Là cuốn sách Lev Tolstoy viết ra với niềm tin rằng nó “sẽ cho người đọc nội lực, sự bình yên và hạnh phúc để có thể thông tri với những tư tưởng gia vĩ đại nhất như Socrates, Epictetus, Arnold, Parker… Họ sẽ nói chúng ta nghe điều gì là quan trọng nhất với nhân loại, về ý nghĩa của đời sống và đức hạnh.”

.
Cuốn sách "Suy niệm mỗi ngày"

Nhiều người coi Lev Tolstoy (1828 – 1910) là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế giới. Nhưng ông cũng nổi tiếng không kém vì những quan điểm đạo đức và khổ hạnh cực đoan mà ông đã áp dụng sau một cuộc khủng hoảng đạo đức và thức tỉnh tâm linh vào những năm 1870.

Vào ngày 15/3/1884, Tolstoy đã viết trong nhật ký của mình rằng: “Tôi phải tạo ra một “quỹ đạo đọc” cho chính mình, trong quỹ đạo ấy có các tác phẩm của Epictetus, Marcus Aurelius, lời dạy của Lão Tử, Đức Phật, Pascal và kinh Tân Ước. Điều này cũng cần thiết với tất cả mọi người.”

Vì thế, ông bắt tay vào biên soạn một hợp tuyển những suy niệm minh triết cho mỗi ngày trong năm. Đây là một dạng “cẩm nang” về những tư tưởng uyên bác, được thu lượm qua sức đọc quảng bác của ông. Năm sau đó, ông đã viết cho trợ lý của mình, mô tả dự án đặc biệt này như sau: “Tôi biết rằng nó sẽ cho người đọc nội lực, sự bình yên và hạnh phúc để có thể thông tri với những tư tưởng gia vĩ đại nhất như Socrates, Epictetus, Arnold, Parker… Họ sẽ nói chúng ta nghe điều gì là quan trọng nhất với nhân loại, về ý nghĩa của đời sống và đức hạnh.”

Sau đó, Tolstoy dành 17 năm tiếp theo để gom góp thu nhặt những “mẩu”, những “mảnh” trí tuệ rạng ngời này. Vào năm 1902, khi đã ngoài tuổi 70, đang ốm bệnh nặng và gần đất xa trời, ông cuối cùng mới ngồi xuống và viết cuốn sách Suy niệm mỗi ngày. Khi đã gửi bản thảo cho nhà xuất bản, ông quay lại những trang nhật ký của mình rồi thở phào nhẹ nhõm: “Tôi cảm thấy rằng tôi đã được nâng lên tầm cao về tinh thần và đạo đức khi được giao tiếp với những người giỏi nhất và khôn ngoan nhất này.”

Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1904, nhưng phải đến tận năm 1997 mới được dịch sang tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt “Suy niệm mỗi ngày” dịch từ bản tiếng Anh này. Ngay từ phần mở đầu, Tolstoy đã bộc bạch: “Tôi hy vọng người đọc cuốn sách này sẽ trải nghiệm cùng cái cảm xúc từ ái và thăng hoa mà tôi đã trải nghiệm trong khi làm việc biên soạn nó. Cảm xúc đó vẫn tiếp tục, một cách lặp đi lặp lại, khi tôi đọc lại nó mỗi ngày.”

Trong những năm cuối đời, Lev Tolstoy luôn giữ cuốn sách này trên bàn, đọc đi và đọc lại cho gia đình nghe, giới thiệu nó cho tất cả bạn bè của mình, thậm chí ông còn yêu cầu trợ lý của mình đưa ông xem bản in thử trên giường chết của ông.

Cuốn sách bao gồm những tư tưởng chính yếu nhất của nhà văn thiên tài về tâm linh và đời sống cao quý, được chia thành 365 chương nhỏ cho việc đọc và thẩm thấu mỗi ngày, với những tiêu đề ngắn gọn như “Thượng Đế”, “Linh hồn”, “Dục vọng và đam mê”, “Tự phụ và hư danh”, “Khiêm cung”, “Hạnh phúc”, “Chân lý”, “Tình yêu”. Vừa thử thách vừa an ủi, vừa truyền cảm hứng vừa vỗ về, cuốn sách này là một kho báu thực sự cho những người đang tầm cầu một đời sống cao hơn những vụn mảnh thường nhật. Cuốn sách từng có thời bị cấm ở Nga vì không phản ánh được những lý tưởng của xã hội lúc bấy giờ, nhưng sau đó được tái bản năm 1995 và bán được 300 ngàn bản.

Cuốn sách thấm đẫm tinh thần của tình yêu và nguồn cảm hứng sống lớn lao, chứa rất nhiều câu trích dẫn từ các nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới, từ Khổng Tử đến Henry David Thoreau, từ ngạn ngữ Phật giáo đến kinh Talmud.

Sâu sắc và thấm thía hơn cả chính là những suy tưởng của Tolstoy, ta dễ dàng bắt gặp những câu văn quý giá như vàng ròng khi lật mở bất kỳ trang nào của cuốn sách.

Về linh hồn

Tolstoy viết rằng, trong chúng ta có cái tôi nội tại giữ nguyên qua những năm tháng ấu niên, thiếu niên, trung niên rồi sau đó là lão niên, cái tôi đó chính là linh hồn ta. Nhận thức rằng sống không phải ở trong thân thể mà ở trong linh hồn là một phần của quá trình hiểu chính mình. Có hai lối đi trong đời người: Một là cho thể xác và lối kia, cho linh hồn. Nếu bạn sống cho thể xác, sự thể sẽ trở nên rõ ràng rằng, những lạc thú xác thịt vốn mong manh, sẽ yếu đi qua năm tháng, sẽ kết thúc với cái chết. Trái lại, nếu bạn sống cho linh hồn, thì những niềm vui của đời sẽ gia bội với thời gian, và cái chết sẽ không còn đáng sợ.

Về Thượng đế

Thượng đế của Tolstoy không phải đấng toàn năng, có thể “hô mưa, gọi gió” can thiệp vào mọi sự vụ trên trần thế, đối với ông, “Thượng đế là cái gì, chắc chắn là chúng ta không biết”. Không ai thực sự hiểu được Thượng đế nhưng có thể cảm nhận được sự hiện hữu của Thượng đế, Người sống bên trong một con người nhân ái, sống trong tình yêu. Thượng đế cũng là vĩnh hằng, ôm choàng lấy tất cả, và hiện hữu xuyên qua không gian và thời gian.

Về sự khiêm cung

Tolstoy viết rằng, mọi cám dỗ đều xuất phát từ lòng kiêu mạn. Để tự cứu lấy mình thoát khỏi những cám dỗ, hãy khiêm cung. Nếu muốn trải nghiệm niềm vui chân thực của một hành vi tốt, hãy làm nó trong thầm lặng và quên rằng anh đã làm nó. Chỉ lúc đó, hành vi tốt sẽ xuất hiện cả bên trong lẫn bên ngoài anh. Sự khiêm cung là nền tảng cho mọi đức hạnh và trí tuệ.

Về lao động chân tay

Tolstoy nhấn mạnh vai trò của lao động, đặc biệt là lao động chân tay. Nhà văn cho rằng lao động chân tay, nhất là làm việc với đất đai, tích lợi cho cả thể xác lẫn linh hồn. Loại lao động này không những cho phép tâm trí bạn nghỉ ngơi, mà còn mang bạn đến gần hơn với thiên nhiên. Không có gì làm hại một cuộc sống tốt đẹp hơn là bỏ bê công việc bình dị, thường nhật – làm ra thực phẩm cho chính mình, quét dọn nhà cửa, giặt ủi quần áo. Tolstoy đã viết rằng: Bạn chỉ có thể có một cuộc sống trí thức và tâm linh nếu bạn dấn thân mình vào lao động chân tay.

Về tình yêu

Cách tốt nhất để cải thiện cuộc đời nhau, không phải là qua tiền bạc, quà tặng hay lời khuyên tốt, hay thậm chí là công việc, mà là qua tình yêu. Trách nhiệm của mỗi con người là nuôi dưỡng tình yêu và mang nó vào trong thế gian này.

Nguồn hạnh phúc chân thực nằm ở trong trái tim. Hạnh phúc nằm trong khả năng yêu mến kẻ khác của bạn. Tolstoy nhấn mạnh nhiều lần một điều: hãy yêu mọi người, kể cả người nhân ái lẫn người xấu ác.

Về khoa học

Về chủ đề này, Lev Tolstoy có viết riêng một tiểu luận “Bàn về khoa học” trình bày rõ ràng quan điểm của ông. Ông phản đối việc các nhà khoa học gom góp những kiến thức lặt vặt, “từ chương” nhưng lại từ chối biết khoa học quan trọng bậc nhất trong đời sống giúp ích cho tất thảy mọi người – đó là: ta nên sống đời mình như thế nào trên thế gian này? Lev Tolstoy luôn nhấn mạnh đó là sai lầm lớn nhất của khoa học. Ông còn viết thêm: Kiến thức về những điều không quan trọng là một trở ngại cho hiểu biết chân thực nữa kia.