Một nghiên cứu mới đã gợi mở lịch sử của loài người có thể được “ghi chép” lại trong những thân cây rừng nhiệt đới Amazon. Trong đó, các vòng gỗ bên trong thân cây chính là nhân chứng cho các hoạt động quản lý và khai thác rừng của con người.

Là một trong những nguồn trữ cacbon lớn nhất thế giới, có vai trò điều hòa khí hậu toàn cầu, song những rừng cây nhiệt đới hiện đang bị xóa sổ với tốc độ khủng khiếp. Môi trường sống của động vật bị san bằng để dọn chỗ cho các đồn điền khai thác và đồng cỏ chăn gia súc.

Một phương thức kiểm soát diện tích rừng truyền thống khác có thể kể đến việc mở rộng tán cây bằng cách chặt hạ một số cây được chọn, đủ để ánh sáng có thể lọt vào và giúp các loài sinh vật phát triển. Các hình thức này khá tương tự với các khái niệm như nông-lâm kết hợp (agroforestry) hoặc rừng kết hợp vườn trồng trọt (edible garden), có tác dụng duy trì sự đa dạng sinh thái tương đối cao, cũng như bảo toàn được cacbon trong đất và lưu trữ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, những hiệu quả này dần mất đi khi chuyển đổi sang hình thức đồn điền công nghiệp hay trang trại chăn nuôi.


Các biện pháp kiểm soát rừng truyền thống khuyến khích đa dạng sinh thái, trong khi các phương thức hiện đại tàn phá hệ sinh thái. Ảnh: Caeteno-Adrade.

Trong quá khứ, các cộng đồng thổ dân bản địa đã thực hiện các biện pháp quản lý rừng truyền thống trên những diện tích rừng rộng lớn, và hoạt động của họ đã được ghi lại bên trong từng thân gỗ. Ngược lại với suy đoán rằng cây rừng nhiệt đới có vòng đời ngắn, chỉ chưa đến 400 năm, một nghiên cứu gần đây đã cho thấy chúng có thể tồn tại rất lâu và có thể lưu giữ lịch sử của 1,000 năm bên trong những thân gỗ của mình.

Cách đo tuổi của cây qua đếm số vòng gỗ bên trong vỏ cây vốn là khái niệm khá quen thuộc: một vòng gỗ thường tương đương với một năm tuổi, và cứ như vậy có thể đếm số năm. Trong đó, các vòng xếp dày hơn có xu hướng biểu thị một năm với những điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng, chẳng hạn như nguồn ánh sáng và nước dồi dào. Ngược lại, các vòng thưa hơn là dấu hiệu của một năm hạn hán, các cây phải cạnh tranh với nhau để giành lấy nguồn tài nguyên nghèo nàn.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu tuổi thọ cây đã xác định được hơn 200 giống cây nhiệt đới có khả năng tạo vòng cây theo chu kỳ năm, ngoại lệ so với đa số các loài cây rừng nhiệt đới. Thông thường, những vòng gỗ rộng sẽ phản ánh lượng mưa lớn trong năm. Tuy nhiên, nhiều loài cây vẫn có sự tăng trưởng mạnh nếu cường độ ánh sáng tăng. Chúng được gọi là sự kiện giải phóng (release event), xảy ra khi một số cây bị chặt hạ, cho phép nhiều ánh sáng xuyên qua tán cây hơn. Việc phát hiện ra những cây này sẽ giúp các nhà nghiên cứu nhận diện và ghi lại thời gian của các mốc phá rừng trong quá khứ. Tại rừng nhiệt đới Amazon, những ghi chép này sẽ hỗ trợ giới khoa học tìm hiểu về quy mô khổng lồ của ngành nông nghiệp và phương thức quản lý rừng thời kỳ tiền Colombo.

Chiết thân để đo tuổi của cây.Ảnh: Caeteno-Adrade

Các vòng gỗ cũng lưu lại bằng chứng về biến đổi khí hậu qua các đồng vị oxy và cacbon bên trong ruột gỗ. Các đồng vị cacbon có xu hướng phản ánh nguồn ánh sáng và các yếu tố liên quan tới quang hợp, trong khi đồng vị oxy đánh dấu sự thay đổi về nguồn nước và lượng mưa hàng năm. Các nghiên cứu về đồng vị cũng đã chứng minh sự hoang tàn của Angkor Wat vào thế kỷ 14 xảy ra trùng khớp với một vụ hạn hán nghiêm trọng.

Lịch sử của rừng cũng đã được ghi nhận trong một nghiên cứu DNA mới. Các loài cây bị chặt phá nhiều sẽ được trải qua một quy trình gọi là “cổ chai di truyền”, trong đó nguyên liệu di truyền sẽ dần biến mất khi các cá thể cây chết đi hoặc không thể sinh sản và duy trì nguồn gen, khiến nguồn gen bị giới hạn.

Các nhà nghiên cứu dự kiến có thể thấy xu hướng tương tự ở các loài cây chịu nhiều ảnh hưởng từ việc đốn gỗ hoặc đốt rừng của người cổ đại. Bên cạnh đó, ngành di truyền học cũng có thể xác định các loài cây được con người nhân giống sang nhiều nơi, chẳng hạn như cây quả hạch Brazil.

Và ngày nay, những cây còn sống vẫn đang tiếp tục ghi lại lịch sử trước hoạt động của con người. Việc tái tạo rừng giống như cách mà người cổ đại đã làm vẫn có thể diễn ra, nhưng chỉ khi các chỉ số tàn phá rừng ngừng tăng lên và lá phổi xanh của Trái đất được “thở”.

Nguồn: https://theconversation.com/amazon-trees-write-autobiographies-preserving-human-history-in-their-wood-131066