Mới đây, Trung Quốc thử nghiệm một mô hình đặc biệt để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Họ đã bắt tay vào việc xây “rừng dọc” - những ngôi nhà cao tầng với hàng nghìn cây xanh như một cánh rừng thực thụ và có tham vọng biến đô thị thành các thành phố rừng.

“Trồng rừng” giữa lòng thành phố

Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới chuyển đến các thành phố khiến vấn đề ô nhiễm không khí bùng phát. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí ngoài trời đã tăng 8% kể từ năm 2011. “Nhiều nước đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng. Ô nhiễm không khí đô thị tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động, tàn phá sức khỏe con người. Trong tương lai, xã hội loài người sẽ phải bỏ ra chi phí khủng khiếp để giải quyết vấn đề này” - tiến sỹ Maria Neira - Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng tại WHO - cho biết.

Nổi tiếng vì ô nhiễm không khí nhưng từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện tình trạng này, mang lại kết quả tốt. Theo báo cáo của WHO, hiện chỉ có 5 thành phố của Trung Quốc còn nằm trong top 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Mới đây nhất, trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, Trung Quốc đã tiến hành một kế hoạch xây dựng “rừng dọc” ở thành phố Nam Kinh. Cụ thể, hai tòa tháp - cao 200 và 108 mét - sẽ được biến thành rừng nhờ tích hợp khoảng 1.000 loại cây và 2.500 loại cây bụi từ 23 loài thực vật của địa phương. Điều đó sẽ giúp tạo ra một khu “rừng dọc” hấp thụ khí carbon dioxide.

Mô hình 2 tòa tháp sẽ trở thành “rừng dọc” tại Nam Kinh. Ảnh: Dezeen

Theo các thành viên dự án, cư dân các tòa nhà này sẽ sớm được hít thở ôxy tinh khiết gấp 3.000 lần so với không khí Nam Kinh hiện nay. Các tòa nhà sẽ hút khoảng 25 tấn CO2 từ không khí mỗi năm và tạo ra khoảng 60kg khí ôxy mỗi ngày. Họ cũng tin tưởng cây xanh sẽ giúp tái tạo đa dạng sinh học trong khu vực. “Điều quan trọng nữa là sự hiện diện của “rừng dọc” còn giúp hấp thụ bụi do giao thông đô thị. Nó cũng khiến cảnh quan thành phố thêm đẹp. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những khu nhà thay đổi màu sắc theo mùa” - các thành viên tham gia dự án này cho biết.

Dự kiến đến năm 2018, dự án này sẽ hoàn thành để đón những cư dân đầu tiên đến định cư.

Sẽ có hàng loạt thành phố rừng

Xây dựng “rừng dọc” là ý tưởng của kiến trúc sư người Italia Stefano Boeri - người đã biến mô hình này tại thành phố Milan với những tòa nhà chọc trời tràn ngập cây xanh. “Hai tòa tháp ở một đô thị rộng lớn như Nam Kinh là rất nhỏ bé; nhưng nó là ví dụ điển hình. Chúng tôi hy vọng mô hình kiến trúc xanh sẽ sớm được nhân rộng ra nhiều khu vực khác” - ông Boeri phát biểu trên Guardian.

Vị kiến trúc sư này cho biết, nếu làm được điều này, ông có thể tin tưởng rằng tương lai của các đô thị Trung Quốc sẽ tràn ngập màu xanh. Từ các khối văn phòng, cửa hàng, khách sạn... đâu đâu cũng đầy cây cối với không khí trong lành, khác xa tình trạng nghẹt thở bởi khói bụi như hiện tại.

Ông Boeri tiết lộ một kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Trung Quốc: Tạo ra hàng loạt “thành phố rừng”. Mô hình này đang được lên kế hoạch xây dựng ở một loạt đô thị khác như Thượng Hải, Quý Châu, Thạch Gia Trang, Liễu Châu và Trùng Khánh.

“Chúng tôi được đặt hàng để thiết kế toàn bộ thành phố - không chỉ một tòa nhà cao tầng mà là 100 hoặc 200 tòa với nhiều kích cỡ khác nhau. Tất cả đều được trồng cây xanh ở mặt tiền” - Boeri nói trên Guardian. “Chúng tôi đang nỗ lực hoàn tất các thiết kế. Tôi cho rằng họ sẽ bắt đầu kế hoạch xây dựng này vào cuối năm nay. Có thể đến năm 2020, chúng ta sẽ được chứng kiến thành phố rừng đầu tiên tại Trung Quốc”.