Trẻ em thường có thói quen đòi cha mẹ đọc lại một cuốn sách hoặc một câu chuyện đến mức cả hai đều thuộc lòng. Không ít phụ huynh tự hỏi liệu việc lặp lại đó thực sự có ích gì không. Câu trả lời là có.

Việc trẻ thường ưu tiên những thứ thân thuộc hơn thứ xa lạ phản ánh giai đoạn đầu của quá trình học tập. Ví dụ, trẻ tầm 3 tháng tuổi tỏ ra thích thú với những khuôn mặt có cùng giới tính và sắc tộc với người chăm sóc mình (Quinn, P. C et al, 2002, Perception). Khi lớn lên và có nhiều kinh nghiệm hơn, chúng sẽ chuyển sang tìm kiếm những thứ mới lạ.

"Wheels On The Bus" là bài hát quen thuộc được lặp đi lặp lại giúp trẻ ghi nhớ
"Wheels On The Bus" là bài hát quen thuộc được lặp đi lặp lại giúp trẻ ghi nhớ


Một nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý học phát triển Anh (2001) chỉ ra rằng trẻ tầm 4-5 tháng tuổi thường tỏ ra thích thú với những khuôn mặt lạ hơn là gương mặt quen. Thậm chí, khi chỉ mới vài ba ngày tuổi, trẻ cũng có thể thích nhìn mặt người lạ hơn nếu chúng cứ phải liên tục bắt gặp gương mặt quen thuộc của người chăm sóc chúng. Nói cách khác, một khi trẻ sơ sinh đã mã hóa đủ thông tin về một hình ảnh, chúng sẵn sàng chuyển sang trải nghiệm mới.

Tuổi của trẻ ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và ghi nhớ thông tin từ những cuốn sách cha mẹ đọc cho chúng. Kết quả nghiên cứu của Harlene Hayne (2004), ĐH Otago, New Zealand, về quá trình phát triển trí nhớ trẻ sơ sinh chỉ ra hai nguyên tắc: trẻ nhỏ cần nhiều thời gian hơn để mã hóa thông tin và sẽ quên nhanh hơn so với những trẻ lớn. Ví dụ, trẻ 1 tuổi học một chuỗi hành động mới nhanh gấp 2 lần trẻ 6 tháng tuổi; bên cạnh đó, trẻ 18 tháng tuổi thường lưu giữ trí nhớ về chuỗi hành động trong 2 tuần, trong khi trẻ 24 tháng tuổi có thể nhớ được tới 3 tháng.

Tuy nhiên, việc học từ những nguồn thông tin 2D như sách, video thường khó hơn so với trải nghiệm thực tế. Việc tiếp xúc lặp đi lặp lại sẽ giúp trẻ trong quá trình mã hóa và ghi nhớ thông tin dạng này.

Trẻ học như thế nào từ sự lặp lại?

Nghiên cứu của Simcock, G. và DeLoache, J. S. (2008) chỉ ra: bất kể tính biểu tượng của các hình minh họa trong sách truyện, việc tăng số lượng các phiên đọc đã cải thiện đáng kể khả năng học tập của trẻ sơ sinh. Với trẻ 1,5-2 tuổi, việc đọc cùng 1 câu chuyện 4 lần sẽ cải thiện độ chính xác khi trẻ tái tạo lại động tác làm rung quả lục lạc so với nhóm trẻ chỉ được đọc sách 2 lần. Tương tự, việc tăng gấp đôi số lần xem video cho trẻ từ 12-21 tháng tuổi sẽ cải thiện trí nhớ của chúng về các hành động trong video đó. Thêm vào đó, theo Zoe M. Flack, et al, (2018), đọc lặp đi lặp lại cùng một cuốn truyện cũng giúp trẻ học từ mới, đặc biệt là đối với trẻ từ 3-5 tuổi.

Việc lặp đi lặp lại giúp hỗ trợ học những thông tin phức tạp bằng cách tăng cơ hội mã hóa thông tin, cho phép trẻ tập trung vào những khía cạnh khác nhau trong mỗi lần đọc, cho trẻ có nhiều cơ hội đặt câu hỏi và kết nối khái niệm với nhau khi thảo luận cùng cha mẹ.

Chúng ta không nghĩ truyện cho trẻ con là thứ phức tạp, nhưng sách truyện chứa hơn 50% từ hiếm gặp so với các chương trình truyền hình hay thậm chí hơn cả những cuộc trò chuyện của sinh viên đại học. Lần cuối chúng ta sử dụng từ “hươu cao cổ” trong khi nói chuyện với đồng nghiệp là khi nào? Cần có thời gian để học những thứ đó.

Việc “học lặp đi lặp lại” đã trở thành đặc điểm quan trọng khi thiết kế các chương trình truyền hình giáo dục cho trẻ nhỏ, ví dụ, mỗi tập của Blue’s Clues (Mỹ) được chiếu lặp đi lặp lại trong vòng 1 tuần, và giữa các tập đều có cấu trúc nhất quán. Theo nghiên cứu của Crawley, A. M. et al, (1999) trên Tạp chí Tâm lý học giáo dục, việc xem 5 ngày liên tiếp cùng một tập phim Blue’s Clues đã làm tăng sự hiểu biết và tăng sự tương tác với chương trình (ví dụ trả lời theo câu hỏi, chỉ vào màn hình…) của các bé từ 3-5 tuổi. Thêm vào đó, việc lặp lại giúp trẻ tự hình thành cách xem chương trình tivi đó và có thể chuyển thành cách xem đối với những tập phim hoặc series mới. Quy trình tương tự cũng diễn ra với việc đọc sách lặp lại.

Cha mẹ hỗ trợ con như thế nào?

Nếu con bạn muốn đọc cuốn sách một lần nữa, hãy nhớ đây là một bước quan trọng trong quá trình học tập của con. Khi đó, cha mẹ có thể giúp trẻ gia tăng cơ hội học tập bằng cách tập trung vào một điều gì đó mới mẻ trong mỗi lần đọc lại truyện. Ngày đầu nhìn kỹ hơn vào hình ảnh, ngày hôm sau tập trung hơn vào các câu chữ hoặc yêu cầu trẻ điền từ vào những đoạn đọc. Có thể liên kết câu chuyện với những sự kiện đời thực gắn liền với trẻ. Theo De Temple và Snow (2003), việc mở rộng ngữ cảnh sẽ tạo ra các thử thách và thúc đẩy kỹ năng nhận thức (Cognitive skills) cho trẻ.

Cha mẹ có thể tạo hứng thú bằng cách cho trẻ đọc những cuốn sách từ cùng một tác giả hoặc xoay quanh cùng nội dung tương tự. Cho trẻ đọc nhiều loại sách, cả những cuốn sách cung cấp thông tin về cùng chủ đề nhưng sử dụng cấu trúc truyện khác nhau và có nhiều từ ngữ phức tạp hơn.

Hãy nhớ rằng, giai đoạn này sẽ qua đi. Một ngày nào đó, trẻ sẽ có niềm yêu thích mới, và những cuốn sách hiện tại, dù đã từng được yêu quý hay ghét bỏ, rồi cũng sẽ trở lại trên giá sách.

Nguồn: https://theconversation.com/theres-a-reason-your-child-wants-to-read-the-same-book-over-and-over-again-105733