đến một trải nghiệm khác: chuyện ở làng rau Trà Quế.

Ở Trà Quế, cái làng rau nhỏ xíu ven phố cổ Hội An, có hai ông bà gần 100 tuổi, tên là Sinh và Lợi. Và suốt những tháng năm tôi sống ở đây, họ là những người gần như duy nhất là việc “giữ hạt giống lại cho mùa sau”. Tức là cứ mỗi luống rau, họ chừa lại những cây tốt nhất, để nó lớn lên, trổ hoa, già và khô đi để cho hạt giống. Còn lại, hầu như những người nông dân mới, chọn giải pháp lười biếng hơn: đi mua hạt giống ngoài chợ, vốn chẳng ai kiểm chứng được chất lượng, và chắc chẳng thể tích luỹ được những tháng năm kinh nghiệm trong tế bào gốc để hiểu về vùng đất này như những hạt giống cũ. Bởi vậy, ngày xưa ông bà lưu giống, nên chẳng cần gọi hạt giống là thứ quan trọng đầu tiên nữa, thời nay, chắc là đã khác...

Nói chuyện đời xưa, tự dưng nhớ có lần vừa chạy bộ vừa nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng pháp thoại, có đoạn nói về những hạt giống bình an, hạnh phúc, những hạt giống Phật luôn có sẵn trong mỗi người chúng ta. Chỉ là chúng ta có tưới tắm tâm hồn mình để những hạt giống này được sinh sôi nảy nở hay không thôi, hay chúng ta thích để những bụi cây lười biếng, giận dữ tha hồ mọc hoang như cỏ dại?