Bổ Đà (Bắc Giang) là một ngôi chùa cổ kính và đẹp. Chúng ta biết rằng ở đây đang lưu giữ một tài sản quý giá là “Bộ mộc bản kinh phật phái thiền Lâm Tế” được coi là cổ nhất thế giới; nhưng còn nhiều điều lý thú khác ít ai được biết.

Cách đây mươi năm, nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng dẫn đoàn Tạp chí Tia Sáng và thân hữu thăm chùa Bổ Đà. Trên đường về, ông băn khoăn than phiền về một di tích, mà theo ông, phải có từ cuối thế kỷ XIX, đã xóa bỏ. Đó là một… nhà xí cổ! (Xin phép không dùng mỹ từ!) Chuyện nhỏ này cho thấy tầm nhìn của nhà văn hóa và tầm quan trọng của… đối tượng.

Chuyện bẵng đi cho tới cuối năm 2018 khi cư dân thế giới ảo lại ồn ào nhân việc thành lập “Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam”. Chính vì sự ồn ào này mà nhà giáo về hưu người Mỹ gốc Việt Trần Hữu Dũng đã giới thiệu cho bạn đọc một nhất phẩm mang tên “The Big Necessity: The Unmentionable World of Human Waste and Why It Matters” (“Nhu cầu lớn: Thế giới chất thải của con người và tại sao nó quan trọng”) của nhà nghiên cứu người Anh Rose George (Metropolitan/Portobello, 2008).


Trước khi tìm hiểu cuốn sách lý thú này, ta cần biết, Rose George là một cây bút nữ có hạng trong làng báo, tác giả những cuốn sách viết về những chủ đề cực kỳ quan trọng: bụi, chất thải, máu, sự vận chuyển... Sinh năm 1969, Rose George có học vấn được xếp loại “Notable Thouron Scholars/Học giả Thouron Danh tiếng”) của Đại học Pennsylvania và Fellow Fulbright. Cuộc đời phóng viên của cô được đánh dấu bằng chiến trường Kosovo và hai lần là khách tiệc sinh nhật Saddam Hussein; nhưng George nổi tiếng hơn khi là tác giả của bốn cuốn sách phi hư cấu bán chạy (đều bốn sao trở lên trên Amazon).

Quay lại với cuốn sách, chất thải [bài tiết] của con người … tại sao nó quan trọng? Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, Việt Nam và Ấn Độ đều là thuộc địa và đang đấu tranh giành độc lập. Chính lúc đó (năm 1925), người cha của nước Ấn Độ độc lập tương lai, Mahatma Gandhi, đã nói: Vệ sinh quan trọng hơn nền độc lập. Điều đó đương nhiên là xác đáng vì cho tới 90 năm sau, Ấn Độ vẫn còn 552 triệu người (chiếm 60% toàn thế giới) thường xuyên hưởng “thú quận công”. Vấn đề nghiêm trọng tới mức, năm 2014, Chính phủ Ấn Độ phải triển khai một chương trình trị giá 31 tỷ USD mang tên Swachh Bharat (Ấn Độ Sạch) với mục tiêu: Mỗi hộ gia đình Ấn Độ phải có một nhà vệ sinh. Chương trình có vẻ đã thành công với con số thống kê mức độ bao phủ vệ sinh toàn quốc tăng lên 99,06% vào năm 2019 (38,7% năm 2014).

Chính vì vậy mà trong 10 chương của cuốn sách, có 2 chương riêng (4 và 8) dành cho Ấn Độ; một chương dành cho sự thành công của Trung Quốc (chương 5: Sự bùng nổ Biogas của Trung Quốc), và có lẽ Việt Nam cũng tương tự khi mà một thời, hố xí hai ngăn của Việt Nam là một thành công được phổ biến sang các nước nghèo Á-Phi.

Rose George đã tổ chức một cuộc thám hiểm vào thế giới chất bài tiết của con người; hứa hẹn sẽ gây bất ngờ, phẫn nộ và sự giải trí đích thực. Độc giả sẽ được di chuyển từ các cống ngầm sâu dưới lòng đất của Paris, London và New York; đến các hạ tầng thảm họa tại khu ổ chuột Ấn Độ, nơi mười nhà vệ sinh dành cho 60.000 người. Hoặc năm triệu hầm biogas Trung Quốc, sản xuất năng lượng từ phân người – mô hình cứu tinh tiềm năng cho nước nghèo; những anh hùng của phong trào vệ sinh thế giới thứ ba; người phát minh ra chiếc xe Loo khiêm tốn; và các tia laser cá nhân của binh sĩ Quân đội Mỹ dùng để “đốt cháy” phân của họ trên cánh đồng.

Tâm lý chung chắc không thú vị gì khi “lặn ngụp” trong “bể phốt” dù trên giấy, nên chương 2 của cuốn sách: “Cuộc Cách mạng Bồn cầu Robot” sẽ mang lại nhiều thông tin cực kỳ thú vị và có thể “bổ ích” tại chỗ khi các loại bồn cầu của Nhật, phần lớn có thể mua tại Việt Nam. “Chương này nói về công nghệ sản xuất bồn cầu ở Nhật Bản (quốc gia được xem là có bồn cầu tiện nghi và “tối tân” nhất thế giới) và Mỹ. (Hãng Toto của Nhật có hơn 1.500 kỹ sư nghiên cứu bồn cầu!)” Nhiều thông tin ở đây “tuy hết sức nghiêm túc nhưng cũng rất dí dỏm và cung cấp những thông tin mà bạn sẽ nhớ cả đời (chẳng hạn như phương pháp mà các kỹ sư Nhật “thử” bồn cầu, hoặc tìm “độ nghiêng tối ưu” của vòi xịt).” Một khi kiến trúc sư vĩ đại Le Corbusier đã coi nhà vệ sinh là “một trong những vật thể công nghiệp đẹp nhất đã từng được sản xuất” thì vị trí phòng vệ sinh trong một căn hộ dân cư không hề phải đứng sau.

Lời khen dành cho tác giả và cuốn sách thật không kể xiết, vì sách hay. Cả hai việc – xóa bỏ tình trạng “ỉa đồng” tại nông thôn (nhất là đồng bằng Nam Bộ) và hiện đại hóa nhà vệ sinh – ở Việt Nam – đều cần thiết. Dịch cuốn sách sang tiếng Việt có lẽ là điều nên làm?