"Suy tưởng" là cuốn sách mà Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (121-180) viết cho chính mình, như một cuốn nhật ký, nơi những suy nghĩ riêng tư nương náu sau một ngày phụng sự đất nước.

Marcus Aurelius đã viết Suy tưởng trong những mái lều tạm giữa hành trình tòng quân bảo vệ biên giới La Mã, tuy nhiên, chủ đề chính của Suy tưởng không phải chuyện chiến trường hay binh pháp mà xoay quanh ý nghĩa của cuộc sống, cái chết và sự vô thường của cuộc đời...

Về sau, khi cuốn nhật ký đặc biệt này được chuyển ngữ và xuất bản, độc giả ngay lập tức nhận ra nó là một di sản mà vị hoàng đế để lại cho hậu thế, một tác phẩm phản ánh đời sống đạo đức cách đây gần 2.000 năm.

Cuốn sách "Suy tưởng"
Cuốn sách "Suy tưởng"

Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius trị vì từ năm 161 đến khi ông mất vào năm 180. Thuở thiếu thời, ông đã được tiếp xúc với triết học và muốn trở thành một triết gia theo nghĩa nguyên thủy của từ này. Trong ông luôn có thôi thúc truy tầm trí huệ và sự uyên bác, dù ông được vị minh quân Antoninus Pius chọn làm con nuôi để thừa kế ngai vàng. Marcus Aurelius là một trong những hoàng đế La Mã đáng khâm phục nhất, nhưng tầm quan trọng của ông vượt xa vai trò đó, ông được người đời nhớ đến bởi lòng nhân đức và trí tuệ tuyệt vời.

Suy tưởng trước hết thể hiện rất rõ dòng tư tưởng tôn giáo có sức hút nhất của Hy Lạp lúc bấy giờ - triết học khắc kỷ (Stoicism). Ngày nay, triết học khắc kỷ ít nhiều bị hiểu nhầm, bị đánh đồng với sự khổ hạnh, ép xác hay khắc chế cảm xúc,… Tuy nhiên, trong Suy tưởng, tư tưởng khắc kỷ được thể hiện như là lối sống thuận hòa với logo (đạo, tự nhiên, Thượng đế), mạnh mẽ thực thi số phận được giao và không sợ hãi cái chết. Ý niệm về Thượng đế của các nhà khắc kỷ rằng Thượng đế ban cho mỗi cá nhân một linh hồn và quyết định số phận cụ thể của họ, đã góp phần tạo nên thế giới quan của Marcus Aurelius. Ông tin hạnh phúc thật sự nằm ở sự thừa nhận rằng tất cả mọi thứ trên đời xảy ra theo ý muốn của Thượng đế, vì thế ta phải chấp thuận vai trò của mình trong đời sống và những dòng chảy sự kiện xung quanh.

Marcus chịu ảnh hưởng của triết thuyết khắc kỷ nhưng cũng có những tìm tòi của riêng mình, ông trân trọng cuộc sống từ những chi tiết nhỏ bé nhất và giữ một thái độ mở với mọi cảm xúc dù tiêu cực hay tích cực trong cuộc đời. “Mọi sự vật đẹp đẽ, chúng đẹp và đủ tự bản thân chúng. Khen ngợi là từ bên ngoài. Đối tượng của lời khen vẫn nguyên như cũ: không tốt hơn, không xấu hơn. Tôi nghĩ điều này cũng đúng cho ngay cả những vật “đẹp” trong đời thường - những đồ vật, những tác phẩm nghệ thuật.”

Ngai vị hoàng đế đến với Marcus bất ngờ, ông làm trọn nghĩa vụ nhưng ý thức được đâu là thực và đâu là hư ảo. Mặc dù về cơ bản là người giàu có và quyền lực, ông đã chọn khoác lên mình chiếc áo choàng của một triết gia và mặc nó trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Điều đó có nghĩa là ông chọn nhìn thế gian từ những tầng cao trí tuệ, để thấy rằng quyền lực, danh vọng chỉ là điều phù phiếm và trống rỗng.

“Nhưng hãy xem, rồi tất cả chúng ta sẽ bị quên lãng ngay ấy mà. Địa ngục và thời gian vô hạn sẽ nuốt chửng tất cả. Sự rỗng tuếch của những tràng vỗ tay. Những kẻ ca tụng chúng ta, họ mới đồng bóng và tùy tiện làm sao. Và tất cả diễn ra trong cái vùng bé tí. Toàn bộ mặt đất của chúng ta chỉ là một điểm trong không gian. Mà phần lớn lại không có người ở. Sẽ có bao nhiêu người ngưỡng mộ anh, và họ là những ai? Vậy thì hãy nhớ kỹ nơi ẩn náu này: con đường quay trở lại bản thân anh.”

Ông cho rằng quyền lực, danh vọng thường khiến con người lạc lối, kẻ khao khát có được tiếng tăm đời đời là kẻ đui mù. “Vậy thì, con người chúng ta phải khao khát điều gì? Chỉ một điều này thôi: suy nghĩ đúng đắn, hành động không ích kỷ, miệng lưỡi không nói lời giả dối, nóng giận, đón nhận mỗi sự kiện trôi qua như một điều gì đó đã được mong đợi từ trước...”

Marcus cũng từ chối vạch ra một ranh giới sắc nét giữa bản thân và thế giới, đồng thời giải phóng bản thân khỏi những cương tỏa của bản ngã. Ông quan niệm, khi buông bỏ bản ngã, chúng ta cũng tránh xa khỏi những điều chịu sự kiểm soát của bản ngã: sự quan tâm đến danh tiếng, địa vị, uy tín và sự sang giàu. Đối với ông, con người không nên theo đuổi những điều này, chỉ nên theo đuổi những lý tưởng cao quý nhất, rồi có thể, danh tiếng và vị thế sẽ đến sau, như là những “sản phẩm phụ” của thành công.

Tin rằng số phận là điều được định trước cho mỗi chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta là hoàn thành vận mệnh ấy, Marcus cũng thể hiện trong cuốn sách những lời khuyên mà ông dành cho chính mình khi phải đương đầu với khổ nạn, khó khăn, đau đớn và những phi lý, bất công trong đời sống. “Sự hoàn hảo của tính cách: sống mỗi ngày cuối cùng của anh, mỗi ngày, không mê loạn, không biếng nhác, không vờ vịt.” Theo ông, việc đào sâu suy tưởng mỗi ngày là một cách để đạt được tự do trong cái hữu hạn của thân phận làm người, tự do khỏi những âu lo, những nỗi đau trần thế và nỗi sợ cái chết.

Chính ở tư tưởng từ bỏ dần dần bản ngã và những cảm xúc âu lo, sợ hãi vốn thống trị trong tâm thức của mỗi người, Suy tưởng đã thể hiện “mẫu số chung” với những triết lý Phật giáo, Đạo giáo.

“Nhật ký” của Marcus Aurelius có giá trị phi thời gian, đặc biệt truyền cảm hứng cho nhiều nhà tư tưởng thế kỷ XVIII, tiêu biểu như cựu tổng thống Mỹ Thomas Jefferson. Ngày nay, cuốn sách vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ độc giả, những người có thể đọc nó nhiều lần, ở nhiều giai đoạn đường đời, để tìm thấy trong đó những thông điệp sâu sắc và để nhận thấy, dù xã hội hiện đại có bao nhiêu xao lãng, bao nhiêu nghĩa vụ phải hoàn thành thì việc suy niệm, trầm tư vẫn là điều mà chúng ta nên làm mỗi ngày.