Khẳng định ảnh hưởng của các nhà máy điện gió bị đánh giá thấp, các nhà khoa học không kêu gọi từ bỏ điện gió, nhưng đề nghị không xây dựng các nhà máy điện gió ở những vùng hoang dã, mà hãy xây dựng chúng chủ yếu ở những môi trường đã bị thay đổi bởi con người, như gần thành phố chẳng hạn.

Nhà máy điện gió làm giảm số lượng các loài động vật sống xung quanh nơi nó được xây dựng và vận hành - Ảnh : PxHere

Nhà máy điện gió làm giảm số lượng các loài động vật sống xung quanh nơi nó được xây dựng và vận hành - Ảnh : PxHere

Theo tạp chí Nature Ecology & Evolution, các nhà khoa học đã so sánh vai trò của các nhà máy điện gió với loài động vật ở phía trên cùng của chuỗi thức ăn. Được biết, chuỗi thức ăn là một dãy gồm nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau, loài đứng trước là thức ăn của loài đứng sau. Mỗi loài được coi là một mắt xích trong chuỗi thức ăn, vừa là sinh vật tiêu thụ mắt xích phía trước nhưng cũng bị sinh vật mắt xích phía sau tiêu thụ.

Theo phân tích mới của các nhà khoa học, các cánh quạt của chúng gây hại cho chim, gây ra cái gọi là “hiệu ứng thác” trong các hệ sinh thái vốn không được tính đến khi xây dựng các nhà máy điện gió.

Năng lượng gió là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của năng lượng tái tạo. Hiện nay, năng lượng gió cung cấp khoảng 4% sản lượng điện của thế giới. Các nhà máy điện gió chiếm diện tích khoảng 17 triệu hecta. Những người ủng hộ các công nghệ điện gió thường tuyên bố các trạm điện gió vô hại đối với động vật hoang dã. Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học khẳng định ảnh hưởng của các nhà máy phát điện gió bị đánh giá thấp.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu những thay đổi do tuabin gió gây ra ở khu vực miền núi Ghat ở Tây Ấn Độ. Nơi này được biết đến với vẻ đa dạng sinh học cao và là Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Hóa ra, số chim săn mồi ở những nơi có máy phát điện gió ít hơn 4 lần so với những nơi khác.

Hơn nữa, sự thay đổi số lượng những loài chim săn mồi đã thay đổi đáng kể mật độ và hành vi của các loài là nạn nhân của những con chim này. Đặc biệt, các nhà khoa học đã nhận thấy sự tăng trưởng bùng nổ về số lượng thằn lằn Sitana ponticeriana, như thể chúng sống trong một khu vực không có kẻ thù.

Maria Takir ở Viện nghiên cứu Ấn Độ, tác giả chính của công trình nghiên cứu chia sẻ rằng các nhà máy điện gió đang gây ra những thay đổi trong sự cân bằng của các loài động vật trong hệ sinh thái, như thể chúng là những kẻ săn mồi cao nhất, nhưng không theo nghĩa giết hại mà theo nghĩa làm giảm số lượng các loài động vật xung quanh các nhà máy điện gió.

Các tác giả của công trình nghiên cứu không kêu gọi từ bỏ điện gió, nhưng đề nghị cẩn thận lựa chọn địa điểm xây dựng, đặc biệt, không xây dựng các nhà máy điện gió ở những vùng hoang dã, mà hãy xây dựng chúng chủ yếu ở những môi trường đã bị thay đổi bởi con người,như gần thành phố chẳng hạn.