Nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 2.500 km về phía Đông có một quần đảo nhỏ mang tên Banda Islands. Đây từng là nơi cung cấp nhục đậu khấu duy nhất của thế giới trong cả ngàn năm.

Nhục đậu khấu tươi vừa thu hoạch, phần vỏ màu đỏ và hạt bên trong. Ảnh: Santhosh Varghese/Shutterstock.com.
Nhục đậu khấu tươi vừa thu hoạch, phần vỏ màu đỏ và hạt bên trong. Ảnh: Santhosh Varghese/Shutterstock.com.

Trước khi thực dân châu Âu xuất hiện, Banda được cai trị bởi người orang kaya bản địa. Họ đã giao dịch cùng các thương nhân Ấn Độ và hồi giáo Ả Rập, những người thường bán gia vị, trong đó có nhục đậu khấu cho châu Âu với giá cắt cổ. Ngày đó, nhục đậu khấu còn đắt hơn cả vàng bởi người ta tin vào công dụng chữa bệnh của nó, nhất là đối với một số bệnh dịch đang càn quét khắp châu Âu. Các thương nhân Ấn Độ và Ả Rập khôn khéo đã cố gắng che giấu địa điểm cung cấp loại gia vị quý hiếm này. Mãi tới năm 1511, một đoàn thám hiểm do vua Afonso de Albuquerque của Bồ Đào Nha cử đi mới chinh phục được Banda và những đảo lân cận, khiến nơi này không còn gì bí mật nữa và sớm trở thành trung tâm giao dịch nhục đậu khấu toàn cầu.

Mặc dù rất cố gắng song các thương nhân Bồ Đào Nha đã không thể thiết lập được chỗ đứng tại Banda do sự thù nghịch của người bản địa. Đến tận cuối thế kỷ 16, tất cả những gì mà người Bồ có thể làm chỉ là viếng thăm quần đảo một vài năm một lần và trở về với hạt, vỏ, nhánh nhục đậu khấu chất đầy trên tàu. Một thương nhân Bồ là thuyền trưởng Garcia Henriques cũng từng thử xây dựng một pháo đài ở Banda Neira, nhưng dân đảo đã tự trang bị vũ khí và tấn công người của ông. Nhận thấy việc duy trì ảnh hưởng quá tốn kém và mệt mỏi, người Bồ bắt đầu bỏ qua Banda và chuyển sang mua nhục đậu khấu từ các thương nhân Malacca (vốn cũng giao dịch với Banda).

Bản đồ quần đảo Banda Islands. Ảnh: Lencer/Wikimedia Commons.
Bản đồ quần đảo Banda Islands. Ảnh: Lencer/Wikimedia Commons.

Theo chân Bồ Đào Nha, người Hà Lan cũng đặt chân tới Banda nhưng không dễ buông xuôi như vậy. Họ đã cố gắng áp đặt sự độc quyền đối với nhục đậu khấu, yêu cầu người bản địa chỉ bán sản phẩm cho Hà Lan. Nhưng người Banda tất nhiên đã từ chối; họ muốn được tự do giao dịch với càng nhiều thương nhân của các nước châu Âu càng tốt để bán với mức giá chào cạnh tranh nhất. Sau những cuộc thương lượng khó khăn, người Banda đã lừa một đô đốc Hà Lan vào vòng vây và giết chết 46 người. Để trả đũa, binh lính Hà Lan đã phá hủy vài ngôi làng của người Banda. Biến cố đó thực sự đã làm lợi cho các thương nhân Hà Lan. Theo một hòa ước được ký kết, Banda phải công nhận sự quản lý và độc quyền của người Hà Lan đối với hoạt động giao dịch nhục đậu khấu. Cùng năm đó, người Hà Lan cho xây dựng pháo đài Fort Nassau ở Banda Neira để giám sát.

Đảo Banda-Neira và Gunung Api. Ảnh: Collin Key/Flickr.
Đảo Banda-Neira và Gunung Api. Ảnh: Collin Key/Flickr.

Tuy nhiên, người Banda vẫn âm thầm chống đối lại ảnh hưởng của Hà Lan và sẵn sàng vi phạm điều khoản đã ký bằng việc buôn bán với người Anh, Mã Lai, Java, … Sự thù nghịch tích tụ giữa hai bên đã lên đến đỉnh điểm, khiến thực dân Hà Lan cho tiến hành một cuộc thảm sát tại những ngôi làng của người Banda, làm dân số sụt giảm từ 15 ngàn xuống chỉ còn gần một ngàn. Sau đó, người Hà Lan đã đưa thêm nô lệ từ Trung Quốc và Ấn Độ tới làm việc trên các cánh đồng nhục đậu khấu, biến nó thành nơi sinh lời khổng lồ.

Nhưng người Anh cũng không chịu ngồi yên và quyết tranh giành miếng bánh béo bở này. Trước khi Hà Lan kiểm soát được toàn bộ quần đảo, các thương nhân Anh đã thiết lập được hai điểm giao dịch nhục đậu khấu tại đảo Ai và Run, cách Banda Islands khoảng 10 – 20 km. Năm 1615, thực dân Hà Lan ra lệnh trục xuất người Anh khỏi Ai, nhưng họ vẫn tiếp tục bám trụ tại Run mãi tới tận 1667 – khi mang nó ra đổi chác với New Amsterdam ở bờ Đông Bắc Mỹ. Đó không phải là một giao dịch tệ khi New Amsterdam đã vươn lên trở thành trung tâm thương mại toàn cầu, nơi có Manhattan, chỉ trong 350 năm.

Trong các cuộc chiến tranh do Napoleon phát động tại châu Âu (1803 – 1815), khi xứ Netherlands (Hà Lan và Bỉ) thất thủ trước quân đoàn Pháp, thực dân Anh đã nhân cơ hội tạm thời chiếm đóng Banda Islands. Trước khi Hà Lan giành lại quyền kiểm soát nơi này, người Anh đã cho nhổ rễ hàng trăm cây giống nhục đấu khấu quý hiếm và chuyển chúng tới trồng ở thuộc địa Ceylon, Singapore, Ấn Độ, … phá vỡ thế độc quyền của Hà Lan mãi mãi. Vị thế của Banda vì thế cũng không bao giờ có thể trở lại như xưa.

Người dân Banda chế biến hạt nhục đậu khấu (năm 1899 – 1900). Ảnh: Đại học Amsterdam.
Người dân Banda chế biến hạt nhục đậu khấu (năm 1899 – 1900). Ảnh: Đại học Amsterdam.

Mặc dù nhục đậu khấu vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân Banda, nhưng thời hoàng kim của đảo đã qua. Loại cây này hiện đã được du nhập và trồng tại nhiều nơi trên thế giới. Banda giờ chỉ còn là một hòn đảo nhiệt đới yên bình với dân số thưa thớt – chưa tới 20 ngàn người, những ai không trồng nhục đậu khấu thì làm nghề đánh cá hoặc du lịch.

Điều an ủi là Banda Islands rất được ca ngợi bởi sở hữu môi trường biển trong lành, hoang sơ, nơi còn nhiều rạn san hô cùng tính đa dạng sinh học phong phú. Một số nhà khoa học lý giải, chính môi trường xung quanh Banda đã đóng vai trò như một vùng đệm, bảo vệ quần đảo khỏi ảnh hưởng của nhiệt độ khắc nghiệt vùng xích đạo và tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, gió biển và nước mưa chứa độ mặn cao cũng quyết định chất lượng và hương vị của nhục đậu khấu nơi đây, được xem là ngon nhất thế giới.