Có thể nói, sau hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Kẻ xa lạ (1942) và Dịch hạch (1947), thì tiểu luận Thần thoại Sisyphus (Le Mythe de Sisyphe, 1942)* là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Albert Camus (1913-1960).
Tác phẩm này đóng vai trò là chìa khóa, để không chỉ hiểu rõ hơn về tư tưởng nhà văn từng đoạt giải Nobel Văn học, mà còn để tri nhận thấu đáo tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh, một trào lưu văn học, văn hóa, triết học lan tỏa và có ảnh hưởng mạnh mẽ vượt ra ngoài châu Âu sau Thế chiến II.
Tên tiểu luận, vốn là tên chương sau cùng, được gợi dẫn từ câu chuyện của chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp: Sisyphus bị các vị thần trừng phạt bằng việc vần tảng lớn đá lên đỉnh núi, nhưng khi lên đến đỉnh, nó tự lăn xuống và Sisyphus buộc phải bắt đầu lại. Một hình phạt khủng khiếp vì khiến chàng lao động trong hoài công và vô vọng. Nhưng bởi thế, số phận Sisyphus gợi nhắc điều mà Albert Camus sẽ tập trung phân tích trong toàn bộ tiểu luận: sự phi lí (absurdism). Theo đó, bắt đầu từ một “lập luận phi lí” rằng đời sống của mỗi cá nhân, ngay cả những cá nhân tự xác định cho mình một lí tưởng, mục đích cao đẹp, thường bị vây bủa trong những hành động đôi khi rất hoài công và vô vọng.
Sự phi lí nổi lên ngay trong những điều mà ta tưởng hợp lí: càng sống, về cơ bản, là càng lao vào một hành trình mà sự kết thúc chỉ là cái chết. Nhưng điều đó bắt buộc con người ý thức phải biết cách sống, biết cách lựa chọn phương thức sống và theo Camus “đánh giá xem cuộc sống đáng sống hay không đáng sống cũng chính là trả lời cho câu hỏi có tính nền tảng của triết học”.
Thay vì lên giọng giáo huấn xem “đời có đáng sống” không, Camus lại trầm tư biện luận về “tự sát”, hành vi mà ông coi là vấn đề triết học duy nhất đáng bàn. Camus thấy rằng nếu người ta tự sát bởi vì cuộc sống không đáng sống thì nó quá hiển nhiên. Vấn đề ở chỗ một người sống trong ý thức trọn vẹn thì không nên từ chối đời sống phi lí bằng tự sát, không thoái lui, buông xuôi hay chạy trốn mà phải chạm vào nó, tiếp tục, làm lại lần nữa trong nó, đóng con dấu cá nhân vào nó.
Camus cũng hướng tới “sống mà không cầu viện”, tức không quá tin vào sức mạnh siêu nhiên của Chúa (Ki-tô giáo), dám nổi loạn, vượt qua sự điều khiển của thần linh, định mệnh để chấp nhận mọi sự hiện hữu của chính mình trong thế giới – “sống hết số phận cụ thể của mình, chính là chấp nhận nó hoàn toàn” – Camus nói thêm.
Con người phi lí chỉ tin vào cái đang là, khước từ hi vọng vào tương lai mờ mịt bằng cách vươn tới tự do nội tại, cái tự do trước chính mình. Và vì thế, loại bớt cầu nguyện, nhận ra sự hữu hạn và việc không thể đoán trước bất kì điều gì. Con người chỉ còn sự thấu suốt của riêng mình nên ngay cả sự thất bại thì nó cũng đóng góp một quan điểm cụ thể, một hơi ấm nào đó: “trong thế giới phi lí, giá trị của một khái niệm hay một cuộc đời được đo lường bằng sự vô ích của nó”.
Đến đây, Camus không chỉ cho chúng ta thấy việc ông đặt câu hỏi “sống để làm gì” mà còn là “sống như thế nào”. Câu hỏi này có thể coi như một biện luận có tính chất đáp trả của tri thức trước những dư chấn Thế chiến II vốn là cuộc chiến đã gây ra bao nỗi hoang mang về nghĩa lí của đời sống, về giá trị của con người.
Là chứng nhân cuộc khủng hoảng đó, Camus không chỉ nhận thấy sự phi lí đang bao trùm mọi nơi, mọi lĩnh vực mà còn quyết liệt đi tìm một biểu tượng có khả năng thay thế cho việc than vãn, sợ hãi hay buông xuôi trước sự thật. Trong quá trình tìm biết đó, Camus từng bước đọc lại những mệnh đề tư tưởng trong chủ nghĩa hiện sinh, từ Jaspers đến Heidegger, từ Kierkegaard đến Chestov, và đặc biệt là Nietzsche; đọc lại và phân tích những tác phẩm văn học nghệ thuật trứ danh để cuối cùng lựa chọn Sisyphus.
Chính lúc Sisyphus quay lại vần tảng đá lên, Camus nhận ra chàng “vượt lên cao hơn số phận của mình. Chàng mạnh hơn tảng đá”. Đấy là một phát hiện đầy bất ngờ, thông thái và nhân văn. Cho nên, nếu phải đối diện với một tình huống tương tự, hãy tin lời Albert Camus: “Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc”.
Chú thích:
* Trương Thị Hoàng Yến - Phong Sa dịch, Nxb Trẻ ấn hành