Mới đây, một con rùa biển nhiệt đới (hay còn được gọi là đồi mồi) phát sáng rực rỡ đã được phát hiện gần quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương.

Các nhà khoa học tin rằng, đây là loài bò sát đầu tiên được biết đến là một loài biofluorescence hay còn gọi là huỳnh quang sinh học (Biofluorescence là sự hấp thụ các bước sóng điện từ quang phổ ánh sáng hữu hình bởi các protein huỳnh quang trong một cơ thể sống, và phát xạ ánh sáng ở mức năng lượng thấp hơn. Điều này làm cho ánh sáng được phát ra lại là một màu sắc khác nhau hơn so với ánh sáng được hấp thu, thường là màu xanh lá cây, đỏ hoặc màu da cam).

Loài rùa biển phát sáng đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại quần đảo Solomon

Cụ thể, Nhà sinh vật học và thám hiểm địa lý quốc gia David Gruber của Đại học New York đã phát hiện ra những con rùa cực kỳ quý hiếm phát sáng ra màu đỏ và màu xanh lá cây dưới một ánh sáng màu xanh, khi sử dụng ánh sáng xanh để nghiên cứu đáy biển.

"Tôi đã nghiên cứu về loài rùa trong một thời gian dài và tôi không nghĩ rằng bất cứ ai đã từng nhìn thấy điều này", Alexander Gaos, Giám đốc Trung tâm phục hồi rùa biển Đông Thái Bình Dương (Eastern Pacific Hawksbill Initiative - ICAPO) cho biết. "Điều này thực sự rất tuyệt vời", ông nói.

Hiện tại, các nhà khoa học không chắc chắn điều gì đã tạo ra sinh vật biofluorescence này. Sau khi bị phát hiện, con rùa đã bỏ đi và Gruber không tiếp tục theo sát vì không muốn làm phiền nó. Loài rùa biển nhiệt đới nằm trong danh sách những loài động vật cần được bảo vệ khẩn cấp. Điều đó khiến chúng trở thành loài rất khó để có thể nghiên cứu.

Tuy nhiên, khi Gruber kể với người dân địa phương về những gì anh nhìn thấy, họ đã cho anh xem một số con rùa biển đang được nuôi tại nhà, và tất cả chúng đều rực đỏ khi được chiếu sáng. Điều này cho thấy rằng, có lẽ loài rùa biển huỳnh quang sinh học này có nhiều cá thể hơn so với dự kiến.

Trước đây, người ta mới chỉ biết đến sinh vật huỳnh quang sinh học như cá và san hô. Mặc dù vậy, hiện tượng này mới chỉ thực sự được nghiên cứu trong một thập kỷ qua, do đó, vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn. Mỗi sinh vật có khả năng phát quang sinh học khác nhau, chúng tạo ra ánh sáng đặc trưng thông qua các phản ứng hóa học hoặc thông qua các vi khuẩn. Năm ngoái, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cá mập, cá đuối và một số loài cá khác thường sử dụng khả năng này cho việc giao phối.

"Khả năng huỳnh quan sinh học thường được sử dụng cho việc tìm kiếm và thu hút con mồi, phòng vệ, một số loại thông tin liên lạc", Gaos nói. Nhưng trong trường hợp này, ông nghĩ rằng có khả năng nó được sử dụng như một loại chiến lược ngụy trang cho những con đồi mồi, loài sinh vật nổi tiếng với khả năng “tàng hình”. Điều quan trọng nhất là, các rạn san hô xung quanh – môi trường sống của đồi mồi đều phát sáng.

Theo Gruber, màu đỏ phát ra từ con rùa thực sự có thể được gây ra bởi tảo, những sinh vật đang phát triển trên mai của chúng như một kiểu ngụy trang. Nhưng anh tin rằng, ánh sáng màu xanh lá cây phát ra là từ chính cơ thể con rùa, “như một ‘UFO’ đột ngột xuất hiện trong không trung”.

Science Alert cho biết, dự định tiếp theo của các nhà khoa học là tìm hiểu xem những con rùa trong môi trường sống khác liệu có khả năng tương tự hay không, và cố gắng tìm ra cách thức để chúng có thể phát sáng, bắt đầu từ những tư duy hóa học. Có thể những con rùa đã ăn một hợp chất biofluorescent, hoặc chúng thậm chí có thể tự tạo ra những loại protein có thể hấp thụ ánh sáng.

Tuy nhiên, điều này là khá khó khăn bởi những cá thể đồi mồi này đang được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Nhưng Guber cho biết, các nhà khoa học có thể nghiên cứu biofluorescence trong những con rùa biển xanh phổ biến hơn.