Mức độ phóng xạ tại bãi thử hạt nhân Nevada (Mỹ) còn cao hơn cả Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) khi hứng chịu 2 quả bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây chỉ là một trong nhiều bãi thử hạt nhân trên toàn cầu.

Cho đến nay, đã có hơn 2.000 vụ thử hạt nhân được các cường quốc trong “câu lạc bộ hạt nhân“ thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên... tiến hành.

Những vùng đất chết nổi tiếng

Theo Atlasobscura, địa điểm “khai sinh” thời đại nguyên tử là bãi thử hạt nhân ở sa mạc Jornada del Muerto, bang New Mexico, Mỹ - nơi diễn ra vụ thử hạt nhân đầu tiên trên thế giới ngày 16/7/1945 - được gọi là Trinity. Vụ thử đã tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ thiêu rụi cây cối, thổi bay các cửa sổ cách đó 200km.

Biển báo cấm vào trước lối vào của bãi thử hạt nhân Nevada.

Bãi thử hạt nhân phổ biến nhất của quân đội Mỹ là sa mạc Nevada. Theo Listverse, kể từ năm 1951-1992, có khoảng 982 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện tại khu vực rộng 3.500km2 ở sa mạc này, cách thành phố Las Vegas 107km về phía bắc.

Hơn 800 vụ nổ hạt nhân xảy ra ở dưới lòng đất khiến bề mặt của khu vực này xuất hiện các hố sụt lún khổng lồ. Nơi đây từng là địa điểm khai thác du lịch, nơi quay hàng trăm bộ phim về chủ đề vũ khí hủy diệt. Vì lý do an toàn, nó bị bỏ hoang và trở thành “mối lo” nghiêm trọng của Chính phủ Mỹ.

Một địa điểm thử hạt nhân nổi tiếng khác của Mỹ là quần đảo Marshall - nơi tiến hành hàng trăm vụ thử trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cũng trong thời kỳ này, Liên Xô chọn Semipalatinsk thuộc Cộng hòa Kazakhstan làm bãi thử hạt nhân chính.

Theo Atlasobscura, 456 vụ thử hạt nhân đã được tiến hành tại đây từ năm 1949-1989, bao gồm 340 vụ diễn ra dưới lòng đất và 116 vụ trên mặt đất. Các vụ thử hạt nhân ở Semipalatinsk (chính thức chấm dứt năm 1991) được cho là đã giải phóng nguồn năng lượng lớn hơn 2.500 quả bom ở Hiroshima.

Đảo Novaya Zemlya cũng là bãi thử hạt nhân chính của Liên Xô, thuộc vòng Bắc Cực hẻo lánh. Từ năm 1954-1990, có 224 vụ thử hạt nhân được thực hiện tại đây. Đây cũng là nơi diễn ra vụ nổ hạt nhân lớn chưa từng có trên thế giới vào năm 1961. Theo Atlasobscura, cư dân bản địa sơ tán từ năm 1954 đã không bao giờ được quay về nhà vì lý do an toàn.

Về phần mình, Trung Quốc thử hạt nhân lần đầu tại Lop Nur - khu vực bỏ hoang và bị cô lập ở khu tự trị Mông Cổ Bayingolin vào năm 1964. Cho đến năm 1996 - khi Trung Quốc đình chỉ thử nghiệm hạt nhân, nơi đây đã diễn ra 44 vụ thử, trong đó 22 vụ xảy ra dưới lòng đất và 22 vụ trên mặt đất. Bãi thử Lop Nur đến nay vẫn là một “vùng cấm địa”. Bắc Kinh chưa từng cho phép các nhà quan sát nước ngoài tới kiểm tra.

Trong khi đó, Triều Tiên nổi tiếng với bãi thử hạt nhân Punggye-ri - một vùng đồi núi rộng khoảng 2km ở huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong. Đây là nơi diễn ra các vụ thử hạt nhân vào năm 2006, 2009, 2013 và 2016. Vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này vừa diễn ra vào sáng sớm ngày 9/9/2016.

Sự hủy diệt sau các vụ thử hạt nhân

Các vụ thử hạt nhân cách đây hàng chục năm đã, đang và sẽ còn tác động đến sức khỏe con người. Việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân - đặc biệt là các vụ thử trên mặt đất, trong khí quyển - đã thay đổi đáng kể môi trường bức xạ toàn cầu. Phóng xạ từ các vụ thử được cho là đã lan khắp hành tinh. Tình trạng nhiễm phóng xạ phá hủy hệ miễn dịch, gây ung thư, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển thần kinh, thai chết lưu và nhiều vấn đề khác.

Năm 1984, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra tuyên bố: “Việc thử nghiệm, sản xuất, tàng trữ, triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền được sống mà nhân loại đang phải đối mặt” và kết luận hành động này phải bị cấm và bị xem là tội ác chống lại loài người.

Các nhà khoa học ước tính, bụi phóng xạ sau các vụ thử nghiệm hạt nhân trên toàn cầu sẽ gây ra hơn 2 triệu ca tử vong chỉ tính riêng bệnh ung thư. Nguy cơ ung thư gia tăng bị đánh giá là mối nguy hiểm lâu dài, chủ yếu do tiếp xúc với bụi phóng xạ.

Năm 1992, Chính phủ Mỹ tuyên bố, bãi thử hạt nhân Nevada là nơi bị ô nhiễm phóng xạ cao thứ hai thế giới - chỉ đứng sau Chernobyl, Ukraine. Các nhà nghiên cứu ước tính, mức độ phóng xạ tại bãi thử Nevada thậm chí còn cao hơn ở Hiroshima và Nagasaki trong thời điểm 2 quả bom nguyên tử bị ném xuống 2 thành phố này năm 1945.

Ước tính, tỷ lệ ung thư ở gần bãi thử hạt nhân Nevada cao gấp đôi so với mức trung bình của Mỹ. Đã có sự gia tăng đáng kể bệnh bạch cầu ở trẻ em ngay trong những năm sau thử nghiệm hạt nhân. Hơn 500 triệu USD đã được chi trả để bồi thường cho các nạn nhân và ước tính số tiền này sẽ vượt quá 5 tỷ USD.

Trong khi đó, tại khu vực xung quanh bãi thử Semipalatinsk, tỷ lệ người mắc ung thư, dị tật bẩm sinh, liệt dương, máu trắng tăng vọt kể từ khi vụ nổ đầu tiên diễn ra. Trẻ em sinh ra thiếu tay, chân, xương bị biến dạng và hệ thần kinh bị tổn thương nặng. Theo cựu giám đốc của Bệnh viên Ung thư Semipalatinsk, ít nhất 60.000 người ở đây đã mất mạng do ung thư.