Một dự án tham vọng biến khu đảo Polynesia thuộc Pháp ở nam Thái Bình Dương thành một thành phố nổi đang được triển khai, dấy lên nhiều tranh luận.

Một số người tin các thành phố này sẽ là con tàu cứu cư dân ở những nơi bị tổn thương do mực nước biển dâng lên. Số khác cho rằng đây chỉ là một giấc mơ khó thành hiện thực.

Con tàu cho “ngày tận thế”

Trong kỷ nguyên băng tan, các thành phố nổi được ví như con tàu Noah trong ngày tận thế. Mới đây, một kế hoạch táo bạo xây thành phố nổi trên những hòn đảo ở nam Thái Bình Dương đã được vạch ra với sự hỗ trợ của chính quyền Polynesia. Dự án được Viện Seasteading ở California (Mỹ) gây quỹ 2,5 triệu USD từ hơn 1.000 nhà tài trợ.

Randolph Hencken - Giám đốc điều hành dự án - cho biết, công việc sẽ khởi động tại Polynesia vào đầu năm tới sau khi có kết quả khả thi từ các nghiên cứu về môi trường và kinh tế. “Chúng tôi tin sẽ tạo ra một ngành công nghiệp cung cấp đảo nổi cho người dân bị đe dọa do mực nước biển tăng” - ông Hencken nói với Nytimes.com.

Theo ông, các hòn đảo của dự án sẽ có giá 10-50 triệu USD và trở thành nhà ở cho vài chục người. Cư dân đầu tiên sẽ là những người có thu nhập ở mức trung bình từ các nước phát triển. Viện Seasteading cũng đang tìm kiếm để xây các hòn đảo thành đặc khu kinh tế với năng lượng mặt trời, thủy canh bền vững và các trại gió đại dương.

Mô hình thành phố nổi của Seasteading Institute. Ảnh: Seasteading

Joe Quirk - phát ngôn viên của Seasteading - cho biết giá xây nhà trên đảo nhân tạo ban đầu sẽ rất đắt đỏ, ngang với London hay New York. Tuy nhiên, Hencken tin rằng giá sẽ giảm khi vật liệu xây đảo rẻ hơn. Ông hy vọng dự án sẽ được nhân rộng ở những nơi có nguy cơ mực nước biển dâng cao.

Nhiều nghi ngờ về tính khả thi

Ông Alexandre Le Quéré thuộc trạm phát thanh Polynesia 1ère liên tưởng dự án này với kế hoạch xây đảo nhân tạo ở ngoài khu nghỉ dưỡng Bali của Indonesia - từng bị chỉ trích nặng nề do chưa tính đến các ảnh hưởng môi trường. “Kỹ sư của Seasteading có thể nghĩ tới những vấn đề sinh thái; nhưng dù sao điều đó vẫn không ngăn được sự hoài nghi về dự án khá điên rồ này” - Le Quéré nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng nghi ngờ khả năng triển khai dự án trên diện rộng ở một khu vực có các nước nghèo nhất thế giới. “Xu hướng sử dụng các giải pháp tập trung nhiều công nghệ tạo ra thách thức ở Thái Bình Dương khi không có bất kỳ thực tế nào xuất phát từ chính cư dân ở các quần đảo Thái Bình Dương” - Mathew Dornan - Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách phát triển ở Đại học Quốc gia Australia nói.

Simon Donner - Giáo sư địa lý tại Đại học Columbia của Anh - cho rằng dự án này hấp dẫn nhưng lại thể hiện sự bất công giữa nước giàu và nước nghèo: “Dự án Polynesia nếu thành công sẽ như một con tàu hành trình; nhưng thực tế các hòn đảo khác ở Thái Bình Dương sẽ bị mắc kẹt lại do những tác động của biến đổi khí hậu”.

Năm ngoái, Tổng thống quốc đảo Kiribati là Anote Tong đã tiết lộ, Kiribati đã thuê chuyên gia từ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất xây các đảo nhân tạo nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng kế hoạch này không khả thi.

Kiến trúc sư Keon Olthuis (Hà Lan) cho rằng, thách thức về công nghệ xây đảo nhân tạo có thể giải quyết được, nhưng quy mô hay mục đích cuối cùng của dạng dự án này vẫn cần được tính kỹ.

“Chúng ta muốn cứu cái gì? Bao nhiêu tiền chúng ta có thể chi cho nó? Dự án sẽ đem lại gì cho mọi người? Với hàng tỷ đôla, bạn có thể cứu được 300.000 người; nhưng bạn cũng có thể đem số tiền đó vào những quốc gia khác, xây dựng các tòa nhà và giúp đỡ người dân tại các khu ổ chuột khắp nơi trên thế giới” - Olthuis so sánh.