Trong khi nam giới trên 50 tuổi có xu hướng mắc các triệu chứng cấp tính nhất của Covid-19, thì phụ nữ thường gặp phải các di chứng Covid kéo dài nhiều hơn nam giới gấp 4 lần.

Tháng 6/ 2020, khi xuất hiện các báo cáo đầu tiên về Covid kéo dài, các bác sĩ bắt đầu nhận thấy một xu hướng bất thường. Trong khi các trường hợp cấp tính của Covid-19 - đặc biệt là những ca nhập viện - có xu hướng chủ yếu là nam giới và trên 50 tuổi, thì ngược lại, những người mắc các di chứng kéo dài do Covid lại tương đối trẻ và chủ yếu là nữ giới.

Các triệu chứng kéo dài của Covid rất đa dạng, bao gồm mệt mỏi, sốt, khó thở, cũng như các tình trạng thần kinh như lo lắng, trầm cảm, mất khả năng tập trung. Các tình trạng này có thể xuất hiện vài tuần sau khi nhiễm Covid và tồn tại trong nhiều tháng.

Xu hướng chung ở các bệnh truyền nhiễm

Các báo cáo ban đầu về Covid kéo dài tại một bệnh viện ở Paris từ tháng 5 đến tháng 7/2020 cho thấy độ tuổi mắc di chứng kéo dài trung bình là khoảng 40, và phụ nữ bị đông hơn nam giới gấp 4 lần.

Trong 12 tháng qua, sự chênh lệch giới tính tương tự đã trở nên rõ ràng trên khắp thế giới: phụ nữ trẻ đến trung niên dễ bị ảnh hưởng bởi di chứng hơn hẳn so với nam giới.

Một người đi bộ ở Nga - một trong những quốc gia có số phụ nữ mắc di chứng Covid nhiều hơn hẳn so với nam giới.

Tiến sĩ Sarah Jolley, người điều hành phòng khám chăm sóc sau Covid UCHealth ở Aurora, Colorado, Mỹ, cho biết khoảng 60% số bệnh nhân của bà là phụ nữ. Tiến sĩ Petter Brodin, nhà nghiên cứu của Viện Karolinska, Thụy Điển, người đứng đầu nhóm di chứng Covid thuộc đơn vị Covid Human Genetic Effort, nghi ngờ tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid kéo dài là nữ có thể lên đến 70-80%.

"Khoảng 66% bệnh nhân của chúng tôi là phụ nữ. Nhiều người trong số họ làm việc toàn thời gian, có con nhỏ và hiện tại hơn một phần tư trong số họ hoàn toàn không thể làm việc vì di chứng," Tiến sĩ Melissa Heightman, người điều hành phòng khám UCLH chăm sóc sau Covid ở phía bắc London, cho biết. "Về mặt kinh tế, đó là một thảm họa".

Như Heightman chỉ ra, đây không phải là một xu hướng mới, mà là xu hướng vẫn thường xuất hiện ở các bệnh truyền nhiễm. Nhưng đến nay chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân đằng sau tình trạng này. Thay vào đó, bởi vì những tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ, chúng thường bị coi là có nguồn gốc tâm lý. “Nhìn chung, không có nhiều tiền cho lĩnh vực nghiên cứu này và ít ai chú ý đến các tình trạng chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ" - theo Julie Nusbaum, trợ lý giáo sư tại Trường Y NYU Long Island. “Tôi nghĩ vẫn tồn tại những thành kiến ​​nhất định rằng khi phụ nữ xuất hiện những cơn đau nhức trên cơ thể thì đó là do yếu tố cảm xúc hoặc tính cách của họ chứ không phải là nguyên nhân về mặt y tế".

Đáng lo ngại, có vẻ như những thành kiến ​​lâu đời này đã len lỏi vào lĩnh vực Covid. Nhiều bệnh nhân nữ báo cáo các triệu chứng dai dẳng của họ thường bị ngó lơ hoặc được chẩn đoán là do lo lắng. Vẫn còn tồn tại quan điểm sai lầm trong cộng đồng học thuật rằng sự thiên lệch giới tính trong Covid kéo dài là do phụ nữ thường xuyên báo cáo các triệu chứng hơn so với nam giới, Tiến sĩ Janet Scott, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Glasgow, cho biết.

Nhưng Scott và nhiều nhà khoa học khác trên thế giới đang cố gắng nghiên cứu các yếu tố khác nhau khiến phụ nữ dễ mắc di chứng do Covid. Các nỗ lực này sẽ giúp làm sáng tỏ tình trạng di chứng bí ẩn này nói chung, cũng như các tình trạng di chứng do nhiễm trùng khác.

Hệ thống miễn dịch nhạy bén

Tại Trường Y Yale, Connecticut, Giáo sư miễn dịch học Akiko Iwasaki đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để phân biệt sự khác nhau giữa cách đàn ông và phụ nữ phản ứng với virus Sars-CoV-2. Một trong những phát hiện ban đầu của Iwasaki là tế bào T - một nhóm tế bào quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus - ở phụ nữ hoạt động mạnh hơn nhiều so với nam giới trong giai đoạn đầu của bệnh.

Giáo sư Akiko Iwasaki, người đang nghiên cứu về tự kháng thể ở những bệnh nhân nữ mắc Covid kéo dài.

“Phụ nữ có hai bản sao của nhiễm sắc thể X, và nhiều gen mã hóa các bộ phận khác nhau của hệ thống miễn dịch nằm trên nhiễm sắc thể X, có nghĩa là các phản ứng miễn dịch khác nhau được biểu hiện mạnh hơn ở phụ nữ", Iwasaki nói.

Ngoài ra, có một giả thuyết cho rằng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có phản ứng miễn dịch nhạy bén hơn với sự hiện diện của mầm bệnh, bởi vì hệ thống miễn dịch của họ cố gắng đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ thể trong thời kỳ có thể mang thai.

Nhìn chung, phản ứng miễn dịch mạnh mẽ này được cho là một trong những lý do tại sao phụ nữ ít có nguy cơ tử vong do Covid-19 hơn trong giai đoạn cấp tính của Covid-19 - nhưng nó cũng để lại hậu quả về sau. Một trong những giả thuyết chính về Covid kéo dài là các mảnh của virus tìm cách tồn tại ở các vị trí khác nhau trong cơ thể, được gọi là các ổ chứa, trong nhiều tháng. Iwasaki cho biết, dấu vết của Sars-CoV-2 đã được phát hiện trong hầu hết các mô từ não đến thận.

Bởi vì phụ nữ phản ứng rất mạnh với sự hiện diện của virus, những ổ chứa virus này có nhiều khả năng gây ra các đợt viêm mãn tính khắp cơ thể, dẫn đến các triệu chứng đau, mệt mỏi và triệu chứng thần kinh mà nhiều phụ nữ trải qua sau khi đã khỏi bệnh.

Bằng chứng ủng hộ giả thuyết này đã được tìm thấy trong các nghiên cứu về bệnh Lyme mãn tính - bệnh có thể gây viêm khớp mãn tính, các triệu chứng thần kinh như liệt mặt và bệnh thần kinh, suy giảm trí nhớ. Vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây bệnh Lyme, cũng có khả năng đào sâu vào mô và dây thần kinh và ẩn náu khắp cơ thể, dẫn đến các triệu chứng mãn tính. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có phản ứng mạnh hơn với sự hiện diện của B burgdorferi, và tạo ra phản ứng viêm mạnh hơn nhiều so với nam giới.

Tiến sĩ Raphael Stricker, nhà nghiên cứu bệnh Lyme ở San Francisco, cho biết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ phản ứng mạnh hơn nam giới với loại nhiễm trùng dai dẳng, mức độ thấp này. Và do đó, họ có nhiều khả năng bị viêm mãn tính hơn."

Bệnh tự miễn

Tuy nhiên, đó không phải là giả thuyết duy nhất. Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về Covid kéo dài tin rằng, trong một số trường hợp, virus có thể đã gây ra bệnh tự miễn dịch (khi hệ thống miễn dịch sản xuất ra các kháng thể tự tấn công các cơ quan của cơ thể). Kể từ tháng 12 năm ngoái, Iwasaki và một số đồng nghiệp khác đã công bố các nghiên cứu xác hơn 100 tự kháng thể khác nhau ở bệnh nhân Covid-19 tấn công một loạt các mô từ niêm mạc mạch máu đến não.

Trong khi mức độ của một số tự kháng thể giảm dần theo thời gian, những tự kháng thể khác vẫn tồn tại. Iwasaki tin rằng nếu những tự kháng thể này vẫn còn trong máu của bệnh nhân Covid trong nhiều tháng, nó có thể là nguyên nhân đằng sau những triệu chứng phổ biến, từ rối loạn chức năng nhận thức đến đông máu và rối loạn chuyển hóa máu - tình trạng khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và nhịp tim tăng nhanh khi cố gắng thực hiện bất kỳ loại hoạt động thể chất nào.

Cũng đã có các bằng chứng tương tự trong các nghiên cứu về ME/CFS (viêm cơ tủy myalgic, còn gọi là hội chứng mệt mỏi mãn tính). Các bệnh nhân nữ được phát hiện có nhiều khả năng mắc các bệnh liên quan đến tự miễn dịch, từ dị ứng đến cứng cơ và đau khớp - các triệu chứng tương tự như Covid kéo dài.

Iwasaki hiện đang tiến hành một nghiên cứu nhằm xem xem liệu một số tự kháng thể nhất định có hiện diện ở mức độ đặc biệt cao ở những bệnh nhân nữ mắc di chứng Covid hay không. Từ lâu, các nhà khoa học đã cho thấy virus liên quan đến sự khởi phát của các bệnh tự miễn, từ bệnh tiểu đường loại 1 đến viêm khớp dạng thấp, và tất cả những tình trạng này đều phổ biến hơn ở phụ nữ. Các cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ chiếm 78% số ca mắc bệnh tự miễn ở Mỹ.

Phụ nữ dễ mắc các vấn đề tự miễn dịch hơn vì một số lý do. Chẳng hạn, một phân tử gọi là VGLL3 có mức độ cao hơn nhiều ở phụ nữ so với nam giới, và có thể khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức; và hormone giới tính estrogen cũng có thể làm tăng phản ứng viêm. Mặt khác, nam giới được bảo vệ tốt hơn để chống lại các vấn đề liên quan đến tự miễn dịch do mức độ testosterone cao hơn, ngăn chặn số lượng tế bào B, tế bào sản xuất tự kháng thể. Iwasaki tin rằng xu hướng này có thể là một trong các yếu tố chính giải thích cho sự chênh lệch giữa số bệnh nhân nam và nữ bị Covid kéo dài.

Nguồn: