Đúng như câu nói của nhà lãnh đạo kiệt xuất Lý Quang Diệu, mục tiêu tối thượng của nền giáo dục Singapore không gì khác ngoài “xây dựng nguồn tài nguyên thiên nhiên duy nhất của Singapore - con người”.

Người Việt sinh sống và học tập tại Singapore ít người giấu được sự thán phục đối với nền giáo dục của quốc gia nhỏ bé nhưng thịnh vượng bậc nhất Đông Nam Á về kinh tế, khoa học và công nghệ này. Đảo quốc sư tử thường xuyên nằm trong danh sách các quốc gia hàng đầu về giáo dục, dựa trên các tiêu chí của chương trình đánh giá sinh viên quốc tế thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD).

Nền tảng giáo dục Anh quốc và tầm nhìn đón đầu

Là một đô thị với dân số vỏn vẹn 5 triệu người, Singapore có hai trường đại học nằm trong top 75 trường đại học tốt nhất thế giới trên bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục cao cấp do tạp chí Times bình chọn, tương đương các quốc gia lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Một lớp học của Singapore. Ảnh: Girls2pioneers
Một lớp học của Singapore. Ảnh: Girls2pioneers

Cộng hòa Singapore mới chỉ ra đời năm 1965 nhưng nền giáo dục nước này không phải là một công trình hoàn toàn mới, mà được xây dựng từ nền tảng giáo dục của thực dân Anh. Trong quá trình xây dựng đất nước sau thời kỳ thuộc địa, ông Lý Quang Diệu không ngần ngại tiếp thu mọi thành tố được chứng minh là phù hợp và có ích cho đất nước - kể cả từ di sản thực dân.

Cách tiếp cận này được thấy rõ nhất trong giáo dục. Rất nhiều cơ sở giáo dục ban đầu của Singapore như Đại học Quốc gia Singapore (thành lập năm 1905), Viện Raffles (thành lập năm 1823), Trường Trung học công lập Anglo-Chinese (thành lập năm 1886) - đều đã xuất hiện từ rất lâu trước khi nước này giành được độc lập. Hơn nữa, chương trình giảng dạy trung học cơ sở của Singapope phỏng theo hệ thống chứng chỉ của Anh, có điều chỉnh một chút để phù hợp với mặt bằng điểm số cao hơn của học sinh Singapore.

Hệ thống giáo dục Singapore mang định hướng đón đầu quyết liệt. Nước này áp dụng cơ chế giáo dục song ngữ với một trong hai ngôn ngữ là tiếng Anh (bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Hoa, tiếng Mã Lai hoặc Tamil). Đặc biệt, Singapore tập trung giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM). Các yếu tố này giúp Singapore chuẩn bị nhân lực đón đầu nhiều chiến lược giáo dục chủ chốt đang được các nhà làm chính sách áp dụng.

Sự lựa chọn tiếng Anh trong giáo dục bắt nguồn từ lịch sử của Singapore, đồng thời cũng do nhu cầu có một ngôn ngữ chung đáp ứng được nhu cầu giao tiếp của xã hội đa sắc tộc. Mặt khác, việc chọn tiếng Anh cũng dựa trên tầm nhìn xác định đây sẽ là ngôn ngữ chung cho khoa học và thương mại toàn cầu. Điều này thể hiện tầm nhìn vượt trội của ông Lý Quang Diệu: Thay vì nuôi dưỡng và cổ vũ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, các nhà lãnh đạo nước này đã lựa chọn một ngôn ngữ toàn cầu để xây dựng một quốc gia toàn cầu.

Nền giáo dục biệt đãi

Giáo dục Singapore được nhiều người xem là một hệ thống biệt đãi nhân tài, tập trung phát hiện và xây dựng các tài năng tốt nhất, hướng đến việc sử dụng họ cho hệ thống dịch vụ công.
Tuy có các cơ sở giáo dục ngang tầm thế giới, Singapore vẫn giữ chế độ học bổng quốc gia khá hào phóng, cho phép các sinh viên tốt nhất theo học tại các trường đại học hàng đầu của thế giới.

Singapore cũng áp dụng chế độ ưu đãi nhân tài trong việc xây dựng và khuyến khích giáo viên. Mức lương khởi điểm của giáo viên cao hơn mức trung bình của quốc gia, cho phép thu hút và giữ lại một phần trong số các sinh viên tốt nhất sau khi tốt nghiệp để phục vụ ngành giáo dục. Các giáo viên làm việc tốt nhất sẽ được trao trọng trách lãnh đạo mà không đặt nặng vấn đề nhiệm kỳ. Các nhà giáo dục cũng thường xuyên được luân chuyển giữa việc làm tại Bộ Giáo dục với việc dạy học và quản trị nhà trường. Sau thời kỳ tham gia làm chính sách và quản lý, nhiều thầy cô giáo đã chọn quay trở lại giảng dạy.

Singapore rất tự hào về hệ thống các trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông tinh hoa - nơi xây dựng và đào tạo các tinh hoa trí tuệ của đất nước. Nhưng một thành tố không kém phần quan trọng khác chính là hàng trăm trường vệ tinh, các viện giáo dục kỹ thuật và các trường kỹ thuật cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho tất cả mọi người. Hệ thống này giúp Singapore cung cấp nền giáo dục chất lượng cao cho công dân ở mọi cấp độ năng lực và làm giảm nhẹ tính chất “thiên vị nhân tài” của nền giáo dục.

Không chỉ phát triển theo triết lý riêng, nền giáo dục Singapore vẫn liên tục thay đổi theo sự vận động của toàn thế giới. Trong thập niên 1990, các nhà làm chính sách của nước này lo ngại rằng triết lý xây dựng nền giáo dục của mình mang tính chất tập trung quá cao và định hướng STEM quá lớn. Nước này đã bắt đầu đổ tài lực để xây dựng nhân tài trong lĩnh vực khoa học nhân văn, nghệ thuật và thể thao.

Quá trình tái cân bằng này vẫn đang tiếp diễn và mục tiêu nhấn mạnh mới hiện nay là xác định các phương thức phù hợp để phát huy tính sáng tạo và nền tảng doanh nghiệp (entrepreneurship).

Nền giáo dục Singapore và người học tại Singapore - giống như mô tả của chính Lý Quang Diệu từ những năm 1977: “Một người có giáo dục là một người không bao giờ ngừng học và không bao giờ thôi ham muốn học hỏi”. Lễ quốc tang dành cho ông Lý Quang Diệu đã được cử hành tại Trường Đại học Quốc gia Singapore. Chắc chắn hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới của nước này sẽ là một trong những huyền thoại tồn tại lâu nhất về triết lý quản lý của ông.