Tăng trưởng GDP và phát thải khí nhà kính không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Kỷ nguyên “chia tay” của hai chỉ số này có thể đã bắt đầu.

Xu hướng“xanh hóa”tăng trưởng GDP

Trong suốt thế kỷ 20, nền kinh tế toàn cầu đã vận hành dựa trên việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch: Than đá để chạy các nhà máy và máy phát điện; dầu mỏ để vận hành máy bay, tàu hỏa và xe cộ. Quốc gia nào tiêu thụ càng nhiều than đá và dầu mỏ - tức thải ra nhiều khí cácbon dioxide - thì càng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Vì lý do đó, nhiều người tin rằng về mặt logic, quốc gia nào áp dụng chính sách cắt giảm phát thải khí nhà kính cũng sẽ đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế.

Một nhà máy điện chạy than của Mỹ đang xả khí thải ra môi trường. Ảnh: Washingtonpost
Một nhà máy điện chạy than của Mỹ đang xả khí thải ra môi trường. Ảnh: Washingtonpost


Nhưng giờ đây đã có các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng GDP và khí nhà kính không còn là cặp bài trùng. Một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy GDP toàn cầu tăng trong năm 2014 trong khi đường tăng khí thải nhà kính chững lại.


Đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra trong suốt 40 năm kể từ khi con người bắt đầu ghi lại cả hai thông số. Thời điểm đó, mặc dù rất phấn khích, các nhà kinh tế học vẫn phải thừa nhận rằng đây có thể chỉ là một ví dụ ngoài quy luật.


Nhưng một nghiên cứu của tác giả Nathaniel Aden - Viện Tài nguyên thế giới - một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ - khẳng định xu thế này có vẻ vẫn tiếp diễn trong năm 2015. Theo số liệu công bố đầu tháng 4/2016, tại 21 quốc gia - trong đó có Mỹ, GDP và sự phát thải cácbon đã không còn là “đôi bạn cùng tiến”. GDP của các quốc gia này đã tăng trong vòng 15 năm vừa qua, trong khi mức độ ô nhiễm khí nhà kính giảm xuống.


Tại Mỹ, sự tách biệt kinh tế và khí thải cácbon có động lực chủ yếu từ sự bùng nổ công nghiệp khí tự nhiên nội địa. Khí đốt tự nhiên nội địa chỉ sinh ra khoảng một nửa lượng ô nhiễm cácbon so với than đá. Công nghệ tiết kiệm năng lượng cũng là một động lực đáng kể.


Xu hướng này thậm chí còn diễn ra trong mảng công nghiệp: Giữa giai đoạn 2000-2014, mức phát thải cácbon do các hoạt động liên quan đến năng lượng trong công nghiệp đã giảm 16%, trong khi kinh tế tăng 9%.


Một nền kinh tế nhỏ hơn là Thụy Điện đã tăng trưởng 31% trong khi lượng phát thải khí giảm 8% sau thời điểm nước này áp thuế lên khí thải cácbon vào năm 1991. Ngày nay, gần nửa lượng điện năng của Thụy Điển là từ điện hạt nhân - một ngành không phát thải ra khí nhà kính. Khoảng 35% sản lượng điện đến từ các nguồn năng lượng tái tạo - đặc biệt là thủy điện.


Những bài toán khó ở tầm thế giới


Dĩ nhiên, chỉ 21 quốc gia chấm dứt sự đồng hành của GDP và phát thải khí nhà kính sẽ không đủ để cứu cả thế giới. Trong vòng 15 năm vừa qua, dù nhóm nước “xanh” này cắt giảm được 1 tỷ tấn cácbon, nhưng tổng lượng phát thải toàn cầu vẫn tăng 10 tỷ tấn. Trong hơn 170 quốc gia còn lại có những nền kinh tế vào loại lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Indonesia.


Câu hỏi đặt ra là liệu những gì xảy ra ở 21 quốc gia trên có thể trở thành mô hình để phần còn lại bắt chước hay không?


Quá trình tách rời giữa tăng trưởng GDP và phát thải cácbon cũng gây một số tác dụng không mong muốn. Việc các nhà máy tại Mỹ sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng đã là một lý do quan trọng dẫn đến sự biến mất của 21% số việc làm.


Trên bình diện rộng hơn, khi các nền công nghiệp cố gắng tách rời kinh tế và phát thải khí nhà kính, sự chuyển đổi dẫn đến nhiều câu hỏi hóc búa. Chẳng hạn, liệu lượng khí ô nhiễm chỉ đơn giản là dời đi nơi khác?


Tại Anh, trong khi khu vực tài chính và dịch vụ tăng, các nhà máy, hầm mỏ và xí nghiệp đóng cửa. Một phần của chúng đã được chuyển sang Trung Quốc - hiện là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. GDP Trung Quốc đã tăng 270% kể từ năm 2000 và lượng phát thải cácbon của nước này cũng tăng 178%.


Các tín hiệu về sự tách biệt kinh tế - khí nhà kính ở Trung Quốc cho đến nay rất không rõ ràng. Một bài báo trên tạp chí Chính sách khí hậu tháng 3/2016 nhận định, việc thải khí nhà kính ở nước này có thể đã đạt đỉnh vào năm 2014 và đang bắt đầu giảm nhẹ.


Nếu đó là sự thật và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ngay cả ở mức độ khiêm tốn thì điều này vẫn có ý nghĩa lớn cho tương lai của cuộc chiến khí hậu. “Câu hỏi đối với Trung Quốc là liệu họ đã thật sự bắt đầu chuyển biến và liệu nước này có kiên định với sự chuyển đổi hay không” - ông Aden nói.


Trong khi đó, một số nhà kinh tế học cánh tả vẫn cho rằng việc tách biệt kinh tế - khí nhà kính chỉ là giấc mơ hoang đường. Cách duy nhất để cắt giảm phát thải - theo họ - là chấp nhận “chén thuốc đắng”, tức là cho phép kinh tế suy giảm một chút.


“Tôi không nói việc tách rời kinh tế và khí thải nhà kính là bất khả thi, nhưng chúng ta cần thận trọng. Nếu đặt mục tiêu cắt giảm khí thải một cách nghiêm túc, chúng ta không được mơ mộng hão huyền rằng vẫn có thể khiến nền kinh tế tăng gấp đôi sau mỗi 35 năm. Chúng ta phải nghĩ đến việc tồn tại mà không cần đến các chỉ số tăng trưởng” - Giogos Kallis - chuyên gia kinh tế tại Đại học Barcelona nhận định.


Về phần mình, tác giả Aden rất lạc quan: “Chúng ta có thể đang ở đúng thời điểm chuyển tiếp - nơi mà mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải khí nhà kính bắt đầu được gỡ bỏ”.