Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp cho thấy việc cảm thấy mình độc đáo, khác biệt có liên quan đến niềm tin ở các thuyết âm mưu. Nói cách khác, niềm tin vào thuyết âm mưu có thể được thúc đẩy một phần bởi khao khát trở nên nổi bật của con người.

Nhu cầu về sự độc đáo

Lịch sử đã cho thấy bất kỳ sự biến động lớn nào trên thế giới đều không chỉ gây sốc cho mọi người mà còn sản sinh ra một loạt thuyết âm mưu. Từ vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ John F Kennedy đến cái chết của Công nương Diana - một thành viên của Hoàng gia Anh; từ vụ khủng bố khiến tháp đôi ở New York sụp đổ đến sự biến mất khó hiểu của chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines, chúng ta đều bị vây quanh bởi nhiều chi tiết mà sự giải thích của các cơ quan hữu quan không làm công chúng thỏa mãn.

Một số lý thuyết âm mưu đơn giản là thái quá, trong khi một số khác có thể chứa đựng đôi chút sự thật. Không thể phủ nhận một thực tế rằng các thuyết âm mưu ảnh hưởng mạnh đến quan điểm của một số người nhất định. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người lại dễ dàng tin vào các thuyết âm mưu này?

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Social Psychology vào tháng 7/2017 phần nào giải đáp câu hỏi trên. Nghiên cứu được các nhà khoa học Anthony Lantian thuộc Đại học Paris Nanterre và Dominique Muller, Cécile Nurra, Karen M. Douglas thuộc Đại học Grenoble Alps (Pháp) tiến hành trên 1.000 người. Nhóm nghiên cứu tin rằng nhu cầu được trở nên đặc biệt và độc đáo thúc đẩy nhiều người tin vào các thuyết âm mưu.

"Một đặc tính hấp dẫn trong lời nói của những người tin vào các thuyết âm mưu là để biện minh cho niềm tin của mình, họ thường đề cập đến việc thông tin đó là bí mật hoặc khó tiếp cận, gần như chỉ họ biết được. Sự quyến rũ của những gì ẩn giấu xuất phát từ các thuyết âm mưu dẫn chúng ta đến khái niệm nhu cầu về sự độc đáo” - Anthony Lantian cho biết.

Một số thuyết âm mưu cho rằng kim tự tháp Ai Cập là do người ngoài hành tinh xây dựng. Ảnh: Miragestudio7
Một số thuyết âm mưu cho rằng kim tự tháp Ai Cập là do người ngoài hành tinh xây dựng. Ảnh: Miragestudio7

Theo các nhà khoa học, những người tin vào thuyết âm mưu có nhu cầu trở nên khác biệt bằng cách tin theo những điều không bình thường. Nhu cầu về sự độc đáo có thể khiến nhiều người phát triển sở thích bất thường hoặc tìm kiếm những điều có thể khiến họ khác biệt so với đám đông. Tín đồ của thuyết âm mưu chấp nhận niềm tin vào những điều bất thường về thế giới khiến họ cảm thấy mình đặc biệt hoặc hơn mức bình thường.

Các thuyết âm mưu có thể cung cấp cho các “tín đồ” cảm giác tin tưởng sai lầm về cách thế giới “thực sự” hoạt động bằng việc đem đến điều mà họ cho là sự thật đằng sau những vụ ám sát chính trị, người ngoài hành tinh, hành động của chính phủ hay các khám phá khoa học “bí mật” mà người thường không
biết.

Thuyết âm mưu bị chối bỏ nếu... nhiều người tin

Lantian và nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành một loạt nghiên cứu theo những cách khác nhau, tập trung ở vấn đề: Nhu cầu về sự độc đáo có thể dẫn dắt con người chấp nhận niềm tin ở các thuyết âm mưu như thế nào?

Trong hai nghiên cứu đầu tiên, hàng trăm người tham gia được hỏi về niềm tin của họ đối với các lý thuyết âm mưu phổ biến, những nghiên cứu nào họ làm để ủng hộ, hỗ trợ những niềm tin này và cách thức niềm tin của họ liên hệ với cảm giác về sự độc đáo.


Kết quả, những người có niềm tin lớn ở thuyết âm mưu thường tin rằng họ sở hữu thông tin mà người khác không có. Họ cũng thấy mình có nhu cầu cao hơn về sự độc đáo hoặc đặc biệt của bản thân. Những người tin tưởng cao độ ở thuyết âm mưu cũng thường thích chối bỏ những điều phù hợp với đa số và “không theo đám đông”.

Thông qua kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng nhu cầu về sự độc đáo có thể làm cho người ta dễ ủng hộ các thuyết âm mưu.

Tuy nhiên - và đây là một sự khác biệt quan trọng, điều này có vẻ chỉ thích hợp khi thuyết âm mưu nhận được sự ủng hộ bởi một số ít người. Nếu hầu hết mọi người tin tưởng vào một thuyết âm mưu cụ thể, nhu cầu về sự độc đáo sẽ khiến một số người chối bỏ lý thuyết này. Ngoài ra, như Lantian và các đồng sự đã chỉ ra, có giới hạn cho những gì có thể suy luận dựa trên kết quả nghiên cứu này và cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm sáng tỏ vấn đề.