Những câu chuyện nức tiếng về Victor Lustig khiến bạn phải thốt lên: Làm sao nạn nhân lại cả tin đến thế cơ chứ! Dù nghe hoang đường đến mấy, những phi vụ này đều có thực.

.

Ngày định mệnh ấy rơi vào tháng Năm năm 1935, khi trời nhập nhoạng tối, Victor Lustig sải bước dọc con đường Broadway hoa lệ. Trời đủ tối, và Lustig đủ tài tình để khiến đặc nhiệm thuộc Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ không dám chắc người đàn ông kia là kẻ họ muốn bắt giữ. Bảy tháng trời theo đuôi người đàn ông bí ẩn, các đặc vụ sử dụng hết tài cán để lần theo từng manh mối dù là nhỏ nhất. Trên mặt Victor Lustig là một bộ ria mới nuôi, khả năng cao chính thứ “phụ kiện” này khiến các mật vụ thoáng chút bối rối.

Lustig kéo cao cổ áo nhung lên, bước rảo chân lên như thể đang chạy trốn thứ gì đó. Không đợi đến lúc những bước đi nhanh biến thành bước chạy, các mật vụ ập tới.

Bị bao vây tứ phía, Victor Lustig nở một nụ cười lớn, ngoan ngoãn giao cho cơ quan chức năng cái vali đóng kín. Nhiều năm trời lần dấu người đàn ông này, bảy tháng dài nhận dạng và theo đuôi con cáo già bí ẩn, cuối cùng cơ quan hành pháp đã có cơ hội chạm mặt kẻ mang biệt danh “Bá Tước - the Count”, cái tên Victor Lustig đã tự gây dựng cho mình bằng một vẻ ngoài bảnh bao, cử chỉ khéo léo và thái độ đúng chừng mực tới mức không ai mảy may nghi ngờ. Đối diện với một loạt câu hỏi trong phòng thẩm vấn, hắn bình thản trả lời các câu hỏi, không để lộ một liên kết nào giữa mình và bất kỳ tội danh nào được đưa ra.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 1.

Mật vụ mở tung cái vali mà Lustig cầm theo người khi bị bắt, họ đã nghĩ mình sẽ tìm thấy tiền giả - bằng chứng không thể chối cãi về tội lừa đảo của hắn, nhưng rồi thất vọng khi thấy vali chỉ chứa toàn thứ quần áo đắt tiền, không liên quan tới vụ án. Lục soát áo khoác của Victor Lustig, các thanh tra tìm thấy một cái ví, bên trong là một chiếc chìa khóa bí ẩn.

Victor Lustig từ chối cho biết mục đích của chiếc chìa khóa, nhưng rồi bên điều tra cũng lần ra dấu vết. Chiếc chìa cũ dẫn họ tới nhà ga tàu điện ngầm bên dưới Quảng trường Thời đại, vừa khít với một tủ đồ bụi bặm, để rồi mở ra một kho tàng bên trong: 51.000 USD tiền giả cùng tấm bảng khắc mà Victor Lustig đã sử dụng để in tiền.

Cuối cùng Cơ quan Mật vụ cũng đã có bằng chứng đanh thép để buộc tội kẻ vẫn đang bình thản ngồi chờ trong phòng thẩm vấn. Victor Lustig, kẻ bị truy nã toàn Châu Âu và khắp các bang nước Mỹ, đã thực hiện những phi vụ lừa đảo hoành tráng, kỳ dị đến kinh ngạc, đã bị bắt. Nghe xong những câu chuyện lừa đảo của Lustig, ta chỉ biết tặc lưỡi tự hỏi rằng “thế quái nào mà nạn nhân ngây thơ đến thế”.

Bá tước Lustig đã cả gan rao bán tháp Eiffel cho các tay buôn sắt vụn, thậm chí còn mở bán tới … hai lần, nhiều lần bán thành công một chiếc hộp được quảng cáo là có thể in ra những bản sao hoàn hảo của tờ 100 USD, thậm chí hắn còn dám lừa một trong những tay trùm mafia giàu có và nguy hiểm nhất lịch sử nước Mỹ - Al Capone. Tinh ranh như Al Capone cũng chẳng biết là mình đã bị lừa.

Bá tước ạ”, một mật vụ nói với Lustig, “ông là gã lừa đảo lễ độ nhất từng sống trên đời”. Victor Lustig mỉm cười nhẹ, đáp rằng: “Tôi sẽ không nói vậy đâu. Suy cho cùng, các vị mới là những người lừa được tôi vào tù”.

Cho dù bị buộc một loạt tội danh lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, tàng trữ tiền giả và công cụ làm tiền giả, Victor Lustig vẫn bình thản tìm cách … trốn tù. Hắn bị giam giữ tại Trụ sở Giam giữ Liên bang tại New York - nơi được coi là không thể trốn thoát vào thời điểm đó, để sẵn sàng hầu tòa vào ngày 2 tháng Chín năm 1935. Thế mà một hôm trước khi phiên tòa diễn ra, Victor Lustig đã lại biến mất tự lúc nào.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 2.

Năm 1890, đế quốc Áo-Hung chứng kiến sự ra đời của cái tên sẽ đi vào trang sử nhơ nhuốc của kẻ phạm tội. Suốt thời đi học, Victor Lustig chưa bao giờ bị đánh giá kém ở khoản đèn sách, thế nhưng đi kèm với trí thông minh là trí khôn trước tuổi của Lustig, kèm theo những rắc rối của tuổi mới lớn. Lên 19 tuổi, Victor Lustig qua lại với “hoa đã có chủ”, nhận về vết sẹo đầu đời nơi má trái, gây ra bởi một người đàn ông đang chất đầy ghen tuông.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 3.

Rời khỏi con đường học hành, tài sản lớn nhất mà Lustig lưu giữ được là khả năng nói lưu loát nhiều thứ tiếng. Nhưng thay vì sử dụng tài năng để kiếm cơm một cách hợp pháp, hắn có một suy nghĩ khác: Còn chỗ nào kiếm tiền dễ hơn một con tàu biển có thể đưa mình đi xuyên lục địa?

Với một tài năng đàm thoại lưu loát nhiều thứ tiếng, một vẻ ngoài bảnh bao, Lustig bắt chuyện với một loạt các doanh nhân thành đạt có mặt trên chuyến tàu biển, lên cho mình danh sách những đối tượng tiềm năng.

Bằng miệng lưỡi khéo léo, Lustig “để lộ” cho hành khách biết rằng mình đang sở hữu một cỗ máy in tiền đặc biệt, thứ sau này được gọi với cái tên “hộp tiền - money box” hay “chiếc hộp tới từ Rumani - Rumanian Box”.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 4.

Lustig giới thiệu với các mục tiêu của mình rằng đây là chiếc hộp có thể đem lại cho họ gia sản kếch xù của tiền giả, nó có thể in ra một bản sao hoàn hảo của bất cứ thứ tiền nào, điểm trừ của cái hộp là … phải mất 6 tiếng mới đưa ra được một sản phẩm, bởi hộp còn phải vận hành “một loạt phản ứng hóa học” phức tạp. Rumanian Box mang dáng vóc của một cái hòm, được làm từ gỗ gụ và chứa bên trong một vài thứ máy móc trông có vẻ phức tạp. Trên hộp là hai khe, một để nhét tiền và một để nhét giấy trắng, trong hộp là một số cần gạt phải được vận hành một cách tỉ mỉ để in được tiền.

Để thuyết phục đối tượng rằng hộp này thực sự hoạt động được, Lustig sẽ yêu cầu họ đưa cho mình một mệnh giá tiền cụ thể, để đưa vào hộp cùng với giấy in. Lustig sẽ trực tiếp ngồi chờ với đối tượng suốt 6 tiếng đồng hồ để cùng chứng kiến tờ 100 USD “giả” xuất hiện từ cỗ máy, sau đó đi cùng cả nhóm đối tượng tới ngân hàng để chứng thực giá trị của tờ tiền mới chui ra từ Hộp tiền Rumani.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 5.

Ngân hàng xác nhận tờ tiền là hàng thật, hiển nhiên rồi, vì đây là tờ tiền mà Lustig đã giấu trong cỗ máy ngay từ đầu. Đến lúc đối tượng cắn câu, tin vào năng lực đặc biệt của cái hộp, hắn vẫn tiếp tục làm cao: chỉ trao cái hộp cho người đưa ra cái giá đủ thỏa mãn được lòng tham của hắn. Trong hộp là một loạt các tờ tiền khác nữa, để đối tượng “in tiền” chán chê rồi mới phát hiện ra hộp không hoạt động. Trong khoảng thời gian đó, hắn đã cao chạy xa bay.

Sau mỗi chuyến du hành như vậy, hắn bỏ túi khoảng 10.000 USD, có khi gấp tới vài ba lần số đó. Sự kiên nhẫn, tính cẩn thận của Victor Lustig đi kèm với vẻ ngoài bảnh bao và một cái miệng dẻo đã gặt hái về cho hắn những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 6.

Nghe nực cười vô cùng, nhưng cứ nhìn người ta tròn mắt nghe theo những lời lẽ đường mật của bán hàng đa cấp và lừa đảo “tiền ảo”, rồi xét tới trình độ của Victor Lustig, bạn sẽ phải gật đầu công nhận rằng con cáo già này thực sự tinh khôn. Và quan trọng hơn, trò bịp này thành công ngoài sức tưởng tượng, thậm chí hắn còn suýt bán được tháp Eiffel tới hai lần.

Năm 1925, Victor Lustig tìm đường tới Pháp. Thời điểm này, người dân Paris bị chia làm hai nửa: một bên cho rằng phải cố hết sức mà giữ lấy tòa tháp cao nhất thế giới (ở thời điểm bấy giờ), biểu tượng của nước Pháp, cũng như nhân chứng lịch sử của bao biến cố thăng trầm; một bên lại cho rằng chi phí bảo trì tháp quá ư đắt đỏ, đống sắt vụn ngày một gỉ sét nên được gỡ xuống. Trong số những người đề nghị tháo dỡ tháp Eiffel, có những cái tên nổi tiếng như hai đại văn hào Alexandre Dumas và Guy de Maupassant.

Mọi tờ báo Paris đều đưa mẩu tin sốt dẻo, người thường nhìn vào sẽ thấy vấn đề nhức nhối của xã hội Pháp thời bấy giờ, còn Victor Lustig nhận ra cơ hội làm giàu. Đây chính là trò lừa đảo khiến người ta để ý tới tên lừa đảo Victor Lustig.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 7.

Hắn bắt tay vào nghiên cứu thị trường … đồng nát - là các con buôn sắt vụn trong khu vực, thuê một xưởng làm giấy tờ giả nhằm biến bản thân thành Phó Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông của Pháp. Dưới danh nghĩa làm việc cho chính phủ Pháp, Lustig mời một loạt các con buôn sắt vụn địa phương tới khách sạn 5 sao Hôtel de Crillon. Từ đây, Lustig thuê xe limousine chở các đối tượng tham quan tháp, mục đích chính là để quan sát những đối tượng tiềm năng, tìm ra con mồi thích hợp.

Sau khi dùng bữa, họ lui về một phòng kín để bàn chuyện "đại sự". Lustig thuyết phục những người tới nghe về chi phí bảo trì tháp Eiffel đã trở nên quá cao, tới mức chính phủ quyết định tháo dỡ tháp để lấy phế liệu. Thế nhưng việc dỡ tháp - biểu tượng của cả nước sẽ là một chủ đề vô cùng nhạy cảm, sẽ khiến cộng đồng có phản ứng dữ dội, nên mọi chi tiết được nêu lên trong phòng kín này đều là bí mật quốc gia, sẽ được giữ kín cho tới khi mọi chuyện xong xuôi.

Với tư cách là người đứng đầu dự án tối mật của chính phủ, Lustig thuyết phục những người có mặt trong phòng là những “doanh nhân trung thực” nhất Paris. Những lời đường mật của Lustig bao gồm tâng bốc họ rằng tất cả đều đã được lựa chọn rất cẩn thận, và những cái đầu sáng giá này sẽ thấy rõ sự khác biệt của tháp Eiffel so với những công trình lịch sử, như Nhà thờ Đức Bà Paris - Notre-Dame de Paris hay Khải Hoàn Môn - Arc de Triomphe.

Trong số những con buôn sắt vụn “may mắn” được triệu tập, André Poisson tỏ ra hứng thú với giao kèo này nhất. Việc liên tục đặt ra câu hỏi liên quan tới tháp Eiffel, cùng với lai lịch của một doanh nhân tự ti, mong muốn trúng quả lớn để khẳng định mình với đồng nghiệp, đã đưa Poisson vào tầm ngắm của Victor Lustig.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 8.

Vị Phó Bộ trưởng “hờ” đưa ra yêu cầu gặp riêng André Poisson, thủ thỉ với vị doanh nhân rằng bản thân mình là một quan chức nghèo, lương nhà nước không đủ tiêu, và rằng việc chọn ra doanh nhân sẽ mua tháp Eiffel quan trọng vô cùng. Poisson sáng dạ lắm, ngay lập tức hiểu ý vị Phó Bộ trưởng, chấp nhận đưa tiền hối lộ để thương vụ mua tháp Eiffel được diễn ra trót lọt. Poisson sẽ đưa trước cho vị Phó Bộ trưởng 20.000 USD tiền mặt để chốt hợp đồng, rồi sẽ chuyển thêm 50.000 USD tiền “bôi trơn”.

Chỉ một giờ sau khi nắm trong tay toàn bộ 70.000 USD tiền từ đối tượng nhẹ dạ cả tin, Victor Lustig tìm đường về Áo. Tại đây, hắn kiên nhẫn đọc từng bài báo, mong đợi một mẩu tin động trời sẽ xuất hiện, kèm theo bản phác thảo khuôn mặt của mình. Thế nhưng mẩu tin đó không bao giờ lộ diện: đúng như hắn dự đoán, André Poisson đã quá xấu hổ trước cú lừa ngoạn mục, không dám đệ đơn tố cáo.

Thấy dễ ăn, cuối năm đó, Lustig quay trở lại Pháp hòng tái hiện màn lừa đảo có một không hai này. Thế nhưng số tiền lớn không khiến chuyên gia bịp bợm khét tiếng mờ mắt, để ý rằng những đối tượng tới “mua tháp Eiffel” bất thường, nghi ngờ họ đã báo cảnh sát, Victor Lustig trốn sang Mỹ.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 9.

Đặt chân tới Mỹ, Lustig tiếp tục hành nghề lừa đảo để không bị mai một cái kỹ năng đã mất công rèn giũa cả đời. Victor Lustig quay lại với chiêu trò cũ, bán Hộp tiền Rumani. Thống kê cho thấy Lustig đã thực hiện trót lọt tổng cộng 40 phi vụ như thế, bán được 40 cái hộp cho những cá nhân cả tin. Cũng bằng cái hộp tiền bịp, Lustig lừa được cả cảnh sát trưởng Texas.

Vị cảnh sát này sớm nhận ra mình bị lừa, lần theo dấu kẻ gian tới tận Chicago. Thế nhưng tại đây, Lustig xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục: Bá tước thuyết phục ngược lại vị cảnh sát trưởng, rằng do thiếu kinh nghiệm vận hành cỗ máy in tiền giả nên ông mới không thành công. Để bồi thường những rắc rối của vị cảnh sát, Victor Lustig trả cho ông cảnh sát một số tiền rất lớn.

Cho đến lúc viên cảnh sát Texas bị bắt, ông mới ngớ người ra khi biết mình bị còng tay do tội tàng trữ một lượng lớn tiền giả.

Giữa những lo lắng của Đại Khủng Hoảng hồi thập niên 30, Lustig nảy ra một ý tưởng nữa, một vụ lừa đảo mà hắn sẵn sàng mang tính mạng ra để đánh cược: Victor Lustig quyết định bịp một trong những trùm mafia tàn bạo nhất lịch sử Mỹ, Al Capone, biết rằng một bước sai lầm sẽ đồng nghĩa với mất mạng. Khác với những phi vụ trước, cú lừa lần này khôn khéo hơn.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 10.

Tới diện kiến Al Capone, Victor Lustig xin 50.000 USD để tiến hành một phi vụ lớn, hứa rằng sẽ trả gấp đôi sau 2 tháng. Al Capone nhận lời, và Victor Lustig … cất tiền vào két. Sau hai tháng, đeo trên mặt một ánh mắt buồn rầu, Victor Lustig tới gặp Al Capone.

Lustig nói rằng phi vụ đã vỡ lở, thế nhưng vẫn mang tới 50.000 USD tiền gốc đến trả Al Capone kèm theo lời xin lỗi. Ấn tượng với sự trung thực của tên lừa đảo bậc nhất lịch sử thế giới, Al Capone tặng Victor Lustig 5.000 USD, không biết rằng 50.000 USD tiền gốc kia vẫn là số tiền mình giao cho Lustig 2 tháng trước.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 11.

Năm 1930, Lustig móc nối với hai người đàn ông ở Nebraska, là dược sĩ William Watts và hóa nhà hóa học Tom Shaw, họ cùng nhau dựng lên một tổ chức in tiền giả quy mô lớn. Họ sử dụng các tấm khắc, giấy và mực để làm giả những dải dây an ninh được in trên tờ tiền; Watts và Shaw chịu trách nhiệm làm tấm khắc và điều chế mực in, còn Lustig đứng ra tổ chức đường dây vận chuyển tiền giả khổng lồ.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 12.

Những người khờ dại tin lời Lustig còn không biết số tiền mình đang cầm là tiền giả, đó là lý do tại sao đường dây này hoạt động được suốt 5 năm trời. Mỗi tháng, nhóm lừa đảo tuôn ra nền kinh tế Mỹ cả trăm ngàn USD, nhưng rồi cũng đến lúc đủ nhiều để thu hút những ánh nhìn của cơ quan điều tra liên bang. Nhiều tháng trôi qua, hàng triệu USD tiền giả tuồn vào hệ thống tài chính của Mỹ, những đồng tiền giả liên tục xuất hiện tại ngân hàng và trường đua ngựa, nhưng những gì cơ quan điều tra có thể làm ở thời điểm đó là … gọi số tiền giả bằng một cái tên riêng, “Lustig money - tiền Lustig”.

Cho tới khi cuộc gọi định mệnh ấy xuất hiện, ban điều tra vẫn chưa truy ra được tung tích kẻ đã hai lần bán tháp Eiffel. Billy May, người tình của Lustig, phát hiện ra người đàn ông của đời mình đang “tăm tia” người tình trẻ của Tom Shaw. Trong ghen tuông tột cùng, Billy May thực hiện một cuộc gọi nặc danh tới cơ quan hành pháp.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 13.

Tại phòng thẩm vấn, Lustig thẳng thắn thừa nhận ... hai đồng phạm của mình liên quan trực tiếp tới hoạt động buôn tiền giả, còn bản thân mình lại không biết gì. Lustig cố cãi, cho tới khi cái chìa khóa xuất hiện, trở thành bằng chứng không thể chối cãi trước cơ quan hành pháp.

Ngồi trong tù chờ tới ngày xử án, Lustig nói rằng chẳng nhà tù nào giữ chân được hắn. Ngay hôm trước khi phiên tòa diễn ra, Victor Lustig biến mất một cách bí ẩn khỏi nhà giam. Lustig giả ốm, rồi nhân lúc các nhân viên an ninh không để ý, đã trèo khỏi cửa sổ bằng một sợi dây làm từ các tấm chăn được buộc lại.

Lustig không đơn giản là dùng dây trèo khỏi nhà tù: hắn khôn ngoan vận trên người quần áo bảo hộ được nhà tù cung cấp, trên chân đôi dép lê, giả vờ làm một nhân viên vệ sinh cửa sổ để vừa bình thản lau cửa sổ, vừa từ từ đáp đất. Một loạt người bên đường nhìn thấy cảnh này, nhưng ai cũng tưởng đây là một người thợ lau cửa thật, không ai báo lại cho quản lý cơ sở giam giữ.

Victor Lustig, kẻ lừa đảo khét tiếng đã hai lần bán tháp Eiffel - Ảnh 14.

Hai mươi bảy ngày sau, Victor Lustig bị bắt lại khi đang trốn tại Pittsburgh. Trước tòa, Lustig thừa nhận mọi tội danh, và bị tuyên án 15 năm tù, thêm 5 năm nữa do tội trốn ngục. Lustig sống những năm tháng cuối đời mình tại Đảo Alcatraz - nơi giam giữ những kẻ chuyên làm loạn tại các nhà tù khác trên toàn nước Mỹ; đa số phạm nhân tại Alcatraz là những tên cướp ngân hàng và những kẻ sát nhân khét tiếng, trong đó có cả Al Capone, một nạn nhân xưa kia của Victor Lustig.

Ngày 31 tháng Tám năm 1949, em trai của Victor là Emil Lustig nói trước tòa rằng Victor Lustig đã bỏ mạng ở Alcatraz hai năm trước đó. Hóa ra vào ngày 9 tháng Ba năm 1947, Victor Lustig bị viêm phổi nặng, và qua đời tại Trung tâm Y tế Nhà tù Liên bang tại Missouri. Trên tờ giấy khai tử, người ta ghi nghề nghiệp của hắn là “doanh nhân tập sự”.

Đến cả những giây cuối đời, hành tung của Victor Lustig vẫn bí ẩn đến mức 2 năm sau, người ta mới biết Lustig đã qua đời.