Đã qua rồi cái thời nói vui “Việt Nam không sản xuất được con ốc vít”, khi mà hàng loạt các doanh nghiệp Việt đường hoàng xuất khẩu những sản phẩm nhiều chất xám của mình sang những thị trường khó tính nhất, chẳng hạn Nhật Bản. KH&PT hỏi chuyện ông Nguyễn Mạnh Dũng, tổng giám đốc Namilux, người cung cấp bếp ga cho gia đình Nhật Bản.

Thưa ông, vì lý do gì mà ông chọn con đường sản xuất định hướng xuất khẩu, mà lại xuất khẩu sang Nhật Bản – một thị trường khó tính nhất, trong khi thị trường Việt Nam vẫn còn đủ rộng lớn để một doanh nghiệp phát triển tốt?

Namilux đến với thị trường Nhật là tình cờ và do đối tác Nhật chủ động, tuy nhiên đến nay Namilux thật sự rất cảm ơn đối tác Asahi Nhật vì đã cho chúng tôi cơ hội hợp tác cùng phát triển. Năm 2000 khi nhà máy Namilux đi vào sản xuất, lúc đó thị trường nội địa rất lớn và rất dễ dãi về chất lượng, nhưng nếu chúng tôi chọn con đường dễ dãi thì Namilux không thể tồn tại và phát triển như hôm nay vì khuynh hướng lâu dài luôn luôn là chất lượng.

Ông từng bảo rằng, sản xuất một cái bếp gas cũng giống như 1.000 cái hay 1 triệu cái đều đạt chất lượng giống nhau, đó tất nhiên là điều ai cũng mong muốn. Nhưng hành trình từ đoạn “mong muốn” đến “thành hiện thực” của việc này là không đơn giản. Ông có thể miêu tả lại con đường mình đã đi qua để đạt được điều này?

Để làm được 1 cái như 1 triệu cái, trước tiên chúng ta phải hiểu tiêu chuẩn là gì (TCVN bếp ga có sẵn nhưng chưa chắc ai cũng hiểu rõ, vì muốn hiểu phải được học và phải có thiết bị chuyên dùng để đo đạc). Thứ hai, phải biết làm cách nào để cải tiến đạt được tiêu chuẩn nếu sản phẩm không đạt, điều này cũng cần được học. Sau khi làm được hai điều này thì việc thứ ba là phải huấn luyện mọi cán bộ nhân viên trong nhà máy hiểu và làm đúng quy trình, việc còn lại là phải giám sát để phát hiện người làm sai để đưa biện pháp ngăn ngừa. Việc này chúng tôi đã làm liên tục trong 15 năm và vẫn phải tiếp tục trong thời gian tới.

Phòng kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Namilux
Phòng kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Namilux

Namilux ngoài thị trường trong nước thì còn xuất khẩu sang 15 nước. Mà mỗi nước thì sẽ có những tiêu chuẩn, quy định chất lượng… rất khác nhau. Làm sao ông có thể đáp ứng được nhiều những tiêu chuẩn đến vậy?

Cốt lõi tiêu chuẩn bếp ga của các nước trên thế giới hầu như giống nhau 90%, chỉ khác là một số nước có thu nhập cao sẽ có yêu cầu khắt khe hơn, tiêu chuẩn sẽ khó hơn, đối với tiêu chuẩn bếp ga các nước thì hiện tại Nhật là cao nhất, vì vậy nếu lấy được tiêu chuẩn Nhật (JIA) thì các tiêu chuẩn khác hầu như không có vấn đề.

Nhưng đó không hề là chuyện đơn giản. Khi muốn làm và xuất sản phẩm sang Nhật, chúng tôi phải gửi 50 bếp cho cơ quan kiểm định JIA (Nhật Bản) họ kiểm tra từ A đến Z theo quy định an toàn thống nhất của JIA. Nếu đạt họ cấp cho mình giấy chứng nhận cho phép sản xuất. Sau đó họ lại tiếp tục tái kiểm tra sau 6 tháng (dù có sản xuất hay không) hoặc sau khi sản xuất 50.000 bếp tùy theo điều kiện nào đến trước, sau đó doanh nghiệp phải đăng ký lại nhưng chỉ cần 5 bếp thay vì 50 bếp như lần đầu. Kiểm tra thứ 2 là kiểm tra xuất hàng ,được thực hiện tại nhà máy Namilux, JIA rút mẫu ngẫu nhiên 175 bếp để kiểm tra cho mỗi lô sản xuất 10.000 bếp, nếu đạt thì lô hàng mới được xuất. Bên cạnh đó, mỗi năm 2 lần họ đến nhà máy kiểm tra trong tất cả các quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng xem doanh nghiệp tuân thủ như thế nào. Nếu họ phát hiện sai, mình phải giải trình và đưa ra biện pháp, sau đó họ sẽ ghi nhớ lỗi này, những lần sau họ luôn kiểm tra kỹ điểm lỗi của mình. Khi làm cho Nhật, họ kiểm tra dù bị lỗi một cái trên hàng ngàn sản phẩm họ cũng sẽ báo về cho JIA. Ngoài ra trong quá trình sử dụng nếu bị khách hàng khiếu nại thì JIA sẽ yêu cầu nhà sản xuất giải trình, nếu thuộc về nhà sản xuất thì sẽ phải bồi thường cho khách hàng và đưa phương án sửa lỗi cho JIA duyệt, trường hợp nặng nhất là phải thu hồi toàn bộ sản phẩm đã xuất bán và rút giấy phép sản xuất.

Có bao giờ ông bị đối tác làm khó về tiêu chuẩn của mình chưa?

Tiêu chuẩn nước ngoài rõ ràng và nhất quán, vì vậy nếu sản phẩm mình đạt yêu cầu (trước khi đăng ký mẫu bếp thì Namilux sẽ tự kiểm tra bằng thiết bị tiêu chuẩn tự trang bị) nếu kết quả tự kiểm tra đạt thì hầu như sản phẩm được cấp giấy chứng nhận. Nếu họ loại thì phải nói rõ lý do, Namilux có thể tự thử nghiệm lại.

Hiện nay, song song với việc tự do hóa thương mại, nhiều quốc gia cũng tạo ra các rào cản kỹ thuật để hạn chế bớt việc nhập siêu của mình. Namilux có từng đối diện với việc này không? Nếu có, ông đã vượt qua bằng cách nào?

Để tạo rào cản kỹ thuật thì chỉ có các nước tiên tiến, họ sẽ đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn (nhưng phải hợp lý) để các nước khác không theo kịp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của nước sở tại cũng phải thực hiện bình đẳng như các nước xuất khẩu, tức là doanh nghiệp trong nước cũng bị loại nếu không đạt.

Chiến lược của Namilux về tiêu chuẩn chất lượng là gì?

Giữ vững tiêu chuẩn chất lượng và không ngừng nâng cao tiêu chuẩn theo yêu cầu cải tiến của thế giới.

Ông cho rằng, tại Việt Nam, Nhà nước có nhiều kiểm định, như kiểm định xe nhưng nhiều sản phẩm khác thì chưa làm được mà bàn giao cho nhiều đơn vị khác. Theo ông thì nhà nước nên làm gì trong câu chuyện tiêu chuẩn để doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong con đường xuất khẩu hàng hóa?

Theo tôi, ngày nào nhà nước chưa đưa tiêu chuẩn thành quy chuẩn áp dụng bắt buộc và giúp doanh nghiệp được tiếp cận tiêu chuẩn bao gồm cách hiểu và thực hành (tất nhiên là có thu phí) và thực hiện luật chất lượng nghiêm túc thì chất lượng hàng Việt Nam khó có thể phát triển đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.

Xin hỏi một câu cuối, là người theo đuổi các tiêu chuẩn về sản phẩm. Ông có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào đối với quản trị doanh nghiệp và quản trị bản thân mình không ạ?

Tất nhiên là có, tùy theo sức lực của mình. Namilux sẽ luôn đưa ra các bếp đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để đáp ứng yêu cầu sử dụng an toàn cho khách hàng. Bản thân tôi thì làm việc gì cũng nghĩ đến trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!