Việc phá bỏ đập thủy điện đang thành trào lưu ở Mỹ ngay khi thế giới đang phát cuồng vì thủy điện. Thực chất đập thủy điện đang giải cứu hay hủy diệt thế giới? Các quốc gia nên xây hay nên phá chúng đi?

Thủy điện - giấc mơ năng lượng tái tạo

Sông Reventazon của Costa Rica đang bị chặn bởi đập thủy điện cao 130m. Cuối năm 2016 - khi dự án hoàn thành, đập Reventazon sẽ đưa vào lưới điện quốc gia này 305,5MW điện, đủ cho cộng đồng 500.000 hộ dân. Là dự án thủy điện lớn nhất Trung Mỹ, Reventazon đảm bảo rằng trong tương lai gần, toàn bộ điện năng tại Costa Rica sẽ được sản xuất nhờ năng lượng tái tạo.

Năm 2015, chuyện Costa Rica hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hơn 75 ngày đã gây xôn xao giới quan sát. Tất cả là nhờ các đập thủy điện và một mùa mưa đủ lớn để có đủ nước trong hồ. Thủy điện cung cấp 80% năng lượng cho Costa Rica, được bổ sung bởi gió và địa nhiệt. Lưới điện của Costa Rica cũng được đa dạng hóa để vẫn có khả năng dùng đến nhiên liệu hóa thạch khi cần.

Thủy điện Kerr Dam tại Lake County, Montana (Mỹ). Ảnh: Wikipedia
Thủy điện Kerr Dam tại Lake County, Montana (Mỹ). Ảnh: Wikipedia

Theo Gravin Mayorga - Viện Năng lượng Costa Rica, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan này: “Costa Rica là quốc gia xanh và chúng tôi hy vọng sản xuất toàn bộ năng lượng từ các nguồn tái tạo.Nói thì rất dễ, nhưng làm và duy trì điều đó ổn định là việc rất khó. Thủy điện là cơ sở tốt nhất giúp Costa Rica đạt mục tiêu này”.

Nước Mỹ đứng ngoài trào lưu chung


Tại vùng California và Oregon của Mỹ, từ 60 năm qua, trên sông Klamath người ta đã xây 4 con đập, tạo ra điện năng trung bình 82MW. Vào tháng 4/2016, một liên minh gồm cơ quan chính phủ, các bộ lạc thổ dân châu Mỹ, nhà hoạt động môi trường và chủ sở hữu các con đập đã quyết định rằng chúng sẽ bị phá bỏ.

Giai đoạn 1915-1975, Mỹ phá hủy 36 đập thủy điện. Từ 1976-2014, con số này vọt lên đến 1.040, trong đó có tới 548 đập bị phá hủy từ năm 2006 trở lại đây. Trong số 3.700 đập đang được thiết kế và xây dựng trong năm 2014, không cái nào nằm tại Mỹ.

Tại sao cả thế giới đang xây đập thủy điện thì Mỹ lại phá bỏ? Nguyên nhân là phần lớn các đập tại Mỹ đã khá lâu đời. Một số đập được dựng lên cách đây cả thế kỷ, hồ chứa đã lắng đầy trầm tích hoặc cần nâng cấp. Mặt khác, cứ sau 30-50 năm, hồ chứa cần được cấp lại giấy phép và chủ sở hữu cần đảm bảo đáp ứng các quy định mới nhất về an toàn và môi trường. Điều này khá tốn kém và nhiều chủ sở hữu cho rằng việc giữ lại các đập cũ là không đáng.

Những tác động về môi trường của đập thủy điện cũng không phải lúc nào cũng tích cực. Tại Klamath, đập chắn khiến cá hồi và các loại cá di cư khác không thể tiếp cận đoạn sông dài 650km. Tảo độc bùng nổ tại các thủy vực tù đọng, giảm chất lượng nước cho hạ lưu. Hàng trăm đập thủy điện được thiết kế gần đây tại lưu vực sông Amazon được xem là sẽ biến thành các thảm họa môi trường.

Bài toán có tham số động

Trong khi đập thủy điện xuất hiện ngày càng nhiều tại Mỹ Latin, châu Phi, châu Á, nó lại đang biến mất dần ở Mỹ. Sông Reventazon và sông Klamath là hai câu chuyện trái ngược về thủy điện. Vậy đập thủy điện là tương lai hay quá khứ?

Costa Rica nhận thức rõ cái giá phải trả về môi trường khi xây đập nên đã xây dựng Reventazon tại một lưu vực đã có nhiều đập, không phá hủy một con sông nguyên sơ. Vùng này vẫn ít người ở nên số hộ phải di dời không nhiều. Viện Năng lượng cũng cam kết sử dụng đến 1,6 triệu USD cho việc bảo tồn khu rừng lân cận cho báo Jaguar và các động vật khác.

Theo ông Mayorga, việc bảo tồn khu rừng màu mỡ xung quanh Reventazon có vai trò thiết yếu đối với thành công của dự án do cây cối giữ lại lớp trầm tích, không cho chúng bị rửa trôi, đi xuống hồ và làm tắc đập nước.

Sự lựa chọn của mỗi quốc gia có thể được khái quát bằng các kết luận đơn giản, chẳng hạn 82MW năng lượng tái tạo không bằng con sông Klamath khỏe mạnh; một Costa Rica không phát thải khí nhà kính quan trọng hơn con sông Reventazon nguyên vẹn. Nhưng đó chỉ là các quyết định hiện tại, được đưa ra sau khi cân nhắc các tham số động. Quyết định có thể sẽ khác nếu được đưa ra ngày mai.

Điều may mắn là việc phá đập nước có thể giúp các con sông hồi phục. “Trầm tích trong giai đoạn đầu sau khi phá đập sẽ nhanh chóng trở thành vật liệu hình thành bờ sông và được cuốn xuống hạ lưu. Cá và động vật quay lại tự nhiên như chúng chưa bao giờ mất đi. Nói tóm lại, hệ sinh thái trên các con sông có tính đàn hồi” - chuyên gia địa chất USGS Jim O’Connor cho biết.

Với cách làm thận trọng và có trách nhiệm hơn, biết đâu Mỹ sẽ lại có một làn sóng xây đập mới nếu hạn hán kéo dài làm tăng nhu cầu trữ nước. Nhưng giải pháp tốt hơn cả có lẽ đang được thực hiện tại California: Sử dụng điện mặt trời và điện gió thay vì chọn các đập nước đắt đỏ phá hoại môi sinh.