Cơ hội để sinh một bé trai hay gái không phải lúc nào cũng là 50/50, bởi có rất nhiều yếu tố bí ẩn quyết định giới tính của thai nhi. Nhưng vì sao các tỷ phú thường có nhiều con trai, trong khi các gia đình nghèo khó thường có xu hướng dễ sinh con gái hơn?

Hoàn cảnh và giới tính thai nhi

Khao khát sinh con theo ý muốn tạo ra nhiều cách thức lựa chọn giới tính thai nhi, với nhiều phương pháp hoang đường. Thời trung cổ, người châu Âu tin rằng có thể sinh con trai nếu người chồng quay mặt về phía đông khi quan hệ tình dục.

Thế kỷ 18, nhà giải phẫu học người Pháp Procope-Couteau từng tuyên bố việc loại bỏ tinh hoàn bên trái sẽ giúp sinh con trai. Ông cho rằng phẫu thuật này chỉ đau như nhổ một chiếc răng. Ngày nay, Internet cũng lan truyền vô số giải pháp hoang đường không kém.

Trong khi đó, phần lớn các nhà khoa học cho rằng giới tính thai nhi là vấn đề xác suất. Cơ hội sinh con trai hay gái là như nhau, tương tự việc bạn tung đồng xu với mong muốn ra mặt sấp hay ngửa.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy có nhiều yếu tố tác động đến giới tính thai nhi: Thời tiết xấu, tháng Ramadan sẽ tạo ra nhiều bé gái. Phụ nữ cá tính mạnh, hay ăn sáng bằng ngũ cốc hoặc vợ các tỷ phú có nhiều khả năng sinh bé trai. Ngoài ra, khuynh hướng có nhiều con trai hay con gái đã được mã hóa trong gene. Người đàn ông có nhiều chị em có xu hướng sinh con gái, trong khi người có nhiều anh em có xu hướng sinh con trai. Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Sinh con trai, con gái phụ thuộc vào điều gì?

Thực tế, tỷ lệ giới tính khi sinh chưa bao giờ đạt chính xác 50/50. Trên thế giới, tỷ lệ trung bình là 109 bé trai/100 bé gái. Đây là chênh lệch rất cần thiết bởi con trai có hệ miễn dịch yếu hơn, nồng độ cholesterol cao hơn, nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và ung thư cao hơn nên cơ hội sống sót thấp hơn. Đàn ông cũng chiếm hơn 2/3 số nạn nhân bị giết, 3/4 số người chết do tai nạn giao thông, nguy cơ tự tử cũng cao gấp 3 lần phụ nữ. Thực tế đó sẽ điều chỉnh tỷ lệ nam nữ trở lại cân bằng.

Tỷ phú Elon Musk có tới 5 người con trai. Ảnh: Hdnux

Để giải thích sự chênh lệch giới tính, Robert Trivers - Đại học Rutgers (Mỹ) và đồng nghiệp Dan Willard phát triển một lý thuyết nổi tiếng trong sinh học tiến hóa, được gọi là giả thuyết Trivers-Willard. Trivers nói: “Phụ nữ có xu hướng kết hôn với người ở bậc thang xã hội cao hơn, vì vậy nếu bạn là người đàn ông ở bậc thang dưới cùng, bạn phải đấu tranh để tìm bạn đời”. Nữ giới không phải cạnh tranh gay gắt như vậy.

Người mẹ có nhiều con nhất lịch sử là một nông dân ở Shuya, Nga thế kỷ 18, sinh 69 người con. Còn người đàn ông “mắn” nhất là Thành Cát Tư Hãn với khoảng 1.000-2.000 con. Có ít nhất 10 người đàn ông khác trong lịch sử cũng nhiều con tương tự. Ở nhiều loài động vật như hươu đỏ, voi, khỉ đột, con đực thành công có thể có hàng trăm bạn đời, trong khi con đực thấp cấp hay ốm yếu có thể không bao giờ làm cha.

Con đực thường to lớn hơn nên cần lượng thức ăn nhiều hơn. Trong nhiều xã hội, nuôi con trai tốn nhiều tiền hơn. Để nuôi dạy bé trai trở thành một người có nhiều ưu thế, cha mẹ phải đầu tư lớn.

Theo Trivers, trong điều kiện thuận lợi, chẳng hạn có địa vị cao hay giàu có, sinh được nhiều con trai là một sự tiến hóa; nhưng trong điều kiện kém thuận lợi, chọn lọc tự nhiên diễn ra có lợi cho cha mẹ - họ sinh nhiều con gái hơn vì phụ nữ không phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Những năm 1980, các nhà khoa học phát hiện ra rằng ở loài hươu đỏ, con cái ở địa vị cao nhất có 60% cơ hội sinh hươu đực. Liệu điều này có đúng với loài người? Nhà kinh tế Douglas Almond kiểm tra hồ sơ dân số Trung Quốc những năm 1950, 1960 khi nhiều nơi xảy ra nạn đói và phát hiện: Trên toàn bộ mẫu, những người có mẹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói ít có khả năng sinh con trai. Con cái của họ cũng có nhiều khả năng thụ thai con gái. Từ năm 1960-1963, tỷ lệ bé trai/bé gái được sinh ra ở Trung Quốc giảm còn 104/100. Đến năm 1965, tỷ lệ này mới trở lại bình thường.

Thuốc lá, chiến tranh, biến đổi khí hậu, điều kiện không thuận lợi khiến cơ hội có con gái cao hơn. Vậy tại sao tỷ lệ nam - nữ trên thế giới không chênh lệch quá mức? Theo Keith Bowers - Đại học Memphis (Mỹ), có những lý do chính đáng để dân số không bao giờ quá xa mức cân bằng giới tính. Nếu các gia đình đều có con trai, trẻ lớn lên sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh. Lúc đó, con gái sẽ có lợi thế lớn. Theo thời gian, người ta sẽ mong muốn tỷ lệ con trai - con gái tương đương nhau.

Theo Corry Gellatly - Đại học Utrecht (Hà Lan) - sự tái cân bằng tự nhiên có thể đã xảy ra. Tuy nhiên ở Trung Quốc - nơi có truyền thống thích con trai, chính sách một con khiến nhiều thai nhi nữ bị bỏ. Trong khoảng 1980-2000, trẻ sinh ra là con trai chiếm tỷ lệ vượt trội.