Trước khi La Mã tan rã, châu Âu rơi vào giai đoạn đen tối, Boethius (480-525), người tử tù và là một chính khách cao cấp trong giới quý tộc La Mã đang chờ chết một năm vì bị ghép vào tội mưu phản, đã viết ra “Sự an ủi của triết học” (Consolation of Philosophy).

Tác phẩm nổi tiếng mang tính triết lý Stoic cũng như ông dịch (ra tiếng La tinh) và diễn giải về tác phẩm logic học Categories (trong Organon) của Aristote, cũng như Introduction (Isagoge) của Porphyry, tác phẩm nhập môn cho Categories.

Đây là những tác phẩm của và về Aristote được biết ở phương Tây cho đến khi những tác phẩm của ông về logic, vật lý và siêu hình học được dịch và phục hồi hoàn toàn vào thế kỷ 12 và 13.

Nhưng những tư liệu của Boethius cũng đủ để phương pháp học thuật kinh viện ra đời thế kỷ 12. Boethius cũng dịch Euclid và Ptolemy ra tiếng Latinh cùng với những luận văn cổ điển về số học và âm nhạc, những thứ trở thành trụ cột trong các tu viện, trường hay nhà thờ, là những thể chế giáo dục quy củ đầu tiên của phương Tây.

Thực tế, Boethius đã ứng dụng phương pháp tiên đề hóa (axiomatization) vào thần học một cách nghiêm túc. Ông chú ý logic giống như những nhà triết học ở trường Alexandria, ở đó chương trình giảng dạy triết học bắt đầu bằng logic. Boethius là đường truyền đầu tiên qua đó logic học của Aristote được truyền tới các nhà triết học trung cổ tiếng Latinh. Chính ông là người truyền lại ngọn lửa khoa học và học thuật cho thời Trung cổ. Boethius được gọi là “Một trong những người La Mã cuối cùng và người đầu tiên của các nhà kinh viện (scholastics)”.

Trước cái chết đang chờ đợi, Boethius mượn Triết học, mà ông nhân cách hóa lên thành Lady Philosophy, hay nàng triết học, để đối thoại và an ủi. Chúng ta hãy dừng lại đây một chút để chia sẻ với những ưu tư triết học của ông. Nàng triết học an ủi ông rằng ông không phải là người bị oan sai đầu tiên trong lịch sử. Socrate đã đau khổ ở Athens, Seneca ở Rom. Chính nàng cũng gặp khó khăn. Boethius trách móc ‘tại sao những kẻ độc hại lại phát đạt?’

Boethius đã đối thoại cùng Lady Philosophy - nàng triết học. Nguồn: theconversation.com

Ông đồng ý rằng vũ trụ được quản lý bởi một vị thống lĩnh lý tưởng, đó là Thiên Chúa; nhưng nó lại giống như một cái nhà mà trong đó những cái bình vô giá trị thì được săn lùng trong khi những cái bình quý giá thì lại bị bỏ quên cho mưa gió. Nàng triết học lấy những lý luận từ Gorgias (những câu chuyện đối thoại giữa Socrate và một nhóm sophist) của Plato để chứng minh rằng sự phồn vinh của những kẻ độc hại chỉ là bề ngoài. Ý muốn làm cái ác, tự nó là điều bất hạnh và thành công đạt mục đích là một tai họa là tồi tệ hơn.

Một người tốt có thể khao khát sự thần thánh, còn người xấu thì biến thành kẻ súc sinh (beast). Vật chất có từ may mắn là không quan trọng nếu so sánh với những giá trị bên trong của một con người. Sự ban tặng của may mắn mà chúng ta hưởng được thật sự không thuộc về chúng ta: Của cải rồi cũng sẽ bị mất và chúng có giá trị nhất chỉ khi nào chúng được cho đi. Một người khoe khoang của cải và quyền lực giống như một con chuột khoe khoang trước các con chuột khác.

Tôi không thể tìm thấy hạnh phúc ở sự giàu có, quyền thế hay sự nổi tiếng, nhưng chỉ ở tài sản quý báu nhất của tôi, bản thân tôi. Vận may là lừa dối và luôn luôn chịu sự bất ổn, trong khi vận rủi đem lại sự tự nhận thức và dạy cho con người biết ai là những người bạn chân chính, những tài sản quý giá nhất của tất cả loại giàu có trên đời. Mượn triết lý của Platon và Aristote, hạnh phúc theo nghĩa chân chính được định nghĩa lại như sau:

Hạnh phúc (beatitudo) là cái tốt lành (good) mà khi đạt được sẽ không để lại điều gì nữa để khao khát. Đó là cái cao nhất của tất cả cái tốt lành, chứa đựng tất cả cái tốt lành trong nó; nếu một cái tốt lành thiếu tính chất này, nó không phải là cái tốt lành cao nhất, vì còn cái gì đó để ham muốn. Cho nên, hạnh phúc (đích thực) là trạng thái được làm hoàn hảo bởi sự tích lũy của những cái tốt lành có được.

Cho nên giàu có, địa vị, quyền lực, và tên tuổi không đáp ứng những điều kiện đó, những thú vui của cơ thể cũng không. Nàng triết học lý luận, Chúa mới là cái hoàn hảo nhất, tốt nhất của tất cả thứ tốt trên đời; cho nên hạnh phúc đích thực chỉ được tìm thấy ở Chúa thôi.

Thế còn ý chúa (providence) và số phận (fate) thì sao? Trong thế giới được ngự trị bởi ý chúa, thì số phận có còn là điều ngẫu nhiên hay không? Chúa có nhìn thấy trước mọi việc và sắp xếp không? Nàng triết học lý luận, ý chúa là lý tính thần thánh nối kết lại với nhau tất cả sự vật, trong khi số phận (hay định mệnh) là cái tổ chức những sự vận hành của sự vật nằm rải rác trong không gian và thời gian, trong một quá trình phức tạp. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy ở bề mặt sự lộn xộn của sự vận hành của số phận. Nhưng nếu chúng ta có thể nhìn sâu để thấy sơ đồ toàn cục như được thiết kế bởi ý chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng cái gì xảy ra là xảy ra công bằng, cái gì tồn tại là tồn tại có lý.

Sự chọn lựa tự do của con người là cái gì khó hòa hợp với ý chúa, hay với Chúa, đấng tối cao có thể nhìn thấy trước mọi thứ. “Nếu Chúa có thể nhìn thấy trước tất cả mọi việc, và trong mọi trường hợp không thể sai lầm, thì điều phải được xảy ra là điều mà trong ý chúa ngài nhìn thấy là sẽ tới.” Đây là một câu hỏi “hóc búa”. Câu trả lời của nàng triết lý được đưa ra ở đây cũng là “hóc búa”: Chúa đứng ngoài khung thời gian, cho nên không đúng nếu nói đến ý chúa liên can dự vào tri thức trước (foreknowledge).

Tri thức của Chúa về các hành động tương lai của chúng ta giống như tri thức của chúng ta về những hành động hiện tại của những người khác: Ngài ở ngoài thời gian và cái thấy của ngài thật sự không phải là một cái thấy trước, foreseeing. “Cùng một sự kiện tương lai, nếu nhìn từ tri thức thần thánh là tất yếu; nhưng nếu được xem trong bản chất của nó, thì nó có thể nhìn thấy là sự kiện hoàn toàn tự do và vô điều kiện… Chúa thấy như là hiện tại những sự kiện tương lai, những cái xảy ra vì ý muốn tự do” (Anthony Kenny). Dĩ nhiên, nan đề này chưa thế kết thúc mà là đối tượng cho tranh luận của đời sau.