Hệ thống vườn nổi được Tổ chức Lương - Nông thế giới (FAO) xem như một phương thức canh tác quan trọng trên toàn cầu để hàng triệu nông dân các vùng ven biển có thể tồn tại trước tình trạng nước biển dâng cao, gây ngập mặn, lụt lội.

Nông canh trên mặt nước

Các chuyên gia ước tính, ở châu Á, khi nước biển dâng cao, đời sống của hàng triệu nông dân sẽ bị đe dọa, thậm chí có thể tạo ra các cuộc đại di cư. “Thật khó có thể tưởng tượng nông dân sẽ sống ra sao. Ở những nơi bị ngập lụt và chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng, người dân sẽ có rất ít sự lựa chọn” - Tapas Paul thuộc Ngân hàng Thế giới nói.

 Vườn nổi ở làng Baithakatha, huyện Pirojpur, Bangladesh. Ảnh: Wikimedia
Vườn nổi ở làng Baithakatha, huyện Pirojpur, Bangladesh. Ảnh: Wikimedia

Không chịu ngồi yên trước tình trạng trên, nhiều nơi đã có những cách thức canh tác nông nghiệp độc đáo để sống chung với lũ, với mặn. Điển hình là Bangladesh - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng - đã kết hợp với các tổ chức trên thế giới cùng người dân để canh tác, trồng cây nông nghiệp ngay trên những vùng nước ngập.

Từ những năm 2005- 2007, một số tổ chức phi chính phủ như Care/Iucn và Practical Action đã triển khai mở rộng mô hình làm vườn nổi đối với hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng ngập nước phía nam Bangladesh.

Bằng việc sử dụng các vật liệu sẵn có như bèo tây, tre, can nhựa hay các vật liệu nổi khác cùng với đất để qua mưa cho giảm bớt độ nhiễm mặn và phân bò, nông dân tại đây có thể kết thành các bè nổi trên nước, gieo hạt và trồng cây tại đó. Thậm chí, trên các nông trang nổi còn thiết kế cả pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện khi cần.

Trên khu vườn nổi này, người dân có thể trồng hàng chục loại rau quả khác nhau như dưa chuột, đậu, bầu, mướp, cà tím, cà chua, xúplơ, củ cải, càrốt, gừng và tỏi. Không những thế, nhờ bảo vệ được cây trồng khỏi bị hư hại khi ngập nước do lũ lụt hay triều cường nên việc canh tác trên các vườn nổi còn có thể đem lại năng suất gấp nhiều lần.

“Năng suất trên trang trại nổi này cao hơn 10 lần so với năng suất nông nghiệp dựa trên đất truyền thống ở khu vực đông nam Bangladesh” - Papon Deb - quản lý dự án của Hiệp hội Phát triển nguồn lực vùng đất ngập nước (WRDS) - cho biết.

Ngoài trồng rau, nông dân còn có thể tăng gia bằng cách nuôi gia cầm, thả cá, tôm ở khu vực vườn nổi. Cách kết hợp này giúp họ có thêm thực phẩm, tăng thu nhập nhờ bán trứng, gia cầm, cá, tôm.
Nhờ cách làm này, nông dân ở các vùng ven biển, ven các cửa sông ở phía nam Bangladesh đã có thể cải thiện và ổn định được cuộc sống ngay trên vùng bị ngập nước.
“Với dự án này, có hơn 1.000 dân làng đang tham gia và ngày càng ít người di cư lên thành phố” - Papon Deb cho biết khi áp dụng các dự án vườn nổi ở làng Chandra phía tây nam của Bangladesh.

Rất dễ nhân rộng

Nông dân các vùng bị nước dâng xâm lấn đất nông nghiệp có thể dễ dàng áp dụng mô hình canh tác vườn nổi, vì thiết kế không quá phức tạp và chi phí cũng rất rẻ nhờ tận dụng được các vật liệu sẵn có. Nhà nghiên cứu Rezaul Haq của WRDS cho biết, để xây dựng một bè nổi gieo trồng cần khoảng 3USD cho chi phí nhân công và hạt cây; nếu phải mua tre và lưới thì cần khoảng 9USD. Các vật liệu làm vườn nổi có thể được tái chế và không gây ra ô nhiễm. Khi hết mùa hè có nước lũ, triều cường gây ngập úng, nông dân có thể tái sử dụng các vật liệu trên bè nổi để gieo trồng vào mùa đông.

“Phương pháp này có thể mở rộng khả năng gieo trồng ở các cộng đồng nông thôn có đất bị ngập nước. Đây cũng là cách canh tác rẻ và bền vững” - tổ chức Practical Action cho biết.
Hệ thống nông canh trên mặt nước kể trên của nông dân Bangladesh trong năm 2015 cũng được FAO công nhận là một trong những hệ thống di sản nông nghiệp có tầm quan trọng toàn cầu.

Tất nhiên, quá trình nhân rộng cũng cần tính đến các yếu tố phù hợp với địa phương và mùa vụ. Chẳng hạn ở những nơi có ít bèo hay tre, có thể tìm các vật liệu nổi khác để thay thế. Việc kết hợp các cơ cấu cây, con để luân canh cho linh hoạt và phù hợp với đất nhiễm mặn cho mô hình vườn nổi cũng rất cần thiết.

“Thách thức chính hiện nay là phát triển các kỹ thuật mới để áp dụng mô hình vườn nổi cho những vùng ven biển bị ngập mặn. Mùa vụ tận dụng từ nước mưa trên các vườn nổi kết hợp với phát triển canh tác kháng mặn đang là nghiên cứu triển vọng cho các khu vực này” - Harun Rashid - Đại học Wisconsin-La Crosse (Mỹ) nhận định.

Báo cáo của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ước tính: Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng tới 12 triệu người tại 23 thành phố ven biển ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở khu vực Nam và Đông Nam Á, có 250 triệu người dân nông thôn của Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam chịu ảnh hưởng - trong đó 2 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tới năm 2050, có thể 3 triệu dân đồng bằng Ganges-Brahmaputra-Meghna (Bangladesh) và khoảng 7-8 triệu dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) không còn chỗ ở. Trong khi đó FAO cho biết, khi nước biển dâng 1m gây ngập úng, tình trạng nhiễm mặn sẽ khiến khoảng 2,6 triệu hécta đất nông nghiệp ở Việt Nam bị ảnh hưởng.