Nhờ tăng cường các tổ chức trung gian thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, Mỹ đã sớm trở thành một cường quốc hàng đầu về thị trường KH&CN. Mặc dù thế, Mỹ lại đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung KH&CN.

Tiên phong về định chế trung gian

Định chế trung gian là yếu tố quan trọng trong thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN). Một trong những quốc gia đi tiên phong về lĩnh vực này là Mỹ. Từ năm 1790, Mỹ đã ban hành Đạo luật Bằng sáng chế (Patent Act 1790) nhằm cấp bằng sáng chế cho các kết quả nghiên cứu KH&CN, từ đó thúc đẩy việc bán các kết quả này để đưa vào ứng dụng; nhưng do cho phép cấp cả bằng sáng chế trong trường hợp sao chép trực tiếp sáng chế trước nên đạo luật đã được thay thế bằng Đạo luật Bằng sáng chế năm 1836.

Nhờ bảo vệ quyền sáng chế và cấp bằng sáng chế nghiêm ngặt, đạo luật mới đã tạo hành lang cho việc thương mại các sản phẩm nghiên cứu hiệu quả hơn. Các tổ chức định chế trung gian xúc tiến thương mại KH&CN bắt đầu gia tăng trông thấy. Tổ chức quan trọng lúc bấy giờ là Văn phòng Bằng sáng chế ở Washington DC, sau đó là các trung tâm ở vùng đô thị - đặc biệt là ở vùng Đông Bắc.

Theo nghiên cứu của Naomi R.Lamoreaux và Kenneth L.Sokoloff - thuộc khoa Kinh tế của Đại học California tại Los Angeles (Mỹ), trong công trình Intermediaries in the US. Market for Technology, 1870-1920 (Các định chế trung gian trong thị trường công nghệ Mỹ từ 1870-1920), đầu những năm 1880 có 550 tổ chức hoạt động với vai trò là định chế trung gian trong thị trường KH&CN của Mỹ.


Hiện nay, có tới 80% số lượng tổ chức định chế trung gian về KH&CN của Mỹ tập trung tại vùng thung lũng Silicon Valley thuộc bờ biển phía tây và ở các bang New York, Masachusetts thuộc bờ biển phía đông. Không chỉ đóng tại Mỹ, các tổ chức này còn có văn phòng tại châu Âu, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Á.

Loại hình tổ chức định chế trung gian về KH&CN của Mỹ cũng rất đa dạng. Ngoài kiểu truyền thống là các cơ quan pháp lý như cấp giấy phép, bằng sáng chế, còn có các tổ chức môi giới sở hữu trí tuệ, bán đấu giá, trao đổi thương mại trực tuyến, tư vấn, chuyển giao công nghệ, các ngân hàng đầu tư và các hãng phát triển sở hữu trí tuệ...

Sự đa dạng loại hình và số lượng các định chế trung gian lớn như vậy đã đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, định giá sáng chế và ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở Mỹ.

“Trong quá khứ, định chế trung gian về KH&CN thường là các tổ chức nặng về tính pháp lý. Ngày nay, định chế trung gian đã phát triển các dịch vụ mới theo hướng tiếp cận thương mại” - Frank Tietze thuộc Đại học Hamburg (Đức) nhận xét về thị trường KH&CN Mỹ.

Thách thức về nguồn cung

Dù đã làm tốt định chế trung gian - một yếu tố mà nhiều nước khác chưa làm được nhưng thị trường KH&CN Mỹ lại đang phải đối mặt với thách thức về nguồn cung để cạnh tranh với các thị trường KH&CN ở nước khác, nhất là các nước ở châu Á.

Theo thống kê của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ, vào năm 2011 châu Á có kết quả nghiên cứu được công bố dưới dạng bài báo khoa học nhiều bằng Mỹ. Riêng Trung Quốc đã “sản xuất” tới 11% lượng bài báo khoa học trên toàn thế giới, vươn lên đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau Mỹ. Nếu tính riêng bài báo nghiên cứu kỹ thuật thì châu Á bỏ xa Mỹ với số lượng 35 nghìn bài, còn Trung Quốc ngang với Mỹ - với số lượng 15 nghìn bài. Điều đó cho thấy vị trí đầu bảng về KH&CN bấy lâu nay của Mỹ đang có nguy cơ tụt hạng.

Không chỉ thế, nguồn cung nhân lực KH&CN của Mỹ cũng có đang có chiều hướng sụt giảm. Lý do vì người Mỹ đang có chiều hướng ít quan tâm tới các môn khoa học cơ bản như toán học và kỹ thuật, dẫn tới nguy cơ thiếu nguồn cung nhân lực nghiên cứu KH&CN. Cuộc khảo sát từ tháng 8/2011-4/2012 của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế quốc tế đối với 150 nghìn người có độ tuổi từ 16-65 ở 24 nước cho thấy, kỹ năng toán học của người Mỹ chỉ đứng thứ 21. Đã thế, số đông sinh viên tốt nghiệp trong các ngành nghiên cứu KH&CN tại các trường đại học của Mỹ lại không phải người Mỹ, mà chủ yếu là người Trung Quốc và Hàn Quốc.

Lỗ hổng nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng phát triển KH&CN của Mỹ trong tương lai. Edie Fraser - người phụ trách trang kết nối khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học STEMconnector.org - nhận định rằng, trong tương lai rất nhiều công việc sẽ phụ thuộc vào toán học và khoa học. “Còn thiếu tới 2,5 triệu công việc liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Trong tương lai, sẽ có thêm 17% lượng công việc mới liên quan tới lĩnh vực này” - Edie Fraser nói.

Debbie Myers - thuộc Công ty Discovery Communications - cho biết: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ trên thị trường toàn cầu thì cần phải làm tốt hơn việc kích thích thế hệ trẻ say mê khám phá KH&CN”.

Cùng với nguồn cung nhân lực thì kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Mỹ cũng đang giảm thị phần so với nước khác. Theo thống kê của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ, trong những năm 2001-2011, châu Á dẫn đầu về chi tiêu cho R&D trên toàn cầu. Trong đó Trung Quốc chiếm 26%, vượt so với 22% của Mỹ, còn lại Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 12%. Đồng thời, cơ chế đánh thuế mạnh vào các mặt hàng công nghệ của Mỹ còn khiến cho các hãng công nghệ Mỹ sẽ phát triển và đem lại lợi ích cho các nước khác.

Hơn nữa, thị trường KH&CN Mỹ cũng không tránh khỏi xu hướng toàn cầu hóa. Các kết quả nghiên cứu được công bố sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho Mỹ mà cả những nước khác. Các nhà KH&CN nước ngoài lại tăng cường hợp tác, nhận được bằng sáng chế từ Mỹ. Thống kê của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ chỉ ra, các nhà phát minh của Mỹ hiện chỉ chiếm dưới 50% tổng số bằng sáng chế do Mỹ cấp, còn lại là bằng sáng chế của các nhà nghiên cứu không phải của Mỹ như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thực trạng ở Mỹ cho thấy, để thúc đẩy thị trường KH&CN của mỗi quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế thì cần phải đảm bảo được sự hài hòa giữa các yếu tố trụ cột: Nguồn cung, nguồn cầu và định chế trung gian.